83% nữ công nhân viên chức, lao động chưa có nhà ở TPHCM

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Với thu nhập phổ biến từ 5-10 triệu đồng/tháng, đa số các nữ cử tri mong muốn được vay tiền mua nhà trị giá dưới 1,5 tỷ đồng và chỉ có khả năng trả trước dưới 500 triệu đồng.

Sáng 24/4, Thường trực HĐND TPHCM đã tổ chức chương trình tiếp xúc cử tri nữ công nhân, viên chức, lao động với chủ đề “chính sách an sinh xã hội – nhà ở cho công nhân, viên chức, người lao động”.

Tại chương trình tiếp xúc, HĐND TPHCM đã công bố kết quả điều tra xã hội về nhu cầu nhà ở của nữ công nhân lao động trên địa bàn.

Theo đó, từ ngày 12 đến 17/4, Ban Đô thị HĐND TPHCM phối hợp Liên đoàn lao động, Hội Liên hiệp phụ nữ TPHCM đã tổ chức khảo sát trực tuyến về nhu cầu nhà ở của cử tri nữ công nhân, viên chức, lao động thành phố.

Kết quả ghi nhận sự tham gia của gần 41 nghìn cử tri nữ công nhân, viên chức, lao động, trong đó lực lượng cán bộ, công chức, viên chức tham gia khảo sát chiếm tỷ lệ 58%, công nhân chiếm tỷ lệ 28%.

Về tình trạng nhà ở, có 41% các chị tham gia khảo sát cho biết hiện đang ở nhà thuê, 36% ở chung với gia đình. Chỉ có 17% có nhà ở tại TPHCM.

Về nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội, 64% các chị tham gia khảo sát có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội, 70% có nhu cầu mua nhà cho từ 3 đến 4 người ở và 81,4% có nhu cầu mua nhà với diện tích từ 50-70 m2.

Mức thu nhập phổ biến nhất của các chị tham gia khảo sát là từ 5-10 triệu đồng/tháng (chiếm tỷ lệ 40%). Về khả năng trả nợ, 76% các chị được khảo sát trả lời chỉ có thể trả trước dưới 500 triệu đồng khi thực hiện vay vốn để mua nhà, 53% lựa chọn thời hạn vay từ 10 đến dưới 15 năm.

83% nữ công nhân viên chức, lao động chưa có nhà ở TPHCM ảnh 1

Khu lưu trú cho công nhân tại Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TPHCM)

Về giá trị căn nhà, 36% các chị được khảo sát lựa chọn mua nhà từ 0,5 tỷ đến dưới 1 tỷ đồng, 34% lựa chọn mua nhà từ 1 tỷ đến dưới 1,5 tỷ đồng.

Theo Ban Đô thị HĐND TPHCM, số liệu từ cuộc khảo sát vừa qua tuy chỉ chiếm 2% trên tổng số nữ công nhân, viên chức, lao động TPHCM nhưng đã phần nào phản ánh được bức tranh về thực trạng và nhu cầu nhà ở của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân, người lao động.

Với chủ trương phát triển nhà ở xã hội, sau 15 năm, TPHCM đã đưa vào sử dụng 31 dự án nhà ở xã hội với 1,55 triệu m2 sàn, tương ứng 18.800 căn hộ.

Từ năm 2016 đến năm 2020 là giai đoạn nhà ở xã hội phát triển mạnh, TPHCM đã có 19 dự án nhà ở xã hội hoàn thành và đưa vào sử dụng, cung ứng cho thị trường 1,19 triệu m2 sàn, tương ứng 14.900 căn hộ.

Các dự án chung cư nhà ở xã hội ra đời đã giải quyết một phần nhu cầu nhà ở của một bộ phận người thu nhập thấp và cán bộ công chức, viên chức có khó khăn về nhà ở trên địa bàn thành phố.

Từ năm 2005 đến nay, Quỹ Phát triển nhà ở TPHCM đã hỗ trợ cho hơn 5.550 trường hợp có thu nhập thấp là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang hưởng lương từ ngân sách thành phố được vay tiền để mua nhà ở riêng lẻ hoặc nhà ở xã hội với tổng số tiền trên 2.802 tỷ đồng. Trong đó, hạn mức vốn vay là 900 triệu đồng/hồ sơ nhưng không quá 70% giá trị căn nhà/căn hộ. Thời hạn cho vay tối đa là 20 năm. Lãi suất tiền vay đang áp dụng là 4,7%/năm.

Từ năm 2018, Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai chương trình vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội, trong đó hạn mức cho vay tối đa là 80% giá trị nhà. Thời hạn vay tối đa 25 năm. Lãi suất cho vay 4,8%/năm. Từ năm 2018 đến 2021, Ngân hàng này đã cho vay hơn 146 tỷ đồng cho hơn 300 trường hợp được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội (người có công với cách mạng; người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo; người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp, lực lượng vũ trang; cán bộ, công chức, viên chức…).

TPHCM hiện có 1 khu công nghệ cao (88 doanh nghiệp đang hoạt động), 3 khu chế xuất và 14 khu công nghiệp (hơn 1.400 doanh nghiệp) với trên 300.000 lao động, trong đó 70% là lao động ngoài tỉnh. Tỷ lệ lao động nữ chiếm 57%. Ngoài ra, trên địa bàn có khoảng 280.000 doanh nghiệp và 460.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể đang hoạt động, sử dụng hơn 4,7 triệu lao động, trong đó lao động nữ chiếm 45%.

MỚI - NÓNG
Thông tin mới nhất về cây đa đổ gục ở đền Bà Kiệu
Thông tin mới nhất về cây đa đổ gục ở đền Bà Kiệu
TPO - Do ảnh hưởng của cơn bão YAGI, cây đa phía sau đền Bà Kiệu (mặt phố Lò Sũ) đã bị bật gốc trước sức gió khủng khiếp, gây thiệt hại đến công trình phụ trợ. Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội tích cực phối hợp với lực lượng chức năng để nhanh chóng khắc phục hậu quả sau bão.