Chương trình tôn vinh và tri ân các thương, bệnh binh và cán bộ, nhân viên phục vụ tiêu biểu từ 9 trung tâm điều dưỡng thương binh Duy Tiên, Kim Bảng, Liêm Cần (Hà Nam), Thuận Thành (Bắc Ninh), Lạng Giang (Bắc Giang), Nho Quan (Ninh Bình), Thái Bình, Thanh Hoá, Nghệ An.
Chương trình được phối hợp tổ chức cùng hãng hàng không VietJet, Ngân hàng phát triển TPHCM HD Bank , cùng các đơn vị tài trợ: Tồng công ty Xi Măng Việt Nam, Tập Đoàn Nam Dược, Công ty Cổ Phần Trường Thọ, Tổng công ty Vận Tải Hà Nội, Trung tâm Đào tạo Quốc phòng – An ninh, Đại học Quốc gia, Tập đoàn Hoàng Huy group, công ty Biểu diễn Khởi Nguyên.
Buổi gặp gỡ, giao lưu giữa hơn 100 đại biểu của các trung tâm điều dưỡng thương binh với 2.000 sinh viên đang dự khoá huấn luyện quân sự tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng An ninh ĐH Quốc gia Hà Nội bắt đầu lúc 19h30 tối nay 13/7.
Buổi giao lưu còn có sự tham gia của các ca sĩ Tấn Minh, Mai Trang, Huy Quyết, Hồng Chinh, nhóm sinh viên Nhạc viện Việt Nam, Hoa hậu Việt Nam 2016 Đỗ Mỹ Linh, Á hậu 1 Hoa hậu Việt Nam 2016 Ngô Thanh Thanh Tú…
Về ý tưởng của chương trình “Ánh lửa từ trái tim”, Tổng biên tập báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn chia sẻ: "Ánh lửa của lý tưởng cách mạng, ánh lửa dẫn đường của thế hệ đi trước, ánh lửa hơi ấm của lòng biết ơn và tình cảm yêu thương của thế hệ trẻ hiện nay với thế hệ cha anh".
Từ Trung tâm giáo dục Quốc phòng An ninh, ĐH Quốc gia Hà Nội, các phóng viên báo Tiền Phong thông tin, cuộc gặp gỡ, giao lưu đầy ý nghĩa sẽ diễn ra sau đây ít phút giữa hơn 100 đại biểu của các trung tâm điều dưỡng thương binh với 2.000 sinh viên đang dự khoá huấn luyện quân sự tại Trung tâm.
Đúng 19h45, chương trình giao lưu ca nhạc "Ánh lửa từ trái tim" bắt đầu.
"Chương trình hôm nay thể hiện lòng tri ân tới các cô chú, các bác thương binh. Đồng thời chúng tôi muốn truyền lửa thế hệ tới các bạn sinh viên ở đây ngày hôm nay", Tổng biên tập báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn phát biểu khai mạc chương trình.
Phát biểu tại chương trình, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Trung ương Đoàn, xúc động: "Xin hứa với các cô chú, thế hệ trẻ chúng cháu sẽ nỗ lực không ngừng trong học tập, công tác và sẵn sàng chiến đấu để xây dựng đất nước văn minh, giàu đẹp xứng đáng với những hy sinh, mất mát của thế hệ đi trước, vì độc lập, tự do của dân tộc".
Đồng hành cùng chương trình, đại diện HD Bank, Vietjet, Tập đoàn Nam Dược, Công ty TNHH Trường Thọ và Giám đốc trung tâm Quốc phòng An ninh đã trao nhiều phần quà ý nghĩa cho Đại diện 9 trung tâm điều dưỡng phía Bắc.
Tổng biên tập báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn giới thiệu ca sĩ Tấn Minh, người trình bày 2 ca khúc: "Người mẹ của tôi" và "Nơi đảo xa".
Một cựu chiến binh dù rất mỏi tay nhưng vẫn cố gắng phát trực tiếp chương trình lên Facebook.
Ca sĩ Mai Trang thể hiện ca khúc "Bác Hồ một tình yêu bao la"
Ca sĩ Hồng Chinh với giọng ca da diết qua ca khúc "Màu hoa đỏ" của nhạc sĩ Thuận Yến.
