Những cựu binh vượt qua thương tật

Đến Trung tâm Điều dưỡng thương bệnh binh Duy Tiên dễ gặp hình ảnh các thương binh sát cánh bên nhau, cùng rèn luyện sức khỏe. Ảnh: Xuân Tùng.
Đến Trung tâm Điều dưỡng thương bệnh binh Duy Tiên dễ gặp hình ảnh các thương binh sát cánh bên nhau, cùng rèn luyện sức khỏe. Ảnh: Xuân Tùng.
TP - Đến Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên (Hà Nam), lắng nghe những lời ca, điệu hò của các thương bệnh binh, chúng tôi không khỏi xúc động trước nghị lực, sự lạc quan vượt qua đau thương, mất mát của người lính Cụ Hồ.

Sống vì người ngã xuống

Giữa không gian xanh và yên bình của trung tâm, dãy phòng ở của các thương bệnh binh khang trang, sạch sẽ và đầy ắp tiếng cười, trò chuyện của những người từng một thời trận mạc. Dù tóc đã bạc, khuôn mặt nhiều nếp nhăn, nhưng chất lính lạc quan, kiên cường vẫn thể hiện rõ nét ở thương binh ¼ Nguyễn Xuân Mai, nay tuổi đã 82.

Ông Mai cho biết, nhập ngũ năm 1958, tại Trung đoàn 148 Sơn La. Chiến đấu rồi bị thương khi làm nhiệm vụ tiễu phỉ biên giới cuối năm 1962. Vết thương ở chân hoại tử nên phải cắt bỏ đến nửa đùi. “Lần đó, chúng tôi có nhiều người bị thương, hy sinh trên đường đưa về tuyến sau điều trị, còn tôi may mắn hơn”, ông Mai nói. Nhìn một bên ống quần vắt vấn gọn gần hết đùi, ông Mai bảo: “Dù chỉ còn một chân, nhưng ngày trẻ tôi vẫn cố gắng làm được nhiều việc, từ đánh gianh lợp mái nhà đến việc đồng áng cuốc đất, tát nước, trừ mỗi cày bừa, gánh nước”. Ông cho biết thêm: “Ngày trước khi hỏi lấy vợ tôi, nhiều người ngăn cản bảo què thì làm ăn được gì. Nhưng tôi nói, sống và ở được với nhau quan trọng là ở cái đầu biết suy nghĩ”.

Ông Mai là một trong những người đầu tiên được đưa về trung tâm để chăm sóc, cho đến nay đã hơn 40 năm; đồng thời góp công góp sức cùng xây dựng, tham gia nhiều hoạt động của mái nhà chung. Ông từng được phân công phụ trách tủ sách của trung tâm, rồi tham gia hoạt động sản xuất may mặc, công tác xuất khẩu biên... Những ngày thời tiết thay đổi, vết thương ở chân lại đau nhức từng hồi, giờ có thêm bệnh huyết áp cao, khớp vai lão hoá khiến hai tay khó vận động, nhưng người cựu binh vẫn rắn rỏi, hóm hỉnh chuyện trò với đồng đội, điều dưỡng viên.

Ông Mai quan niệm: “Luôn cố gắng sống mẫu mực, chan hoà và giữ thái độ sống tích cực để xứng đáng với những đồng đội đã hy sinh, cũng như giữ sự hy sinh cống hiến của bản thân được đẹp đẽ, làm gương cho con cháu”.

Ấm tình đồng đội

Một trong những “đôi mắt” cho nhiều đồng đội, thương binh ¼ Nguyễn Liên (85 tuổi) đều đặn rèn luyện sức khỏe và dẫn đồng đội đi trong khuôn viên, ao sen của trung tâm. “Ngày nào tôi cũng luyện tập, cả sáng và chiều. Tuỳ theo sức khỏe mà sáng đi từ 12-15 vòng, chiều thì 10 vòng. Tôi cũng vận động được 4-5 anh em đi cùng, rèn luyện cơ thể”, ông Liên nói.

Nói về tình đồng đội của những người lính cụ Hồ, ở trung tâm nhiều người vẫn ấn tượng với nghĩa cử của ông Đỗ Cương Lĩnh (60 tuổi, quê Thường Tín, Hà Nội) thương binh ¼, tỉ lệ thương tật 91%. Ông Lĩnh nhập ngũ năm 1974, làm nhiệm vụ bảo vệ T.Ư Bộ Quốc phòng. Đến năm 1979, ông cùng đồng đội tình nguyện lên đường làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia chống lại chế độ diệt chủng của Pol Pot. Trên đường hành quân, ông bị mảnh đạn cắm vào đốt sống lưng, gần đứt tuỷ sống và được đưa về tuyến sau điều trị, an dưỡng. Từ năm 1985 đến nay, ông Lĩnh được đưa về điều dưỡng tại trung tâm Duy Tiên.

