70 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ: Bừng lên ánh lửa trái tim

105 thương binh, bệnh binh, bác sĩ, điều dưỡng viên đại diện cho 9 Trung tâm điều dưỡng Thương binh phía Bắc vào Lăng viếng Bác sáng ngày 13/7 Ảnh: Như Ý.
105 thương binh, bệnh binh, bác sĩ, điều dưỡng viên đại diện cho 9 Trung tâm điều dưỡng Thương binh phía Bắc vào Lăng viếng Bác sáng ngày 13/7 Ảnh: Như Ý.
TP - “Cháy” kịch bản có lẽ là điều bất ngờ và đầy cảm xúc đối với những người có mặt trong chương trình “Ánh lửa từ trái tim” tối 13/7, dung lượng kéo dài thêm một tiếng đồng hồ. Hai nghìn sinh viên cùng cười, cùng hát và cùng lặng đi trước những lời chia sẻ chân thật của những cựu binh bỏ lại một phần xương máu nơi chiến trường.

Đậm tình lính

Khoảng sân rộng tại Trung tâm giáo dục Quốc phòng An ninh, Đại học Quốc gia Hà Nội từ chập tối ngập sắc áo bộ đội của gần 2.000 sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội. Không khí buổi tối trong kỳ học quốc phòng này trở nên đặc biệt hơn, bởi sự có mặt của 100 thương binh, cán bộ nhân viên 9 trung tâm điều dưỡng phía Bắc. Ánh lửa từ trái tim là chương trình giao lưu, văn nghệ khép lại chuyến thăm Thủ đô, viếng Đài Liệt sĩ Bắc Sơn, báo công với Bác Hồ và viếng Lăng Bác. Chuyến đi ý nghĩa nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ do báo Tiền Phong phối hợp Hãng hàng không Vietjet, Ngân hàng Phát triển TPHCM (HDBank) và Trung tâm điều dưỡng thương binh Duy Tiên, Hà Nam tổ chức.

Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập báo Tiền Phong trong phát biểu ngắn gọn gửi lời cảm ơn tới các đơn vị đồng hành, cảm ơn các bạn sinh viên có mặt trong cuộc giao lưu ý nghĩa.

Thương binh 1/4 Nguyễn Xuân Mai (Duy Tiên, Hà Nam) và Trần Thị Hồng (Trung tâm điều dưỡng Thuận Thành) không thể sinh hoạt như người thường do một phần thân thể để lại nơi chiến trường. Không nói nhiều về những hi sinh, mất mát, ông Mai kể lại quãng thời gian rời chiến trường để “chiến thắng bệnh tật, lập gia đình bằng chí khí và tinh thần lạc quan nhất”. “Khi gia đình người yêu chê, tôi có nói: Hạnh phúc được hay không, nuôi nấng con trưởng thành được hay không phụ thuộc vào cái đầu. Cái đầu của tôi vẫn minh mẫn, tôi làm được”, thương binh Nguyễn Xuân Mai nói.

Nữ thương binh Trần Thị Hồng thừa nhận khó khăn gấp vạn lần khi người phụ nữ mất đi đôi bàn tay. Hai bên gia đình ngăn cản, bản thân bà cũng không muốn lấy chồng nhưng được đồng đội thuyết phục nên chấp nhận, dù chăm con với người mẹ này vất vả hơn bội phần. “Đúng là hoàn cảnh rất khó khăn nhưng tôi nghĩ rằng đã lập gia đình, sinh con thì mình phải chăm sóc. Đến nay tôi toại nguyện, hai gia đình phấn khởi”, bà Hồng nói.

70 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ: Bừng lên ánh lửa trái tim ảnh 1 Tổng biên tập báo Tiền Phong giới thiệu về gia cảnh thương binh Đinh Công Truật và Trần Thị Tấm tại buổi giao lưu “Ánh lửa từ trái tim” tối ngày 13/7. Ảnh: Như Ý.

Mối tình của thương binh Đinh Công Truật và y tá Trần Thị Tấm gây xúc động cho độc giả trong bút ký “Cuộc đời cô Tấm” của nhà thơ Lê Tuấn Lộc. Trên sân khấu của cuộc giao lưu, có những phút người nghe lặng đi vì giọng nói nghèn nghẹn của bà Tấm kể về “những trận đòn bất thình lình” khi chồng tái phát bệnh do trong đầu vẫn mang vài mảnh đạn. Mối tình thú vị và cảm động này được nhà báo Lê Xuân Sơn thuật lại ngắn gọn, để giới trẻ hiểu hơn về một người phụ nữ chấp nhận kết hôn với một người thương binh nặng bị thần kinh: Lúc trở bệnh gây thương tích cho vợ con trong vô thức, nhưng lúc tỉnh ra lại khóc như con trẻ và tha thiết thương yêu.

