Trưa 31/12, UBND TPHCM tổ chức họp báo công bố 10 sự kiện nổi bật của TPHCM năm 2021. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức, Chủ tịch Hội đồng bình chọn chủ trì buổi họp.
Thông tin tại buổi họp báo, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Từ Lương cho biết, Hội đồng bình chọn đã nhận được 127 sự kiện nổi bật được đề xuất từ 13 cơ quan báo chí. Đây là những sự kiện được nhiều người dân TPHCM quan tâm trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đô thị, cải cách hành chính, quốc phòng.
UBND TPHCM họp báo công bố 10 sự kiện nổi bật trong năm 2021 |
Trên cơ sở 15 sự kiện nổi bật nhất được Hội đồng bình chọn tổng hợp đề xuất, ngày 29/12, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã thống nhất danh mục 10 sự kiện nổi bật, gồm:
1. Tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026
Tháng 5/2021, cùng với cả nước TPHCM đã tổ chức thành công bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND TPHCM nhiệm kỳ 2021 - 2026, với tỷ lệ cử tri đi bầu cử đạt 99,60%. Công tác bầu cử được đảm bảo an toàn đạt yêu cầu đề ra. Kết quả, TPHCM có 30 đại biểu trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và 94 đại biểu trúng cử đại biểu HĐND TPHCM nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Kiểm phiếu sau khi việc bỏ phiếu bầu cử của người dân hoàn tất |
2. Thành phố Thủ Đức - Thành phố đầu tiên của Thành phố trực thuộc Trung ương chính thức đi vào hoạt động
Ngày 9/12/2020, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TPHCM, ghi dấu ấn về việc lần đầu tiên thành lập “thành phố trong Thành phố trực thuộc Trung ương” của đất nước.
TPHCM tổ chức lễ công bố thành lập TP Thủ Đức trên cơ sở sát nhập 3 quận 2, 9, Thủ Đức |
Sự hình thành của TP Thủ Đức là sự thay đổi căn bản về cơ cấu tổ chức, hoạt động của TPHCM với mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16-11-2020 của Quốc hội.
3. TPHCM trải qua đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 khốc liệt nhất trong lịch sử
TPHCM trở thành tâm dịch của Việt Nam khi làn sóng thứ 4 đại dịch COVID-19 bùng phát. Thành phố triển khai đồng bộ các biện pháp ứng phó, phòng, chống dịch với phương châm 5 tại chỗ, tập trung vào các giải pháp gồm: Truyền thông, vận động, giám sát phát hiện sớm, cách ly kịp thời, khoanh vùng dập dịch triệt để, tổ chức điều trị hiệu quả.
TPHCM đã huy động tất cả các lực lượng tham gia chống dịch, trong đó có hơn 80.000 cán bộ y tế. Đây là sự huy động lớn nhất chưa từng có đối với đội ngũ ngành y tế. Nhu cầu được hỗ trợ, cung cấp thông tin của người dân tăng đột biến.
Để phòng tránh dịch bệnh lây lan, TPHCM lập nhiều chốt kiểm soát trong nội thành để hạn chế việc di chuyển của người dân |
Tổng đài 1022 phải mở rộng thành 7 kênh để đáp ứng các nhu cầu khác nhau, tổng số lượng cuộc gọi trong thời gian 5 tháng dịch hơn 2,1 triệu cuộc gọi, cao điểm lên đến 120.000 cuộc gọi/ngày. Số cuộc gọi đến tổng đài 115 dã chiến giai đoạn cao điểm có ngày lên đến 6.000 cuộc.
Nhờ thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp ứng phó phòng chống dịch Covid-19, đồng lòng thực hiện nghiêm nguyên tắc phòng, chống dịch từ Trung ương đến cơ sở, cao điểm là tăng cường thực hiện một số biện pháp giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ (từ ngày 23/8/2021 đến ngày 15/9/2021), tình hình dịch đã từng bước được kiểm soát và khống chế.
4. TPHCM ứng phó với phát sinh chưa từng có trong phòng chống dịch COVID-19
Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, với quyết tâm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, HĐND TPHCM đã ban hành 3 Nghị quyết về chăm lo, hỗ trợ đối với người dân, lực lượng tuyến đầu trên địa bàn TP có khó khăn, ảnh hưởng bởi đại dịch. TPHCM là địa phương đầu tiên của cả nước đưa ra 3 gói hỗ trợ với số lượng và giá trị gói hỗ trợ lớn, tận dụng các nguồn lực xã hội, khẩn trương triển khai các gói an sinh đến người dân cho đến khi chuyển sang trạng thái bình thường mới.
