60 năm phong trào Ba sẵn sàng: Ai cũng thiết tha muốn được góp sức mình cho đất nước

TPO - Ôn lại truyền thống hào hùng 60 năm phong trào Ba sẵn sàng, chị Chu Hồng Minh - Bí thư Thành Đoàn Hà Nội bồi hồi, xúc động nói: “Đó là những ngày mà thanh niên Hà Nội không ai muốn ngủ, không ai muốn đứng ngoài, ai cũng thiết tha muốn được góp sức mình cho đất nước”.

Tối 9/8, Thành Đoàn Hà Nội phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội tổ chức Chương trình chính luận nghệ thuật “Khát vọng tuổi trẻ - Sáng mãi ngọn lửa Ba sẵn sàng”, nhằm kỷ niệm 60 năm phong trào “Ba sẵn sàng” (8/1964 - 8/2024), hướng tới chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).

Chương trình diễn ra tại hai điểm cầu: Quảng trường Cách mạng Tháng Tám và Nhà Ga xe lửa Gia Lâm.

Dự chương trình có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận T.Ư Phạm Tất Thắng; Uỷ viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy; Chủ tịch T.Ư Hội Cựu TNXP Việt Nam Vũ Trọng Kim; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Bí thư Thành Đoàn Hà Nội Chu Hồng Minh.

Cùng dự có các nhân chứng lịch sử trực tiếp tham gia phong trào “Ba Sẵn sàng”, các đồng chí thường trực Thành Đoàn Hà Nội các thời kỳ và hơn 2.500 đoàn viên, thanh niên Thủ đô.

60 năm phong trào Ba sẵn sàng: Ai cũng thiết tha muốn được góp sức mình cho đất nước ảnh 1

Các đại biểu tham dự chương trình.

Trong diễn văn kỷ niệm, chị Chu Hồng Minh - Bí thư Thành Đoàn Hà Nội đã ôn lại lịch sử hào hùng 60 năm phong trào Ba sẵn sàng - một phong trào hành động cách mạng tiêu biểu của tuổi trẻ Thủ đô và tuổi trẻ cả nước.

Chị Minh cho biết, cách đây tròn 60 năm, vào tối mùng 9/8/1964, tại hội trường Bộ Công nghiệp nặng - Hà Nội số 54 - phố Hai Bà Trưng quận Hoàn Kiếm, Ban Chấp hành Thành Đoàn Hà Nội phát động phong trào "Ba sẵn sàng" trên toàn thành phố, với các nội dung: “Sẵn sàng chiến đấu; sẵn sàng gia nhập các lực lượng vũ trang; sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần đến”.

60 năm phong trào Ba sẵn sàng: Ai cũng thiết tha muốn được góp sức mình cho đất nước ảnh 2

Chị Chu Hồng Minh - Bí thư Thành Đoàn Hà Nội đã ôn lại lịch sử hào hùng 60 năm phong trào “Ba sẵn sàng”.

Ngày 9/8/1964 đã đi vào lịch sử phong trào Thanh niên Thủ đô và trở thành một mốc son chói lọi, rất đỗi tự hào của tuổi trẻ. Lớp lớp thanh niên Hà Nội từ sinh viên, học sinh, nông dân, công nhân hay kỹ sư, bác sĩ, giáo viên đã viết đơn lên đường, xung phong ra trận; cả Hà Nội rực lửa; tòng quân, đi thanh niên xung phong trở thành nguyện vọng thiết tha của tuổi trẻ Thủ đô.

"Đó là những ngày mà thanh niên Hà Nội không ai muốn ngủ, không ai muốn đứng ngoài, ai cũng thiết tha muốn được góp sức mình cho đất nước”, chị Minh xúc động nhắc lại những ngày tháng hào hùng của phong trào “Ba sẵn sàng”.

Các nhân chứng lịch sử trực tiếp tham gia phong trào “Ba sẵn sàng” chia sẻ lại những kỷ niệm đáng nhớ. Video: Lưu Trinh - Châu Linh

60 năm phong trào Ba sẵn sàng: Ai cũng thiết tha muốn được góp sức mình cho đất nước ảnh 3

Lãnh đạo T.Ư và thành phố trao quà cho các nhân chứng lịch sử trực tiếp tham gia phong trào “Ba sẵn sàng”.

