Chưa ai xin lỗi dân
Ngày 11/7, Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khai mạc kỳ họp thứ 5 khóa VI, báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh tường thuật:
Ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã xin nhận lỗi trước Hội đồng nhân dân tỉnh vì:
Trong quá trình tham mưu cho tỉnh về việc thí điểm mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN), đã nóng vội, mong muốn đổi mới một cách nhanh mà không tính toán hết thực tế về trường lớp cũng như đội ngũ, tư tưởng, nguyện vọng của học sinh.
Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong số các địa phương triển khai VNEN từ những năm đầu đề án của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tuy nhiên việc triển khai được áp dụng trên diện rộng.
Sắp tới Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tổ chức một hội nghị để đánh giá lại mô hình học VNEN, sau hội nghị này tỉnh sẽ có những định hướng cụ thể.
Nhưng trước mắt, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã "có thư gửi tỉnh định hướng là những học sinh đã học mô hình VNEN rồi, nếu quay sang học mô hình khác thì cũng có những bất cập, khó khăn".
Vì vậy Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh này cũng sẽ có tham mưu trên tinh thần tự nguyện.
Trường nào, thầy cô nào, học sinh, phụ huynh nào đồng ý tiếp tục cho con theo học mô hình này vẫn theo học, không đồng ý có thể xin chuyển.
Ông Giang bày tỏ:
“Về một nội dung mà ngành giáo dục chủ trì tham mưu nhưng cũng đã khiến các lãnh đạo tỉnh, HĐND phải vất vả.
Cho phép tôi xin lỗi và xin hứa sẽ có những cố gắng để việc triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục một cách tốt hơn, hiệu quả hơn trên địa bàn tỉnh”. [1]
Ngày 16/7/2017 Báo Lao Động đưa tin: chương trình VNEN lại "nóng" tại kỳ họp hội đồng nhân dân nhiều tỉnh, trong đó tường thuật:
Trả lời chất vấn của cử tri tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng – ông Nguyễn Xuân Trường - cũng thừa nhận:
Hạn chế của mô hình VNEN là các học sinh yếu sẽ không theo kịp chương trình, không tham gia thảo luận, dễ chán nản, cơ sở vật chất không đáp ứng được yêu cầu, sĩ số lớp quá đông…
“Ngay sau đây, sở sẽ có kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xin ý kiến về việc sẽ chọn trường hoặc chọn theo khối để thực hiện tiếp chương trình VNEN, hoặc nếu không đủ điều kiện sẽ cho dừng chương trình” – ông Trường nói.
Trước đó, nhiều địa phương trong khi triển khai VNEN đã vấp phải phản ứng gay gắt từ phụ huynh như Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Giang, Đắk Lắk, Bắc Ninh…
Kết thúc bài viết, Báo Lao Động cho biết:
Cho đến nay, chương trình VNEN vẫn được tiến hành trên toàn quốc (trừ Hà Giang đã dừng hẳn từ năm 2016), có nghĩa là quá trình “thí điểm” vẫn diễn ra, và không hiểu sẽ đi đến kết quả, mục tiêu gì. [2]
Qua hai bản tin này, người viết thấy buồn cho ngành giáo dục nước nhà.
Đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp, tác động lớn nhất từ việc áp đặt mô hình VNEN là học sinh, phụ huynh và giáo viên thì không thấy lãnh đạo nào của ngành giáo dục nói một câu xin lỗi.
Ở Vũng Tàu, ông Giám đốc Sở thì chỉ biết xin lỗi lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, vì cấp trên của ông "phải vất vả".
Người viết nghĩ mãi mà không tài nào hình dung được các vị ấy "phải vất vả" như thế nào với VNEN, ngoài cái giơ tay biểu quyết hoặc ký quyết định cho áp dụng ở địa phương mình?
Ông hứa sẽ cố gắng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục một cách tốt hơn, hiệu quả hơn, nhưng không biết bằng cách nào?
Hiện chúng tôi chưa rõ về thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã "có thư gửi tỉnh định hướng là những học sinh đã học mô hình VNEN rồi, nếu quay sang học mô hình khác thì cũng có những bất cập, khó khăn" .
Ở Hải Phòng, ông Giám đốc Sở cho biết, "ngay sau đây, sở sẽ có kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xin ý kiến...".
Trong khi Công văn số 4068/BGDĐT-GDTrH của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nói: tiếp tục VNEN hay không do địa phương tự quyết trên tinh thần tự nguyện, và đương nhiên bao gồm cả “tự chịu trách nhiệm”!