Hy sinh, mất mát không của riêng những thương binh ấy, đó còn là những người nơi hậu phương thầm lặng bên cạnh họ suốt cuộc đời. Bà Lê Thị Ninh (cán bộ Trung tâm Điều dưỡng người có công Thanh Hóa) tâm niệm: “Tôi làm công việc này vì lương tâm và trách nhiệm đối với các đồng chí thương binh”. Chồng bà là cựu binh Bùi Công Tuyển dành những lời chân tình nhất cho vợ: “Tôi rất cảm ơn nhà tôi đã sống với tôi bao nhiêu năm qua, chăm sóc chồng lúc vết thương tái phát và vất vả chăm con”.

Không “vào guồng” như kịch bản định sẵn, những người lính năm xưa đầy ngẫu hứng khi đứng trên sân khấu trò chuyện với giới trẻ. Bà Hồng rưng rưng hát Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh tiếp lời ông Nguyễn Xuân Mai hát trích đoạn chèo Lời ru tìm đồng đội-phần sau chương trình thật trùng hợp, cán bộ của Trung tâm Giáo dục Quốc phòng An ninh ĐH Quốc gia trình diễn tiểu phẩm kịch thơ Đi tìm đồng đội khá công phu về bối cảnh lẫn phục trang. Cựu binh Phạm Toàn chung niềm xúc động hướng về đồng đội với bài thơ Mối tình đồng đội. Đồng đội vịn nhau trong những bước đi vào viếng Lăng Bác, tối nay nắm tay nhau hát vang Cuộc đời vẫn đẹp sao.

Lời ca rực cháy

Sân khấu “Ánh lửa trái tim” không cầu kỳ hay dày đặc dàn ánh sáng nhưng là nơi vang lên những giai điệu khuấy động đêm tri ân ý nghĩa. Học viên Trung tâm Giáo dục Quốc phòng-An ninh ĐH Quốc gia Hà Nội mở màn với tiết mục hát múa Rạng rỡ Việt Nam. Hàng trăm ánh đèn flash điện thoại bật sáng đưa theo giai điệu “Con đường ta đã đi, rực rỡ ngàn hoa/Viết nên trang sử vàng chói, để ngàn đời tiếng ca mãi rạng rỡ Việt Nam”. Không phải ngẫu nhiên đêm giao lưu mang tên “Ánh lửa từ trái tim”. Trưởng BTC, nhà báo Lê Xuân Sơn không đứng hậu trường mà trực tiếp ra sân khấu cùng MC Hồng Nhung dẫn dắt chương trình. Dẫn lại bút ký nổi tiếng của nhà văn Nguyên Ngọc “Đường chúng ta đi”, nhà báo Lê Xuân Sơn lí giải “ánh lửa của lý tưởng cách mạng, ánh lửa dẫn đường của thế hệ đi trước, ánh lửa hơi ấm của lòng biết ơn và tình cảm yêu thương của thế hệ trẻ hiện nay với thế hệ cha anh”. Câu hát “Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình” ngân nga trong ca khúc Bước chân trên dãy Trường Sơn của nhạc sĩ Vũ Trọng Hối do tốp ca nam nữ thể hiện.

Tươi cười dẫn ca sỹ, NSƯT Tấn Minh ra sân khấu, MC Lê Xuân Sơn khéo léo giới thiệu chức danh mà khán giả có lẽ không phải ai cũng để ý-Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long. Vừa thấy ca sỹ Bức thư tình đầu tiên sinh viên liền reo hò, đón anh bằng những tràng pháo tay hứng khởi. Tấn Minh cất lời “Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu, nghe dịu nỗi đau của mẹ”. Câu hát trong ca khúc Đất nước của nhạc sỹ Phạm Minh Tuấn khơi dậy những giai điệu kinh điển. Dứt câu hát Tấn Minh “xin phép cởi áo” vì nóng, sinh viên ở dưới vỗ tay và đùa “cho phép đấy”.

