“Ăn chia” trên nỗi đau người bệnh

Thuốc trúng thầu đến tay người bệnh qua rất nhiều vòng, nhiều quy định được coi là khắt khe nhưng thời gian qua đấu thầu thuốc vẫn xảy ra nhiều sai phạm. Ảnh: Lê nguyễn.
Thuốc trúng thầu đến tay người bệnh qua rất nhiều vòng, nhiều quy định được coi là khắt khe nhưng thời gian qua đấu thầu thuốc vẫn xảy ra nhiều sai phạm. Ảnh: Lê nguyễn.
TP - Đấu thầu tập trung được cho giúp người bệnh lựa chọn thuốc chất lượng nhưng giá cả phải chăng. Tuy nhiên, qua nhiều vụ việc sai phạm mới đây cho thấy, với sự tiếp tay của “người trong cuộc” khiến không ít công ty dược vô tư lách luật “ăn chia” trên nỗi đau người bệnh.

Điển hình

Công ty VN Pharma ở TPHCM từng gây bão trong ngành y tế cuối năm 2014 khi Tổng giám đốc công ty này bị bắt cùng các thuộc cấp với hàng loạt sai phạm trong đấu thầu thuốc vào Sở Y tế TPHCM. 

Tháng 5/2014 sau khi công bố kết quả đấu thầu thuốc tập trung của Sở Y tế TPHCM, cơ quan chức năng phát hiện trong hồ sơ trúng thầu, thuốc H-Capita Caplet 500mg dạng viên (Công ty Helix Pharmaceuticals INC của Canada sản xuất), với hơn 570 ngàn viên đã trúng thầu với giá hơn 14,6 tỷ đồng do liên danh Công ty dược Nam Anh và Công ty CP dược phẩm TW1 – Pharbaco bỏ thầu. 

Điều “đáng nể” là công ty Helix Pharmaceuticals INC của Canada không có thật, và thuốc trên được giả mạo để nhập về với giá siêu rẻ và đưa vào thầu để trúng giá cao. Loại H-Capita Caplet 500mg này hai liên doanh trên đưa ra mức giá chỉ 31.000 đồng/viên. 

Nhưng giá mời thầu là 66.000 đồng/viên. Thuốc kháng sinh dạng tiêm Vancomycin 1gr có giá đề nghị là 147.000 đồng/lọ, VN Pharma đưa ra giá thầu 110.000 đồng/lọ. Thuốc kháng sinh dạng tiêm Enrovan 2gr, giá đề nghị 44.000 đồng/lọ được VN Pharma đưa ra giá 28.200 đồng/lọ.

“Dù quy định đấu thầu có vẻ khắt khe, nhưng vẫn có kẽ hở để doanh nghiệp lách, trong đó có nhiều đơn vị đưa ra các loại thuốc “hàm lượng lạ” để đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, tạo sự độc quyền để trúng thầu giá cao”. 

Ông N.T.V.  

Ngoài phi vụ trúng thầu thuốc hơn 14,6 tỷ đồng kia, bằng chiêu thức “thuốc siêu rẻ” này, ông Nguyễn Minh Hùng - Tổng giám đốc VN Pharma đồng thời là Phó giám đốc Công ty dược Nam Anh đã trúng thầu 63 mặt hàng thuốc với trị giá lên tới gần 500 tỷ đồng vào gói thầu thuốc của Sở Y tế TPHCM. 


Một công ty không có nhà máy sản xuất, nhập khẩu nhưng trúng thầu “khủng” trong khi hàng loạt công ty trong nước có nhà máy đạt chuẩn GMP - WHO và cả EU, thuốc của họ được lưu hành tại các nước châu Âu...nhưng rớt thầu thảm hại.