Không ai chịu trách nhiệm về VNEN và giải quyết yêu cầu chính đáng của phụ huynh học sinh
Báo Lao Động có một loạt bài khá ấn tượng về mô hình VNEN:
Nghệ An: Trường tiểu học Nguyễn Trãi đã “chia tay” VNEN
Nghệ An: Phụ huynh “chỉ mặt” hàng loạt khuyết điểm, kiến nghị bỏ VNEN
Hà Tĩnh: Càng học càng kém, Trường THCS Chu Văn An “xin chào” VNEN
Hà Tĩnh: Chỉ có 1/117 phụ huynh đồng ý tiếp tục VNEN
Nghệ An: “Hồn truyền thống; da VNEN”
Hà Tĩnh: Trường THCS thứ 4 “tạm biệt” VNEN
Thành lập Hội đồng đánh giá kết quả triển khai VNEN
Nghệ An: 91,8% phụ huynh trường THCS Hưng Dũng kiến nghị dừng VNEN...
Nghệ An: Bế tắc vụ 290 phụ huynh Trường THCS Hưng Dũng kiến nghị dừng VNEN. [3]
Đã có rất nhiều bài báo phản ánh bất cập của VNEN và những hệ lụy của nó từ nhiều cơ quan truyền thông báo chí khác nhau, đồng thời nhiều phụ huynh học sinh liên tục yêu cầu, kiến nghị bỏ VNEN.
Nhưng tất cả vẫn rơi vào im lặng, do đâu?
Báo điện tử Infonet của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 17/7 có bài: "Giáo viên khóc ròng vì mô hình VNEN đang “biến tướng” ở các địa phương" lý giải nguyên nhân của hiện tượng này là:
Bộ Giáo dục và Đào tạo không hướng dẫn cụ thể các địa phương quy trình, biện pháp thực hiện nguyên tắc “triển khai VNEN trên cơ sở tự nguyện”.
Do đó, các địa phương không tổ chức lấy ý kiến phụ huynh, học sinh, tiếp tục triển khai VNEN trong sự chán nản của phụ huynh và cả giáo viên. [4]
Chúng tôi nhận thấy còn nhiều nguyên nhân và "ẩn ý" đằng sau chuyện này, xin phân tích sau.
Dự án GPE- VNEN đã kết thúc, hai vị phụ trách là Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển và Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học kiêm Giám đốc Dự án GPE-VNEN Phạm Ngọc Định thì đã nghỉ hưu.
Nhưng gánh nặng VNEN không biết còn đeo đuổi học sinh, giáo viên và nền giáo dục đến khi nào?
Dân chịu
Ngày 18/8, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ có công văn số 4068/BGDĐT-GDTrH gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về vấn đề thí điểm mô hình VNEN trong năm học mới 2016 – 2017. [5]
Thứ hai, sở dĩ gặp "nhiều khó khăn" không phải tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, mà tại cấp dưới:
"Mặt khác, trong những năm đầu triển khai, một số nơi chưa nhận thức đầy đủ về mô hình và điều kiện áp dụng;
Cán bộ quản lý và giáo viên chưa được chuẩn bị chu đáo, một bộ phận ngại đổi mới hoặc áp dụng mô hình một cách máy móc".
Nhưng xem các văn bản khác của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì có vẻ lỗi này không phải địa phương, càng không phải do các thày cô giáo "ngại đổi mới" hay "áp dụng máy móc".
Công văn 4250/BGDĐT - GDTH về việc triển khai dự án VNEN, ban hành ngày 04/07/2012, do Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Lê Tiến Thành ký, cho biết:
"Thủ tướng Chính phủ đã cam kết với nhà tài trợ thực hiện Dự án trong 3 năm từ tháng 6 năm 2012 đến tháng 6 năm 2015.
Nhà tài trợ đã đồng ý để Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai gấp Dự án để Mô hình trường học mới được thực hiện ngay khai giảng năm học 2012-2013, trước khi những cung cấp về tài chính có hiệu lực vào tháng 10 năm 2012.
Do tính chất khẩn trương của Dự án trong tháng 6 năm 2012, Bộ GD&ĐT đã xây dựng xong các tài liệu Hướng dẫn học tập cho học sinh, Hướng dẫn giáo viên và các tài liệu tập huấn; các định mức chi và Sổ tay thực hiện Dự án.". [6]
"Theo kế hoạch Dự án Mô hình trường học mới tại Việt Nam sẽ kết thúc ngày 31/5/2016 và ngừng hỗ trợ kinh phí cho các trường nhưng các thành công, kinh nghiệm của mô hình trường học mới phải được tiếp tục hoàn thiện và nhân rộng, góp phần thực hiện thành công đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam trong những năm tiếp theo.