Thương binh Nguyễn Xuân Mai: Với tư cách cá nhân, tôi rất hồi hộp, xúc động và gửi lời chào ban tổ chức cùng các bạn trẻ đã đưa chúng tôi trở về tuổi thanh xuân cách đây hơn 40 năm. Cách đây hơn 40 năm, tôi cũng như các bạn. Tôi là thanh niên của thời đất nước còn chiến tranh, rất khó khăn. Nhưng nghe theo tiếng gọi của Đảng, lên đường đi bộ đội. Bọn tôi đi bộ đội trong thời giải phóng Điện Biên, hòa bình phơi phới nhưng đế quốc Mỹ xâm lược, chúng tôi lại lên đường. Cuối cùng, tôi được tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tôi nhập ngũ tháng 3/1959. Đến tháng 10/1963 thì tham gia cuộc tiêu phỉ của Lào và bị thương. Trong suốt thời gian bị thương, ước mơ hoài bão cũng rối loạn trong tôi. Xong, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi vẫn vững vàng trên mặt trận mới, lập gia đình. Vấn đề gia đình rất khó khăn. Chúng tôi thương binh nặng, rất cảm ơn các chị em phụ nữ đã gắn bó với chúng tôi cả cuộc đời, sinh con và nuôi dưỡng con trưởng thành.”
Thương binh Trần Thị Hồng: “Tôi cũng vượt qua rất nhiều khó khăn và gian khổ. Cuộc chiến tranh cướp đi bàn tay của 2 người phụ nữ, khó khăn gấp vạn lần người đàn ông. Cũng quyết tâm không lấy chồng, không xây dựng gia đình. Nhưng được anh em đồng đội, bạn bè, người yêu thuyết phục, động viên rất quyết liệt nên cuối cùng tôi cũng chấp nhận xây dựng gia đình. Mang vết thương đến nay hơn 40 năm. Năm 1978 tôi mới sinh con đầu lòng. Hiện nay tôi có 2 cháu, cháu út 30 tuổi, cháu đầu 40 tuổi. Bản thân tôi, hoàn cảnh khó khăn nhưng tôi nghĩ rằng đã sinh con ra thì phải chăm sóc và nuôi nấng con. Chăm con rất khó khăn, nhưng tôi vẫn cố gắng vượt qua để nuôi con khỏe, dạy con ngoan. Đến nay, tôi đã toại nguyện”.
Thương binh Trần Thị Hồng thể hiện ca khúc “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm”.
Học viên của Trung tâm giáo dục Quốc phòng An ninh chia sẻ: "Khi được học tập và rèn luyện như một người lính cháu cảm thấy được gần với người lính hơn. Đặc biệt hôm nay cháu được gặp trực tiếp những người lính trở về từ chiến trường. Cháu cảm ơn các bác rất nhiều vì đã cho chúng cháu được sống trong nền độc lập, hoà bình ngày hôm nay".
Tổng biên tập báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn giới thiệu bác Toàn, một thương binh, đọc bài thơ do bác tự sáng tác về tình đồng chí. Bài thơ kết thúc bằng câu: “Nhớ thương nhau lòng lại dặn lòng/Trung với Đảng, hiếu với dân và thủy chung cùng đồng đội”. Kết thúc bài thơ là những tràng pháo tay không ngớt của đồng đội và những người có mặt tại buổi giao lưu tối nay.
Tiểu phẩm "Đi tìm đồng đội" do tập thể Giảng viên, học viên Trung tâm lấy nhiều nước mắt của người xem.
Vợ thương binh Đinh Công Truật, bác Trần Thị Tấm tâm sự: “Tôi là bộ đội phục vụ. Anh ấy chuyển về an dưỡng ở đoàn an dưỡng. Tôi làm y tá nên quen và trực tiếp chăm sóc anh Truật. Từ chỗ phục vụ, tôi thấy bản thân mình lúc đấy nhiều tuổi, anh ấy thương tật nặng. Anh ấy mang lòng thương đến tôi, tôi đáp lại tình thương và xây dựng gia đình với anh. Tôi được 2 cháu trai. Sau khi sinh, gia đình giúp đỡ 10 ngày thì tôi làm hết mọi việc. Lúc đó anh Truật yếu, đi lại khó khăn nên không giúp đỡ được mấy. Lúc trái gió trở giời, anh Truật lại lên cơn động kinh vì trên đầu còn 3 mảnh đạn, cột sống còn 2 mảnh đạn. Những lúc trái gió chồng tôi lại lên cơn, trong đầu còn 3 mảnh bom nữa. Nói ra sợ mọi người cười nhưng nhiều trận đòn mà chồng tôi không kiểm soát được. Nhiều khi mẹ con phải đi xin cơm hàng xóm, chạy trốn khỏi nhà để tránh bị đánh đòn”.
