Tiêu cực trong đấu thầu dược phẩm: Liên tiếp sai phạm

Bệnh nhân ở Khoa Ung bướu phải chi trả giá thuốc chữa bệnh quá cao.
Bệnh nhân ở Khoa Ung bướu phải chi trả giá thuốc chữa bệnh quá cao.
TP - Những hệ lụy đợt đấu thầu thuốc mà chúng tôi nêu trong bài: Nhóm lợi ích thao túng chưa giải quyết xong, thì ngày 18/6/2015 Sở YT Đắk Lắk đã gửi CV 141, sau đó thay thế bằng CV 145 về việc yêu cầu các cơ sở y tế lập dự trù nhu cầu sử dụng thuốc năm 2015-2016, bằng email, đính kèm “danh mục thuốc gói thầu Generic 2015-2016” liệt kê 734 mặt hàng, trong đó chỉ có 217 mặt hàng có trong danh mục năm 2013-2014, còn lại 517 mặt hàng hoàn toàn mới do Sở YT tự ý đưa vào, thuộc các dạng độc quyền về nhóm thuốc, về hàm lượng và dạng bào chế.

Gần 200 tên thuốc thiết yếu, thuốc thông thường phục vụ cho công tác khám chữa bệnh không có trong danh mục này như: Dopamin, Naloxon, Albumin, Glycerin trinitrat dạng tiêm, Vitamin K1, Acetyl leucin dạng viên, tiêm, Digoxin dạng tiêm, Drotaverin dạng tiêm, Vitamin E, Vitamin A,  Vitamin B1, Vitamin B6 v.v...Thậm chí, dịch truyền cũng không!

Những hoạt chất với hàm lượng, nhóm thuốc, dạng dùng thông thường gần như biến mất trong danh mục này như hoạt chất Ambroxol dạng bào chế thông dụng là dạng viên uống, hàm lượng 30mg nhưng trong danh mục này chỉ có dạng siro và dạng chích. 

Danh mục hầu như không ưu tiên hàng Việt Nam, thiếu rất nhiều thuốc thiết yếu, thuốc cấp cứu phục vụ cho công tác điều trị này nếu được thông qua, được đưa vào HSMT sẽ làm giảm tính cạnh tranh trong đấu thầu, đẩy giá thuốc lên cao, trái ngược tinh thần các Thông tư, Nghị định liên quan, gây thiệt hại hàng trăm tỷ  cho ngân sách nhà nước và người bệnh.

Muốn thắng thầu, phải đi đêm

Qua tìm hiểu, được biết, việc “chơi xấu” trong đấu thầu dược phẩm kiểu như ở Đắk Lắk không phải là trường hợp cá biệt.

Vụ án tham nhũng trong đấu thầu dược phẩm xảy ra tại Sở YT Gia Lai-tỉnh giáp ranh Đắk Lắk- tới phiên tòa sơ thẩm vòng thứ hai trong nửa đầu tháng 9/2015 này vẫn chưa xử xong. Theo hồ sơ vụ án, trong 3 năm (2008-2010), dưới sự chỉ đạo của giám đốc Sở YT Gia Lai, HĐĐT thuốc tỉnh này đã loại 9 mặt hàng thuốc dự thầu đạt đầy đủ các tiêu chí theo quy định để giành chỗ cho 9 mặt hàng khác đắt giá hơn trúng thầu; cho trúng 7 mặt hàng thuốc dự thầu sai xuất xứ, 61 mặt hàng không đảm bảo các yếu tố kỹ thuật, gây thiệt hại ngân sách 8,5 tỷ. Vì vụ này, mà 9 cán bộ lãnh đạo Sở YT và các phòng ban trực thuộc đã phải nhiều lần ra trước vành móng ngựa .

Trước đó, nghi vấn thông thầu đấu giá thuốc gây thiệt hại hơn 26 tỷ đồng ngân sách tại Sở YT Cà Mau cũng đã được Thanh tra tỉnh Cà Mau đề nghị xử lý theo pháp luật hơn 20 cán bộ y tế, chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để khởi tố vụ án. Mới đây, Tổng giám đốc Công ty dược VN Pharma lại bị bắt vì nghi vấn làm giả 7 bộ hồ sơ đấu thầu thuốc, để tham gia “chạy đua” dự thầu dược phẩm tại TP HCM .

Việc đấu thầu thuốc nhằm  đưa giá thuốc về mức hợp lý, tránh tình trạng thuốc đi vòng vo qua nhiều tầng lớp trung gian, khiến giá thuốc bị đội lên. Nhưng thực tế cho thấy việc tổ chức đấu thầu thuốc dù dưới hình thức nào tới nay cũng vẫn cứ xảy ra tiêu cực. 

Một chuyên gia Dược cho biết: Các bệnh viện đưa danh mục thuốc lên, được HĐĐT Sở YT tập hợp lại, duyệt danh mục đấu thầu tập trung. Chỉ cần HĐĐT thiên vị cho nhà thầu nào đó, sẽ dẫn đến các nhà thầu khác bị loại, mục tiêu đấu thầu bị phản tác dụng, người bệnh và bảo hiểm y tế lãnh đủ.

Tất cả các công ty Dược không ai nghi ngờ gì về việc muốn thắng thầu, đa số nhà thầu phải biết “đi đêm”, phải “giỏi chạy”, phải hối lộ bằng mọi cách. Nguyên nhân chính, là dù các quy định đã khá chặt chẽ, hợp lý, nhưng cơ chế giám sát, xử lý lại chưa nghiêm, khiến những kẻ làm sai ngày càng “nhờn thuốc”, ngày càng trắng trợn vi phạm các quy định của pháp luật với suy nghĩ: Hễ lộ, chỉ cần “chạy” là xong!

MỚI - NÓNG