Để lách luật, Công ty TNHH Việt Pháp vẫn đưa các loại thuốc hiếm, chỉ được Cục Quản lý Dược cho nhập chuyến vào Sở Y tế TPHCM. Theo Cục Quản lý Dược họ chỉ cho Công ty CP dược phẩm và thiết bị y tế Hà Nội- Hapharco nhập khẩu thuốc trị ung thư Bicnu 100mg do Ấn Độ sản xuất để sử dụng cho riêng BV Chợ Rẫy - TPHCM. 

Đây là thuốc hiếm, thời hạn nhập một năm nhưng khi đã hết hạn, không hiểu sao Công ty TNHH Việt Pháp lại tiếp tục sử dụng “lá bùa” trên để tham gia và trúng thầu danh mục mua sắm của Sở Y tế TPHCM. 

Tương tự, Hapharco cũng được phép nhập thuốc Erwinase 10.000 UI, sản xuất tại Anh cho duy nhất BV Truyền máu - Huyết học Trung ương sử dụng trong thời hạn một năm. Khi công ty này hết hạn, Công ty Việt Pháp lại dùng công văn cho phép nhập này đưa thuốc về và lại trúng thầu vào Sở Y tế TPHCM.

Thuốc trúng thầu cao hơn thuốc ngoài chợ

Tổng kết đấu thầu vào năm ngoái tại Sở Y tế tỉnh Long An cơ quan chức năng phát hiện nơi đây đấu thầu tập trung với giá thuốc trúng thầu bất hợp lý. 

Trong 664 mặt hàng thuốc giá trúng thầu cao hơn giá kế hoạch được duyệt, với tổng giá trị chênh lệch cao hơn 23 tỷ đồng. Cũng bằng chiêu đưa ra các tiêu chí khắt khe để tạo hàng rào kỹ thuật nhằm loại thuốc giá rẻ, đưa thuốc ngoại nhập giá cao, Hội đồng thầu ở tỉnh này đã gây thất thoát của nhà nước hàng chục tỷ đồng. 

Cụ thể trong 49 mặt hàng thuốc bỗng dưng trúng thầu với giá cao hơn nhiều lần so với giá kế hoạch đưa ra, với tổng giá trị chênh lệch cao hơn là hơn 6 tỷ đồng.

Một lãnh đạo Sở Y tế Long An giải thích do đáp ứng nhu cầu điều trị ở khoa cấp cứu, hồi sức, gây mê phẫu thuật… của Bệnh viện Đa khoa Long An nên bệnh viện đề nghị lựa chọn một số mặt hàng thuốc nhập khẩu, chất lượng cao để đảm bảo hiệu quả trong điều trị?!

Cùng “gây thiệt hại của nhà nước” trong đấu thầu thuốc còn có ngành y tế tỉnh Cà Mau, khi báo cáo mới đây từ Bộ Y tế cho thấy Thanh tra tỉnh này phát hiện ra sai phạm gần 21 tỷ đồng trong đấu thầu thuốc. Lạ lùng hơn, thuốc trúng thầu lại có giá cao hơn thuốc mua bán bên ngoài. 

Cụ thể: hoạt chất Methocarbamol 500 mg do hãng RX pharmaceutical Thái Lan sản xuất, giá trúng thầu là 3.280 đồng/viên. Tuy nhiên, loại thuốc trên bán ra thị trường chỉ có 2.100 đồng/viên. 

Trong khi đó, hoạt chất Cefamandol 1g, công ty Polfa của Ba Lan sản xuất với giá 65.000 đồng/lọ nhưng bị loại và thay thế vào sản phẩm của một công ty tại Cà Mau nhập khẩu có cùng hoạt chất, hàm lượng với giá hơn 80 nghìn đồng/lọ. 

Ông N.V.T., Giám đốc một công ty dược ở quận Tân Bình, đơn vị tham gia đấu thầu thuốc vào Sở Y tế TPHCM cho biết từ lúc mời thầu đến khi trúng thầu và cung ứng thuốc vào bệnh viện là cả một quá trình phức tạp.

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lập An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.