TPHCM nhanh chóng bao phủ vắc xin toàn dân, triển khai các trạm y tế lưu động và tổ y tế cộng đồng; tiến hành cách ly, theo dõi, điều trị người mắc COVID-19 tại nơi lưu trú…
TPHCM trao túi an sinh để hỗ trợ các hộ có hoàn cảnh khó khăn trong thời gian thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp giãn cách xã hội |
TPHCM đã tổ chức Lễ phát động "Phát huy sức mạnh toàn dân tham gia phòng chống dịch COVID-19", phong trào “lấy sức dân chăm lo cho dân” và ra mắt Trung tâm An sinh TPHCM, huy động tất cả những gì có thể từ nguồn ngân sách nhà nước, các nguồn lực xã hội, sớm triển khai các gói an sinh xã hội để người nghèo, người già neo đơn, lao động tự do, mất việc làm và tất cả những người khó khăn có cuộc sống bảo đảm cơ bản cho đến khi TPHCM chuyển sang bình thường.
Nhân dân, doanh nghiệp TPHCM đã chung sức, đồng lòng cùng với hệ thống chính trị tham gia các hoạt động phòng chống dịch hiệu quả, đóng góp sức người và sức của, từ triển khai các hoạt động thiện nguyện, hình thành các mô hình “siêu thị 0 đồng”, ATM gạo, ATM oxy, vaccine tinh thần, các giải pháp công nghệ thông tin, mạng lưới Thầy thuốc đồng hành… đến đóng góp kinh phí, trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất.
5. Cả nước vì Thành phố, cùng Thành phố vượt qua đại dịch COVID-19
Trong thời gian thực hiện kiểm soát triệt để, nghiêm ngặt việc giãn cách xã hội, người dân đã ủng hộ, chấp hành và tham gia thực hiện từ đường phố đến khu dân cư. Các lực lượng chủ lực (quân đội, công an, y tế) và lực lượng của TPHCM được triển khai nhanh chóng, kịp thời và đồng bộ.
Tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của hệ thống chính trị; nhân sĩ, trí thức, chức sắc, tu sĩ, tín đồ tôn giáo; doanh nhân, cán bộ nghỉ hưu, công nhân, nông dân, tiểu thương… cùng tình nguyện viên trong cả nước được huy động tổng lực để tham gia vào tất cả các lĩnh vực, các khâu của công tác phòng chống dịch. Dễ dàng nhận ra, chiến thắng đại dịch COVID-19 là chiến thắng của nhân dân.
Lực lượng quân đội đi chợ giúp dân trong thời gian giãn cách "Ai ở đâu, ở yên đó" |
Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cùng Bộ Y tế và các tỉnh, thành phố đã hỗ trợ TPHCM thành lập, đưa vào hoạt động bệnh viện dã chiến là một minh chứng sống động cho sự hiệp đồng tác chiến, không còn sự phân biệt giữa lực lượng vũ trang với dân sự, giữa Trung ương với địa phương, giữa chính quyền với doanh nghiệp trong cuộc chiến chống COVID-19, vì mục tiêu chiến thắng dịch COVID-19.
6. Chương trình “Dân hỏi - Thành phố trả lời” - Chương trình đối thoại đầu tiên của chính quyền cấp tỉnh với người dân trên nền tảng mạng xã hội
TPHCM là địa phương duy nhất tổ chức kết nối giữa chính quyền với nhân dân qua chương trình “Dân hỏi - Thành phố trả lời” trên các nền tảng mạng xã hội, thể hiện sự mạnh dạn, tiên phong trong cách làm, mong muốn lắng nghe, đối thoại với người dân của chính quyền TP.
Chương trình được Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM phối hợp với Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) thực hiện để chính quyền TPHCM lắng nghe, đối thoại, giải đáp những nhu cầu, bức xúc, nguyện vọng của người dân.
Chương trình đã trở thành một kênh cung cấp thông tin hiệu quả, chính xác, trực tiếp đến người dân, góp phần đẩy lùi tin giả, tin sai sự thật đang lan rộng như hiện nay.
Chương trình "Dân hỏi, Thành phố trả lời" đã trở thành kênh đối thoại quen thuộc giữa người dân và chính quyền TPHCM |
Qua 21 số phát sóng, chương trình đã thu hút được hơn 50 triệu lượt người tương tác, gần 220.000 bình luận. Hơn 1,6 triệu lượt đăng ký nhận hỗ trợ của người dân thông qua chương trình đã được Ban tổ chức gửi về các quận, huyện, TP Thủ Đức để xử lý, Nhờ đó góp phần thúc đẩy nhanh công tác giải ngân, cấp phát tiền hỗ trợ và túi an sinh cho người dân tại các địa phương.
7. Lễ tưởng niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã mất trong đại dịch COVID - 19 trang trọng, xúc động và thiêng liêng
Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với TPHCM tổ chức Lễ Tưởng niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã mất trong đại dịch COVID-19 lúc 20 giờ 30 phút ngày 19/11/2021.