Nhằm đạt được mục tiêu đó, Bộ GDĐT đề nghị các Sở GDĐT chỉ đạo triển khai một số nội dung công việc sau:
1. Hướng dẫn các trường tiểu học đang thực hiện mô hình, kể cả các trường thuộc dự án và không thuộc dự án, áp dụng toàn bộ hoặc từng phần mô hình, đánh giá kết quả, tổng kết các kinh nghiệm thực hiện;
tiếp tục tuyên truyền, vận động các lực lượng xã hội cùng tham gia; đề xuất, kiến nghị với các cấp quản lý giáo dục và chính quyền về các biện pháp để làm tốt hơn, nhân rộng hơn...
2. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, chỉ đạo và hướng dẫn các trường tiểu học, các phòng GDĐT tổ chức triển khai mô hình từ năm học 2016-2017 theo tinh thần không ngừng nâng cao chất lượng thực hiện;
tất cả các trường đã triển khai đều duy trì và mở rộng số lớp áp dụng; từng bước có thêm nhiều trường tự nguyện triển khai áp dụng; tất cả các lớp, các trường đã triển khai áp dụng đều thành công.". [7]
Ngay từ đầu khi Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai mô hình VNEN ra 63 tỉnh thành.
Điều này thể hiện qua Công văn số 7366/BGDĐT-GDTH ngày 2/11/2012, về việc hướng dẫn một số hoạt động triển khai Dự án GPE-VNEN, do Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển ký.
Không có một chữ "tự nguyện" nào ở công văn này, ngược lại các sở được chỉ đạo rất rõ:
"...Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Dự án do Giám đốc Sở GD-ĐT ký ban hành. Cơ cấu Ban Chỉ đạo Dự án gồm:
- Trưởng ban: Lãnh đạo Sở GD-ĐT.
- Ủy viên: Là thành viên Ban Quản lý Dự án cấp tỉnh (TP).
Ban Chỉ đạo Dự án cấp tỉnh (TP) có trách nhiệm:
- Chỉ đạo triển khai và nhân rộng mô hình VNEN trên phạm vi tỉnh (TP). (phần gạch chân để người viết nhấn mạnh)
- Chỉ đạo các hoạt động của Ban Quản lý Dự án cấp tỉnh (TP) theo kế hoạch của Ban Quản lý Dự án cấp trung ương..." [8]
1. Khuyến khích các cơ sở giáo dục đang triển khai mô hình trường học mới tiếp tục triển khai trên cơ sở tự nguyện, đảm bảo đạt hiệu quả thiết thực và duy trì trong suốt cấp học vì quyền lợi của học sinh.
2. Đối với các cơ sở giáo dục không áp dụng mô hình trường học mới, có thể lựa chọn một số thành tố tích cực của mô hình trường học mới để bổ sung vào đổi mới phương thức giáo dục đang thực hiện, đảm bảo nguyên tắc lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm.
3. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp tục chủ động nghiên cứu đổi mới, sáng tạo trong tổ chức dạy và học; áp dụng các mô hình giáo dục tiên tiến khác phù hợp với điều kiện thực tiễn; đồng thời thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong phụ huynh học sinh và dư luận xã hội nhằm thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động chỉ đạo các cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương triển khai thực hiện và chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục của địa phương./. [5]
Phụ huynh xin dừng VNEN chính là vì quyền lợi của con em họ.
Nay Bộ nói rằng khuyến khích các trường đang áp dụng VNEN duy trì suốt cấp học “vì quyền lợi học sinh”, dù “tự nguyện” hay bị “ép buộc” là hoàn toàn khiên cưỡng.
Lập luận trong công văn 4068/BGDĐT-GDTrH cũng giống như những gì Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khi còn tại chức phụ trách chỉ đạo VNEN, đã trả lời công khai trên VOV: tất cả do cấp dưới, giáo viên, phụ huynh nhận thức chưa đúng!
"Chúng tôi đánh giá là có lẽ do mình nhận thức nó chưa đúng, kể cả giáo viên, kể cả phụ huynh, nhận thức chưa đúng về mô hình này.
