Bắc Ninh: Làm xét nghiệm tại chỗ miễn phí với trẻ mầm non nghi nhiễm sán lợn

1.500 trẻ ở Bắc Ninh đã được cha mẹ đưa xuống BV tại Hà Nội để làm xét nghiệm xem có nhiễm sán lợn hay không
1.500 trẻ ở Bắc Ninh đã được cha mẹ đưa xuống BV tại Hà Nội để làm xét nghiệm xem có nhiễm sán lợn hay không
TPO - Ngành y tế Bắc Ninh sẽ tổ chức xét nghiệm sán lợn tại chỗ cho các trẻ ở một số trường mầm non nghi nhiễm sán (các trường có thực phẩm do công ty Hưng Thành cung cấp) sau đó toàn bộ mẫu máu này sẽ được đưa ra viện đầu ngành để làm xét nghiệm.

Thông tin được bà Tô Mai Hoa Giám đốc Sở y tế Băc Ninh xác nhận. Theo đó, Tỉnh Bắc Ninh sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức xét nghiệm và hỗ trợ chi phí xét nghiệm sán lợn miễn phí cho học sinh 19 trường mầm non trên địa bàn huyện Thuận Thành.

Cụ thể ngành y tế Bắc Ninh sẽ tổ chức xét nghiệm sán lợn tại chỗ cho các trẻ ở một số trường mầm non nghi nhiễm sán ( các trường có thực phẩm do công ty Hưng Thành cung cấp) sau đó toàn bộ mẫu máu này sẽ được đưa ra viện đầu ngành để làm xét nghiệm.

Với thông tin này, phụ huynh Bắc Ninh sẽ không phải vất vả đưa con ra Hà Nội để xét nghiệm sán lợn nữa.

Bắc Ninh: Làm xét nghiệm tại chỗ miễn phí với trẻ mầm non nghi nhiễm sán lợn ảnh 1 Do lo lắng cho sức khỏe của con em mình sau khi phát hiện vụ việc cho trẻ mầm non ăn 'thịt bẩn, gà thối', trong hai ngày 15 và 16/3, đã có 1.500 trẻ ở Bắc Ninh được cha mẹ đưa xuống bệnh viện tại Hà Nội xét nghiệm, khám bệnh.

Trước đó cuối tháng 2, một số phụ huynh đăng video ghi lại món thịt lợn nổi đầy hạch trắng, có dấu hiệu của bệnh sán gạo trong bữa ăn tại trường Thanh Khương. Ngay sau đó, tập thể phụ huynh lên gặp Ban giám hiệu nhà trường phản ánh, nhưng chỉ nhận được câu trả lời "vòng vo, không thỏa đáng".

Đơn vị cung cấp thực phẩm cho cho tất cả trường học trên địa bàn Thuận Thành, cho rằng thịt lợn "không có bất thường gì". Phụ huynh đồng loạt cho con nghỉ học để phản đối, nhưng nhà trường không có động thái cụ thể, tiếp tục để công ty này cung cấp thực phẩm.

Đến trưa 5-3, phụ huynh bất ngờ vào kiểm tra bếp ăn của trường, phát hiện thịt gà nấu cho học sinh là thịt đông lạnh đã bị mủn, có mùi, khác với cam kết cung cấp thịt tươi sống. Nhiều loại chân, xương gà dùng để nấu cháo cho các cháu bốc mùi hôi thối. Họ đã chụp ảnh, ghi hình để tố cáo. Cơ quan công an đã lập biên bản, niêm phong toàn bộ số thực phẩm và đưa đi kiểm nghiệm.

Sự việc bùng lên khi 2/3 cháu bé được cha mẹ đưa xuống BV tại Hà Nội làm xét nghiệm có kết quả dương tính với sán lợn.

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế vừa phát đi thông điệp về Bệnh sán dây lợn (lợn gạo) và các biện pháp phòng bệnh. Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh sán dây/ ấu trùng sán dây lợn hay còn gọi là bệnh sán dải, sán dải heo phân bố ở nhiều nơi trên thế giới, việc mắc bệnh liên quan đến tập quán ăn uống, ăn thịt lợn chưa nấu chín. Ở Việt Nam, bệnh xuất hiện ở tất cả các vùng miền, các tỉnh thành.

Theo số liệu được báo cáo qua các nghiên cứu, qua các cơ sở điều trị đến nay có ít nhất 55 tỉnh, thành có ca bệnh sán dây/ấu trùng sán lợn.

Gs.Ts Nguyễn Văn Kính giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cho biết, nhiễm sán lợn không phải là bệnh cấp tính như sởi hay sốt xuất huyết, chính vì thế các bậc cha mẹ không nên quá hoang mang lo lắng.

Giám đốc Bệnh viện bệnh nhiệt đới trung ương cũng cho biết, nếu cha mẹ nghi ngại con bị nhiễm sán có thể sắp xếp thời gian bố trí công việc hợp lý thì đưa con đi xét nghiệm vào thời điểm thích hợp.

Cũng theo Gs. Kính, việc điều trị sán lợn cũng rất đơn giản theo phác đồ của Bộ Y tế. Nếu để điều trị sán thông thường, thuốc chỉ điều trị một ngày là hết sán. Tuy nhiên, để diệt được trứng có những thuốc điều trị 2 tuần là hết sạch, hoàn toàn chữa khỏi, không để lại hậu quả nghiêm trọng.

MỚI - NÓNG