Kể về những năm tháng lửa đạn đau thương, ông Lĩnh mắt đỏ hoe và hơn một lần tự nhận “bị thương nặng, không đi lại nhưng còn may mắn hơn nhiều đồng đội đã ngã xuống”. Ông Lĩnh cũng mong mỏi được một lần thăm lại chiến trường xưa, được thắp nén nhang lên phần mộ của đồng đội đã hy sinh, nhưng chẳng thể thực hiện vì lý do sức khỏe, thương tật. Tháng 4/2017, khi trung tâm tổ chức hành trình về nguồn, thăm chiến trường xưa ở TPHCM là sân bay Tân Sơn Nhất, địa đạo Củ Chi…, ông đã ủng hộ 20 triệu đồng cho đồng đội tham gia hành trình. “Số tiền đó tôi tiết kiệm từ khoản lương thương binh hàng tháng. Tôi còn may mắn hơn nhiều người khi có gia đình, con cái. Số tiền ủng hộ là thêm vào chi phí đi đường, sinh hoạt cho đồng đội. Tôi cũng nhờ đích thân anh Lương (giám đốc trung tâm-PV) khi đến các điểm nghĩa trang thắp hộ nén nhang cho đồng đội thay mình”, ông Lĩnh nói.

Xem thương bệnh binh như người nhà

Gắn bó với những thương bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên và được họ xem như người thân trong gia đình là những cán bộ, y bác sỹ và điều dưỡng viên. Bạn Nguyễn Thị Luyến (SN 1994) làm công tác điều dưỡng đã gần 2 năm. Công việc hàng ngày của cô là tiêm truyền, dọn dẹp phòng, thay ga đệm, cho các bác thương binh ăn. Luyến kể, những ngày đầu vào trung tâm cô gặp rất nhiều khó khăn khi công việc thực tế khác hoàn toàn những gì được học ở trường. Nhưng càng gắn bó với các thương bệnh binh, gắn bó với công việc, cô càng hiểu hơn sự hy sinh, mất mát và những nỗi đau mà các thương, bệnh binh phải chịu đựng. Nhiều người vẫn còn những mảnh đạn trong người, chịu cảnh đau đớn do những vết thương cũ tái phát và phải điều trị thuốc hàng ngày nên có phần khó tính. Luyến cho biết thêm, ở gần những thương bệnh binh cô học được rất nhiều điều ý nghĩa từ tinh thần sống lạc quan, đến nghĩa cử vì đồng đội, gia đình.

Ông Nguyễn Sỹ Lương, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương bệnh binh huyện Duy Tiên, Hà Nam cho biết, hiện trung tâm chăm sóc cho 60 thương bệnh binh, có tỷ lệ thương tật 81% trở lên đến từ 18 tỉnh, thành phố từ Quảng Trị trở ra. Trong đó có ba người từng tham gia kháng chiến chống Pháp, còn lại là tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước và chiến tranh biên giới phía Bắc. Một nửa trong số các thương bệnh binh nơi đây đang ngồi trên xe lăn do bị thương cột sống, teo cơ… Nếu như thời gian trước, trung tâm còn thiếu thốn, không có chiếc điều hòa nào thì nay được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các nhà hảo tâm, các phòng ở của thương, bệnh binh được trang bị điều hòa, tivi, tủ lạnh... Vì thế mà trong những ngày nắng nóng cao độ như vừa qua, tình trạng sức khỏe của các thương binh vẫn ổn định. “Trung tâm thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao như tập luyện văn nghệ hát cho nhau nghe hay giao lưu với các đoàn khách, câu cá, thi đấu cờ tướng... góp phần làm phong phú đời sống tinh thần cho thương bệnh binh”, ông Lương nói.

“Ánh lửa từ  trái tim”

Ngày 13/7, 100 đại biểu là thương binh và cán bộ, nhân viên phục vụ tiêu biểu từ 9 trung tâm điều dưỡng thương binh Duy Tiên, Kim Bảng, Liêm Cần (Hà Nam), Thuận Thành (Bắc Ninh), Lạng Giang (Bắc Giang), Nho Quan (Ninh Bình), Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An về Thủ đô Hà Nội viếng Đài Liệt sỹ Bắc Sơn, báo công và viếng Lăng Bác Hồ, giao lưu văn nghệ “Ánh lửa từ trái tim” với hàng nghìn sinh viên Trung tâm Giáo dục Quốc phòng An ninh ĐH Quốc gia Hà Nội.

Đây là hoạt động tôn vinh và tri ân các thương binh và cán bộ, nhân viên phục vụ tại các trung tâm điều dưỡng vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2017) do báo Tiền Phong phối hợp với Hãng hàng không VietJet - Ngân hàng phát triển TPHCM HD Bank  (hai đơn vị kiêm nhà tài trợ) và Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên, Hà Nam tổ chức. Chương trình có các đơn vị đồng hành gồm: Tổng Cty Xi măng Việt Nam, Tập đoàn Nam Dược, Cty CP Trường Thọ, Tổng Cty Vận tải Hà Nội, Tập đoàn Hoàng Huy, Cty CP Tiền Phong, Khách sạn Khăn Quàng Đỏ, Nhà khách ĐHQG Hà Nội.

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.