Mô hình này nó phù hợp với những điều kiện dạy học còn khó khăn, trình độ giáo viên còn hạn chế, rồi các em học sinh còn chưa mạnh dạn.
Rồi thì kiến thức hiện nay mình đang yêu cầu ghi nhớ máy móc quá nhiều, thì mô hình này nó sẽ khắc phục được những cái chuyện đó.". [9]
Bộ Giáo dục và Đào tạo nhập khẩu phần xác của "Ngôi trường mới" từ Colombia về và dùng toàn bộ hệ thống chỉ đạo ngành dọc triển khai ồ ạt ra 63 tỉnh thành ngay từ năm đầu tiên.
Sách VNEN do Bộ soạn, giáo viên do Bộ tổ chức tập huấn, ai không theo thì là "không chịu đổi mới".
Nay Bộ lại đẩy xuống Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động chỉ đạo các cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương triển khai thực hiện và chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục của địa phương về VNEN, nếu không là đùn đẩy trách nhiệm thì là gì?
Bộ Giáo dục và Đào tạo nên dũng cảm tổng kết một cách khoa học, nghiêm túc, công khai minh bạch về VNEN và ra văn bản hướng dẫn để phụ huynh học sinh và giáo viên tự quyết định số phận VNEN
Báo Lao Động nhận xét về sự việc "Nghệ An: Bế tắc vụ 290 phụ huynh Trường THCS Hưng Dũng kiến nghị dừng VNEN" là tít mù...rồi lại vòng quanh, theo chúng tôi là rất chính xác.
Phụ huynh hỏi trường, trường đá lên phòng, hỏi phòng thì phòng đá lên sở, hỏi sở thì sở chờ xin ý kiến bộ, hỏi bộ thì bộ lại chỉ về địa phương.
Không có bất kỳ ai trong ngành giáo dục chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục của con em họ khi phải theo mô hình VNEN.
Hi hữu lắm mới có vị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo xin lỗi, nhưng xin lỗi lãnh đạo của họ chứ không phải phụ huynh, học sinh và giáo viên. Còn đâu thì vẫn phải chờ.
Thực tế các chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về VNEN cho thấy, cơ quan này mới thực sự phải chịu trách nhiệm về những vấn đề VNEN đang gây ra cho xã hội.
Và hiện nay cũng chỉ có sự dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật của Bộ Giáo dục và Đào tạo mới dừng được toàn bộ VNEN.
Bởi lẽ không phải ngành giáo dục tỉnh nào cũng dũng cảm như Hà Giang, thấy thực tế không ổn thì dừng lại, thay vì chờ ý kiến của Bộ như Hải Phòng hay Bà Rịa - Vũng Tàu, càng không "gân cổ" với phụ huynh học sinh rằng VNEN tốt, tại xã hội chưa hiểu được cái hay của VNEN, như ở Nghệ An hay lãnh đạo Bộ.
Ngày 18/7/2017, Báo điện tử Infonet đăng lời "kêu cứu" của một giáo viên tiểu học ở Kiên Giang khi được hỏi về VNEN:
“Hãy cứu giáo viên chúng tôi thoát khỏi mô hình trường học mới VNEN. VNEN cho đến nay đã thực sự trở thành nỗi ám ảnh theo chúng tôi vào cả giấc ngủ.
Cho đến giờ tôi đã đứng lớp được hơn chục năm và có 4 năm dạy chương trình VNEN kể từ khi mô hình này được áp dụng tại Việt Nam.
Với kinh nghiệm của mình, tôi có thể thẳng thắn chia sẻ, mô hình VNEN không hề phù hợp với học sinh Việt Nam.
Học sinh thì ngày càng kém đi, phụ huynh tất tả tìm chỗ học thêm chui cho con, giáo viên thì mệt nhoài và căng thẳng với bài toán “thành tích”. Đó là những gì VNEN mang lại.
...Với mô hình VNEN, giáo viên chúng tôi đã trở thành một diễn viên và công việc hàng ngày là diễn nhiều hơn dạy.". [10]
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khiến dư luận xôn xao về ý tưởng “bỏ biên chế giáo viên”, mặc dù với mục đích rất tốt, đó là tăng tự chủ cho giáo dục phổ thông.
Tuy nhiên việc “chuyển biên chế giáo viên từ viên chức sang hợp đồng lao động” theo chúng tôi là vượt quá thẩm quyền và khả năng luật định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trong khi đó, việc để các nhà trường, thày cô và phụ huynh được quyền lựa chọn mô hình dạy học, sách giáo khoa hoàn toàn nằm trong tầm tay của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo viên và phụ huynh cũng đã khẩn thiết yêu cầu, thì Bộ cũng nên xem xét và giải quyết thấu đáo.