Theo chị Minh, sự thôi thúc, hiệu triệu của phong trào “Ba sẵn sàng” đã thổi bùng ngọn lửa yêu nước trong tuổi trẻ Thủ đô, với hình ảnh hàng vạn thanh niên Thủ đô xuống đường diễu hành, ghi tên tình nguyện “Ba sẵn sàng”, xung phong ra trận, vào Nam chiến đấu, “chia lửa với miền Nam ruột thịt”…

Từ sức lan tỏa mạnh mẽ của “Ba sẵn sàng”, tháng 3/1965, Ban Chấp hành T.Ư Đoàn phát động phong trào “Ba sẵn sàng” trong toàn miền Bắc.

“Ba sẵn sàng” đã trở thành một trong những phong trào hành động cách mạng lớn nhất của tuổi trẻ Thủ đô và tuổi trẻ Việt Nam trong thế kỷ 20. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí kiên cường, tài năng sáng tạo, vai trò của thanh niên được phát huy cao độ; lớp thanh niên làm nên phong trào “Ba sẵn sàng” - “Một chiến trường lập công của tuổi trẻ” đã đi vào lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta như một thiên anh hùng ca của tuổi trẻ Việt Nam”, chị Minh nói.

Trong thời gian tới, chị Minh nhấn mạnh, tuổi trẻ Thủ đô phát huy vai trò xung kích, sáng tạo trong thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Thành phố; vững vàng “tay cầm cờ đỏ sao vàng tiến lên” như kỳ vọng của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và xứng đáng với lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu lúc sinh thời: “Đối với mọi công tác, thanh niên Thủ đô phải làm gương mẫu cho thanh niên cả nước”.

60 năm phong trào Ba sẵn sàng: Ai cũng thiết tha muốn được góp sức mình cho đất nước ảnh 4

Phát huy truyền thống phong trào “Ba sẵn sàng”, Bí thư Thành Đoàn Hà Nội nhấn mạnh, mỗi bạn trẻ Thủ đô luôn xung phong đảm nhiệm khâu khó và khẳng định trách nhiệm đối với quốc gia, với TP Hà Nội bằng một khát vọng lớn, thông qua những hành động cụ thể, thiết thực.

60 năm phong trào Ba sẵn sàng: Ai cũng thiết tha muốn được góp sức mình cho đất nước ảnh 5

Tiết mục văn nghệ mở đầu chương trình chính luận nghệ thuật “Khát vọng tuổi trẻ - Sáng mãi ngọn lửa Ba sẵn sàng”.

60 năm phong trào Ba sẵn sàng: Ai cũng thiết tha muốn được góp sức mình cho đất nước ảnh 660 năm phong trào Ba sẵn sàng: Ai cũng thiết tha muốn được góp sức mình cho đất nước ảnh 7

Chương trình chính luận nghệ thuật “Khát vọng tuổi trẻ - Sáng mãi ngọn lửa Ba Sẵn sàng” tái hiện lại những ngày tháng hào hùng, sục sôi khí thế của phong trào “Ba sẵn sàng”.

60 năm phong trào Ba sẵn sàng: Ai cũng thiết tha muốn được góp sức mình cho đất nước ảnh 860 năm phong trào Ba sẵn sàng: Ai cũng thiết tha muốn được góp sức mình cho đất nước ảnh 9

Đoàn viên, thanh niên Thủ đô tham dự chương trình.

60 năm phong trào Ba sẵn sàng: Ai cũng thiết tha muốn được góp sức mình cho đất nước ảnh 10

Chương trình được lồng ghép khéo léo với các tiểu phẩm, hoạt cảnh trên sân khấu.

Chương trình chính luận nghệ thuật “Khát vọng tuổi trẻ - Sáng mãi ngọn lửa Ba Sẵn sàng” đã tái hiện lại những ngày tháng hào hùng, sục sôi khí thế của phong trào “Ba sẵn sàng”.

Chương trình thể hiện bằng những phóng sự tư liệu với hình ảnh đắt giá của lớp thanh niên “Ba sẵn sàng” 60 năm về trước, được lồng ghép khéo léo với các tiểu phẩm, hoạt cảnh trên sân khấu, cùng những ca khúc thể hiện tinh thần tự hào và niềm tin yêu của thế hệ trẻ với Đảng, Bác Hồ kính yêu, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước và khát vọng của tuổi trẻ.

Các tiết mục nghệ thuật được dàn dựng công phu bằng hiệu ứng âm thanh, ánh sáng hiện đại, những câu chuyện được kể lại xen kẽ giữa hai điểm cầu: Quảng trường Cách mạng Tháng Tám và Nhà máy xe lửa Gia Lâm.

MỚI - NÓNG