Tấn Minh được đà dấn tới hát luôn Nơi đảo xa ca khúc trong phần hai của chương trình-khán giả chỉ biết điều này khi nhà báo Lê Xuân Sơn ra sân khấu tiết lộ. Vừa nghe giới thiệu tên ca khúc khơi dậy niềm tự hào chủ quyền vùng biển đảo “Nơi đảo xa” của nhạc sỹ Thế Song, sinh viên đã reo hò. Cầm micro đi xuống phía dưới, Tấn Minh ngay lập tức được khán giả đặc biệt là thương binh, cán bộ nhân viên ở các trung tâm điều dưỡng tặng hoa và hát giao lưu. Anh chịu khó đưa micro về phía sinh viên, anh cũng ghé tai một bác thương binh để nhắc lời hát “đây con tàu ra khơi”. Thoáng thấy MC ra sân khấu, Tấn Minh xin phép luôn để hát vo vài câu hát tặng khán giả đặc biệt, một bản tình ca về người lính “Chiếc vòng cầu hôn”.

Trong chương trình giao lưu ca nhạc “Ánh lửa từ trái tim”, Hãng hàng không VietJet và Ngân hàng phát triển TPHCM HD Bank đã trao tặng mỗi đại biểu thương binh 500 nghìn đồng, đại biểu là cán bộ, bác sỹ, điều dưỡng viên 300 nghìn đồng của 9 trung tâm điều dưỡng thương bệnh binh khu vực phía Bắc. Tập đoàn Nam Dược, Cty CP Trường Thọ và Trung tâm Giáo dục Quốc phòng An ninh ĐHQG Hà Nội gửi tặng những phần quà ý nghĩa tới đại diện 9 trung tâm.

Dịp này, Báo Tiền Phong trao tặng 30 triệu đồng và Đoàn Thanh niên Trung tâm Giáo dục Quốc phòng An ninh ĐHQG Hà Nội trao 20 triệu đồng tới gia đình thương binh Đinh Công Truật – Trần Thị Tấm (Nho Quan, Ninh Bình).         

X.Tùng

Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh, Á hậu Ngô Thanh Thanh Tú khoe rất tự hào vì được tận tay tặng hoa cho các bác thương binh, nhất là cơ hội nghe những câu chuyện và kỷ niệm của những người lính. “Tôi từng nghe bà nội và các bác về các cuộc chiến tranh. Tôi thầm khâm phục và biết ơn những người hi sinh vì tổ quốc, hòa bình”, Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh nói.

Á hậu Thanh Tú ấn tượng với dàn đồng ca Cuộc đời vẫn đẹp sao, đặc biệt là chia sẻ của bác Hồng-nữ thương binh mất đi hai cánh tay và may mắn có được người bạn đời thấu hiểu và sẻ chia. “Bác đã truyền cho tôi tinh thần của người phụ nữ Việt Nam”, Thanh Tú nói.

Ca sỹ Mai Trang, Hồng Chinh vốn không xa lạ với sinh viên trong nhiều cuộc gặp gỡ như Chủ nhật đỏ. Mai Trang hát Bác Hồ- một tình yêu bao la của nhạc sỹ Thuận Yến trong phần đầu, phần cuối cô trở lại với ca khúc đầy cảm xúc Tự nguyện-bản phối mang âm hưởng jazz gần gũi với giới trẻ hơn. Hồng Chinh thể hiện Màu hoa đỏ cũng của nhạc sỹ, đại tá Thuận Yến. Cùng với Huy Quyết, Hồng Chinh không xa lạ gì với các chương trình đền ơn đáp nghĩa thường niên của báo Tiền Phong. Đôi ca sỹ trẻ cùng về nhiều trung tâm điều dưỡng góp tiếng hát nhiều lần, nên khi Quyế hát Đất nước trọn niềm vui của nhạc sỹ Hoàng Hà, một số bác thương binh nhận ra anh và hăm hở tặng hoa. Sinh viên đứng thành hai hàng dọc lối các cựu binh ra xe trở về, trước đó các thế hệ hòa nhịp trong ca từ Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng.

Tấn Minh bước vào cánh gà với chiếc áo sơ mi ướt đẫm. Ngồi ghế quản lý rồi ắt ngại sắp xếp đi hát hơn, anh cười: “Ngại và khó thì không bởi tôi nghĩ chương trình ý nghĩa như Ánh lửa từ trái tim mình nên tham gia. Với trách nhiệm của nghệ sỹ bằng mọi giá, tôi đều sắp xếp để có thể đóng góp một chút tình cảm và sự tri ân”. Ba ca khúc Đất nước, Người mẹ của tôi, Nơi đảo xa đều thuộc hàng ca khúc kinh điển và “lần nào hát tôi cũng thấy tự hào và tràn đầy tình cảm với những ca khúc có bề dày lịch sử và được công chúng ghi nhận”. 

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.