Thực sự, không nên nói như tại Công văn số 4068/BGDĐT-GDTrH.
Ai buộc thì người đó cởi, Bộ buộc VNEN vào cuộc đời hàng ngàn học sinh nhưng lại giao địa phương tự cởi và tự chịu trách nhiệm.
Địa phương thì vẫn “ngóng cổ” chờ đợi hướng dẫn của Bộ hoặc ‘xin ý kiến’ Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vậy thì ai chịu “thấu cảm” với phụ huynh, học sinh và giáo viên của các lớp học VNEN?.
Còn hiện tại, phụ huynh thì tiếp tục tẩy chay VNEN, nhưng như cô giáo tại Kiên Giang chia sẻ, thì nhiều phụ huynh có chạy đằng trời cũng không thoát khỏi VNEN:
“Theo thông tin tôi được biết, năm học 2017 – 2018 tới sẽ có quyết định phủ 100% mô hình này tại các trường trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.” [10]
Tài liệu tham khảo:
[1] Giám đốc Sở xin lỗi vì mô hình học VNEN, Trùng Khánh, plo.vn, 11/7/2017, http://plo.vn/xa-hoi/giao-duc/giam-doc-so-xin-loi-vi-mo-hinh-hoc-vnen-714555.html
[2] Chương trình VNEN lại “nóng” tại kỳ họp HĐND nhiều tỉnh: “Lỗ hổng” lớn về pháp lý, nhóm PV, laodong.com.vn, 16/7/2017, http://laodong.com.vn/giao-duc/chuong-trinh-vnen-lai-nong-tai-ky-hop-hdnd-nhieu-tinh-lo-hong-lon-ve-phap-ly-683706.bld
[3] Nghệ An: Bế tắc vụ 290 phụ huynh Trường THCS Hưng Dũng kiến nghị dừng VNEN, PV, laodong.com.vn, 30/10/2016, http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/nghe-an-be-tac-vu-290-phu-huynh-truong-thcs-hung-dung-kien-nghi-dung-vnen-605813.bld
[4] Giáo viên khóc ròng vì mô hình VNEN đang “biến tướng” ở các địa phương, Hoàng Thanh, infonet.vn, 17/7/2017, http://infonet.vn/giao-vien-khoc-rong-vi-mo-hinh-vnen-dang-bien-tuong-o-cac-dia-phuong-post232150.info
[5] Công văn số 4068/BGDĐT-GDTrH: V/v triển khai mô hình trường học mới từ năm học 2016-2017, bariavungtau.edu.vn, 25/8/2016, http://bariavungtau.edu.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=5988:4068bgdt-gdtrh&catid=43:gdth&Itemid=459
[6] Triển khai Dự án VNEN, Số tư liệu: 4250/BGDĐT - GDTH, ngày ban hành: 04/07/2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo, http://pbc.moet.gov.vn/?page=1.28&view=4277&opt=brpage
[7] Công văn số 1296/BGDĐT-GDTH: V/v hướng dẫn triển khai Mô hình trường học mới tại Việt Nam ở tiểu học từ năm học 2016-2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo, bariavungtau.edu.vn, 4/4/2016, http://bariavungtau.edu.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=5532:1296bgdt-gdth&catid=77:personal-tech&Itemid=459
[8]http://tieuhoc.moet.gov.vn/UserFiles/HEAD1/vanban/1084/1084_1383357007_CV_7366-BGD%C4%90T-GDTH_ngay_2-11-2012_huong_dan_cac_So_thanh_lap_Ban_Chi_dao_va_Ban_Quan_ly_Du_an_VNEN.rar
[9] Vì sao giáo viên "quay lưng" với mô hình VNEN?, Diễn đàn Giáo dục, VOV2, 16/8/2016, http://vov2.vov.vn/dien-dan-giao-duc/vi-sao-giao-vien-quay-lung-voi-mo-hinh-vnen-c56-21706.aspx
[10] “Hãy cứu giáo viên chúng tôi thoát khỏi mô hình trường học mới VNEN”, Hoàng Thanh, infonet.vn, 18/7/2017, http://infonet.vn/hay-cuu-giao-vien-chung-toi-thoat-khoi-mo-hinh-truong-hoc-moi-vnen-post232261.info