Cơm ít, thuốc nhiều
Ông Phan Văn Phi (71 tuổi, quê ở Thạch Khê, Thạch Hà, Hà Tĩnh) gắn bó với Trung tâm điều dưỡng thương binh Lạng Giang hơn 40 năm nay. Năm 1975, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông bị thương khi đang chiến đấu, bị sức ép của bom dội vào người. Năm 1977, sau khi điều trị ở nhiều nơi, ông được đưa về trung tâm chăm sóc theo một chế độ đặc biệt. Hơn 40 năm nay ông phải sống chung với căn bệnh phổi, khắp người luôn đau ê ẩm. “Mình giờ như cái đài khí tượng thủy văn, cứ thay đổi thời tiết cái là biết ngay. Nhưng cũng may ở đây được các y, bác sĩ chăm sóc chu đáo, tận tình”, ông Phi chia sẻ.
Trong số những thương bệnh binh đang điều trị ở trung tâm, thương binh Nguyễn Văn Đức là người cao tuổi nhất và được coi là “trường hợp đặc biệt”. Năm nay ông Đức 86 tuổi, mái tóc lơ thơ còn vài sợi, răng chẳng còn chiếc nào. Ít ai ngờ rằng trước đây ông từng là một chàng trai đất Hà Thành lịch lãm.
Năm 1968, ông Đức tình nguyện lên đường nhập ngũ sau lệnh tổng động viên, tham gia các chiến trường ở Lào, Campuchia rồi về miền Nam. Trận chiến đấu cuối cùng của ông, cả đơn vị trúng bom nhiều người hy sinh, còn ông cơ thể trai tráng tưởng chừng như nát ra do các mảnh bom cắm vào. Ông Đức kể, khi cấp cứu, các bác sĩ thời ấy phải rất vất vả đi kiếm nhiều máu mới cứu được ông. “Bây giờ cứ trái gió, trở trời, những vết thương cũ trong người âm ỉ lâu ngày lại bùng lên. Tôi thường xuyên phải đưa lên tuyến trên cấp cứu, trong đó có 2 lần phải về Bệnh viện Việt - Đức phẫu thuật. Bị “nghiện” thuốc rồi, không có thuốc không sống được. Tôi thuộc trường hợp “cơm ít, thuốc nhiều”, phải đủ các loại thuốc mới sống vui, sống khỏe được”, ông Đức tếu táo.
Hy sinh thầm lặng
Nếu các thương bệnh binh nơi đây phải chống chọi với những nỗi đau trên cơ thể hàng ngày thì các y bác sĩ, điều dưỡng viên phải vật lộn với những khó khăn về cơ sở vật chất, bỏ qua cái tôi cá nhân để trọn vẹn một tình yêu thương. Bà Nguyễn Thị Hường năm nay đã 54 tuổi nhưng gắn bó công việc chăm sóc thương bệnh binh từ khi còn là một đứa trẻ. Bố bà Hường từng làm giám đốc trung tâm, mẹ làm y tá, nên bà gắn bó với trung tâm tự lúc nào không hay.
Sau khi hết nghĩa vụ quân sự, bà Hường xung phong xin quay trở lại làm y tá phục vụ các thương bệnh binh. 32 năm gắn bó với nghề, bà luôn tạo cho mình một sự điềm tĩnh trước những thay đổi thất thường của các thương bệnh binh. “Mỗi lúc thay đổi thời tiết, các bác ấy lại đau. Khi đã đau thì không tránh khỏi trái tính, trái nết, gắt gỏng bất cứ ai, kể cả những người đang phục vụ. Mình phải nhẫn nhịn hết, chú tâm hoàn toàn vào công việc và luôn phải thân thiện, chia sẻ. Các bác ấy cũng hiểu, khi hết đau rồi lại cười xòa”, bà Hường kể.