Các tầng lớp nhân dân tưởng niệm cán bộ, chiến sỹ hy sinh và những đồng bào không may qua đời do đại dịch COVID-19 |
Đây là hoạt động đầy ý nghĩa thể hiện sự chia sẻ, động viên của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và toàn thể người dân Việt Nam trước những mất mát, đau thương của các gia đình, người thân và lan tỏa tình nhân ái cộng đồng.
Buổi lễ cũng nhằm tiếp tục động viên tinh thần các lực lượng tuyến đầu và nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân trong tham gia phòng chống dịch COVID-19; khích lệ tinh thần đại đoàn kết, ý chí của toàn dân tộc để cùng đồng lòng vượt qua khó khăn, thách thức.
Buổi lễ đã diễn ra trong niềm xúc động mạnh mẽ, tạo được sự lan toả, đồng cảm lớn của toàn xã hội, là một hoạt động nhân văn, nghĩa tình của người Việt Nam.
8. TPHCM quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, có nhiều điểm sáng về kinh tế
Với phương châm “Trong nguy nan luôn luôn có cơ hội”, song song công tác phòng chống dịch, TPHCM kiên quyết, kiên trì thực hiện thành công “mục tiêu kép”, kết hợp linh hoạt, sáng tạo, hài hòa, hiệu quả giữa phòng chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội.
TPHCM đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành với doanh nghiệp, nhà đầu tư để tháo gỡ các vướng mắc, xây dựng các chính sách kiến tạo phát triển là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính quyền TPHCM.
Trong điều kiện khó khăn bởi dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động sản xuất để duy trì, không để đứt gãy các chuỗi cung ứng |
Trong điều kiện dịch bệnh, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 370.483 tỷ đồng, đạt 101,3% dự toán năm. Bằng sự sáng tạo, thích ứng linh hoạt, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, điều hành, quản lý từ chính quyền nhà nước đến các hộ kinh doanh, doanh nghiệp đã giảm thiểu thiệt hại và đạt được kết quả khả quan trong hoạt động.
Tuy chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, vẫn có 5/9 ngành dịch vụ có mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 3.520, giảm 41,22% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 13.175, tăng 51,61% so với cùng kỳ. TPHCM giải quyết việc làm cho 300.437 lượt người, đạt 100,1% kế hoạch năm 2021.
9. Thế trận Quốc phòng toàn dân - An ninh Nhân dân, lực lượng vũ trang tham gia phòng chống dịch COVID-19, giữ vững an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn TPHCM
Lực lượng vũ trang TPHCM tập trung lực lượng cho công tác phòng chống dịch, nhưng vẫn đeo bám, kiên trì trấn áp tội phạm, có những hoạt động hiệu quả, thiết thực góp phần quan trọng giữ vững an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, bảo vệ bình yên cho nhân dân.
Hơn 2.000 vụ (nổi bật là việc triệt phá đường dây đánh bạc gần 4 tỷ USD) được điều tra, khám phá, từ đó bắt 2.081 đối tượng, tội phạm về trật tự xã hội, giảm 187 vụ so với cùng kỳ năm 2020. Tai nạn giao thông đường bộ, cháy nổ cũng giảm so với cùng kỳ năm 2020.
Lực lượng tại chốt kiểm soát dịch COVID-19 tham gia bắt cướp |
TPHCM tổ chức nhiều đợt ra quân tấn công, trấn áp các loại tội phạm, phát hiện và đấu tranh với tội phạm vi phạm pháp luật, triệt phá hàng chục vụ án ma túy lớn, xử lý nhiều vụ án vi phạm về quản lý kinh tế.
10. TPHCM tận dụng thời cơ, tăng tốc chuyển đổi số, đối ngoại sáng tạo để thích ứng linh hoạt
Dịch COVID-19 đã thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn TP. Trong thời gian chống dịch, các mô hình kinh doanh trực tuyến, hội nghị trực tuyến, dịch vụ internet, viễn thông…tăng đột biến.
Lần đầu tiên, hàng loạt giải pháp công nghệ đã được triển khai trên quy mô lớn trong thời gian ngắn nhất: Hệ thống khai báo y tế điện tử bằng mã QR; hệ thống quản lý tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; hệ thống bản đồ số; hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến từ Trung ương đến cấp phường, xã, thị trấn…
TPHCM đã ra mắt không gian sáng tạo và chuyển đổi số |
Nhiều địa phương xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh để phòng chống dịch và điều hành hoạt động. Bên cạnh đó, hạ tầng viễn thông được triển khai đến cấp phường, xã với mật độ phủ sóng cao nhất nước.
Hạ tầng trung tâm dữ liệu TPHCM được xây dựng trên nền tảng hạ tầng điện toán đám mây hiện đại. Hạ tầng viễn thông và di động 3G, 4G đã được phủ khắp TPHCM. 100% cấp xã, phường có hạ tầng mạng cáp quang và dịch vụ Internet băng rộng; TPHCM cũng đã thử nghiệm mạng 5G tại TP Thủ Đức.