“Cuộc sống của chúng tôi giờ dựa vào tiền lương và phụ cấp. Cũng khá khó khăn. 5 năm nay tôi không làm được gì. Khỏe thì về nhà, lúc ốm anh Truật lại ở trại. Anh Truật đi đâu tôi theo đó, không lam lũ như trước nữa. Giờ tôi quyết tâm theo chồng. Bình thường, anh Truật rất thương vợ thương con. Chăm nuôi được con gà thì anh phần miếng ngon cho vợ con. Cuối đời không sống được bao lâu nên tôi quyết tâm theo chồng đưa anh ấy đi chữa bệnh. Đi bệnh viện tôi theo lên bệnh viện, đi vào trại chữa bệnh tôi cũng theo vào trại”, bác Tấm nghẹn ngào.
Cô Lê Thị Ninh, cán bộ trung tâm điều dưỡng người có công Thanh Hóa: “Tôi làm công việc này vì lương tâm và trách nhiệm đối với các đồng chí thương binh. Họ như chồng con mình. Nên tôi cũng thương họ hết mình và nỗ lực phấn đấu. Chồng tôi cũng ở trại, là thương binh đặc biệt. Anh là Bùi Công Tuyển, cũng có mặt tại đây. Được các cơ quan động viên giúp đỡ, tôi cũng cố gắng vượt qua khó khăn, chăm sóc chồng rồi 2 đứa con lần lượt ra đời. Nay các con tôi đã trưởng thành”.
Thương binh Bùi Công Tuyển chia sẻ: “Tôi rất cảm ơn nhà tôi đã sống với tôi bao nhiêu năm qua. Nhiều lúc vết thương của tôi tái phát, rồi vợ phải chăm con cái vất vả. Tôi rất biết ơn và cảm ơn…”
MC đặt câu hỏi cho ông Nguyễn Sĩ Lượng, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Duy Tiên, Hà Nam (áo trắng), về gửi gắm của ông tới các thế hệ trẻ. Ông Lượng nói: “Chúng tôi mong muốn trong cuộc sống, tất cả đang hối hả đạt mục đích tốt đẹp và vươn tới đỉnh cao thì cũng nên có những ngày, những giờ sống chậm lại để suy ngẫm về quá khứ, về những mất mát, về lịch sử. Chúng tôi mong muốn được đón các bạn trẻ, dành ít phút để về với những thương bệnh binh, những người mẹ Việt Nam anh hùng. Chắc chắc các bạn sẽ rất tự hào và có động lực để tiếp tục cố gắng vươn lên trong cuộc sống. Thêm nữa, chắc hẳn các bạn sẽ thấm nhuần hơn câu ‘Uống nước nhớ nguồn’- truyền thống tốt đẹp của cả dân tộc ta”.
Đúng 22h30, các đại biểu là những thương, bệnh binh, ban tổ chức và những người tham dự đã cùng cất vang bài hát "Như có Bác trong ngày vui đại thắng" để khép lại chương trình giao lưu ca nhạc "Ánh lửa từ trái tim", một trong những hoạt động do báo Tiền Phong phối hợp với Hãng hàng không VietJet, Ngân hàng phát triển TPHCM HD Bank và Trung tâm điều dưỡng thương binh Duy Tiên (Hà Nam) tổ chức nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017).
Vào sáng nay, 70 thương, bệnh binh, 35 bác sĩ, điều dưỡng viên và các đồng chí lãnh đạo tại 9 Trung tâm điều dưỡng Thương binh phía Bắc, đại diện hãng hàng không Vietjet air, ngân hàng HD Bank và đại diện Ban biên tập, cán bộ phóng viên báo Tiền Phong đã làm lễ báo công và viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, viếng Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đường Bắc Sơn, gặp mặt lãnh đạo Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng, xem phim tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm khu di tích Bác Hồ…