Những khi các thương bệnh binh bị khó thở, hạ đường huyết là lúc cả kíp trực phải vận hành một cách nhịp nhàng, linh hoạt, nhanh nhẹn để đưa ra những quyết định nhanh nhất, chính xác nhất. Bởi chỉ sơ sểnh một chút là không cứu được người. “Với tôi niềm vui lúc này là được nhìn thấy các bác, các chú ấy luôn mạnh khỏe, vui vẻ”, bà Hường nói.
Anh Phạm Quang Việt về trung tâm được gần 2 năm làm công tác hộ lý. Mỗi tháng anh phải đưa các bác thương bệnh binh lên bệnh viện tuyến trên rồi ở lại trực tiếp chăm sóc vài lần. Anh được các thương bệnh binh coi như con cháu trong nhà. “Mặc dù công việc rất nhiều, áp lực lớn nhưng tôi rất tự hào về những việc mình đang làm. Chi Đoàn thanh niên của trung tâm đang tập luyện những tiết mục văn nghệ để chào mừng các bác thương bệnh binh nhân dịp 27/7. Chúng tôi coi đây như những món quà tinh thần mà tuổi trẻ trung tâm kính tặng các bác đang được chăm sóc, điều trị ở đây”, anh Việt chia sẻ.
“Ngôi nhà chung” ấm tình đồng đội
Ba năm nay bà Nguyễn Thị Ngừng, vợ của thương binh Nguyễn Văn Đức quyết định tạm rời bỏ Thủ đô Hà Nội để lên ở cùng ông. Căn phòng nhỏ của ông vì thế cũng trở nên ấm cúng hơn. Hai mái đầu bạc trắng chăm sóc nhau khiến cả trung tâm phải thán phục “tình ông, nghĩa bà”.
Cũng ở đây có nhiều cặp gia đình là các y bác sĩ, cán bộ nhân viên của trung tâm kết hôn với các thương bệnh binh. Và chính họ còn dệt nên những câu chuyện tình đẹp đẽ giữa thời bình. Như gia đình thương binh Nguyễn Văn Thắng đến nay đã có đến 3 thế hệ sống chung với nhau hòa thuận, đầm ấm dưới ngôi nhà chung. “Mỗi khi các cán bộ, công nhân viên hay thương bệnh binh nơi đây có việc hiếu hỉ gì của gia đình cũng đều thông báo cho nhau. Chúng tôi tổ chức thăm nom chu đáo, gắn bó, chia sẻ với nhau như người một nhà”, ông Phan Văn Phi nói.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tuất, Giám đốc Trung tâm điều dưỡng thương binh Lạng Giang cho biết, mặc dù còn nhiều khó khăn, kinh phí hạn hẹp nhưng trung tâm luôn dành những điều kiện tốt nhất cho các thương bệnh binh. Đơn vị thường xuyên quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần cho thương bệnh binh bằng việc chú trọng đến nơi ăn, chỗ ở, sinh hoạt tiện lợi, hợp vệ sinh, bảo đảm sức khỏe. Chính vì thế, các thương bệnh binh coi đây như một gia đình thứ hai.
Cũng theo ông Tuất, nhiều con em của các thương bệnh binh đã được giới thiệu việc làm phù hợp với khả năng và nhu cầu, giúp cho các thương bệnh binh yên tâm điều trị. Thời gian tới, dự kiến trung tâm sẽ được đầu tư 60 tỷ đồng để xây dựng lại với quy mô lớn hơn, đáp ứng nhu cầu chăm sóc, điều trị ngày càng tốt hơn cho những thương bệnh binh, người có công, góp phần thực hiện tốt chính sách hậu phương – quân đội trong giai đoạn mới.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tuất, Giám đốc Trung tâm điều dưỡng thương binh Lạng Giang cho biết: “Thời điểm cao nhất, trung tâm chăm sóc cho hơn 300 thương bệnh binh. Nhưng con số ấy cứ ngày càng ít dần và hiện nay chỉ còn lại 51 người. Người nhiều tuổi nhất năm nay là 86, người ít 50. Năm ngoái lại mất thêm 4 người nữa…”.