Công trình cứu nguy cho các nhà máy năng lượng tái tạo chờ giải cứu

0:00 / 0:00
0:00
Công trình trạm biến áp 500 KV và các tuyến dây 500 KV/220 KV đầu tiên cả nước do tư nhân đầu tư nhằm tránh tình trạng giảm phát công suất cho các dự án điện gió, điện mặt trời khu vực Ninh Thuận - Bình Thuận đang gặp  nhiều khó khăn về kinh phí vận hành, duy tu...

Dự án Nhà máy điện mặt trời ĐMT 450 MW tại xã Phước Minh (huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) kết hợp Trạm biến áp (TBA) 500 KV và tuyến dây truyền tải 500 KV/220 KV do công ty TNHH ĐMT Trung Nam Thuận Nam làm chủ đầu tư (gọi tắt dự án 450 MW) được đưa vào vận hành thương mại vào ngày 1/10/2020.

Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), phần công suất ngoài phạm vi 2.000 MW (để được hưởng giá ưu đãi) từ dự án này là khoảng 172 MW, đến nay chưa được áp mức giá bán điện, cũng như chưa có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền. Hơn 1 năm qua, nhằm giảm thiệt hại cho nhà đầu tư, EVN đã kiến nghị và tiến hành khai thác phần công suất trên chờ đến khi có cơ chế giá.

Tuy nhiên, vừa qua, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) đã yêu cầu EVN thực hiện đúng quy định trong ký hợp đồng mua bán điện mặt trời. Vì vậy, EVN thông báo việc dừng khai thác phần công suất này từ ngày 1/1/2022.

Công trình cứu nguy cho các nhà máy năng lượng tái tạo chờ giải cứu ảnh 1

Trạm biến áp 500 KV đầu tiên do tư nhân đầu tư trị giá gần 2.000 tỷ và bàn giao cho nhà nước với giá 0 đồng

Mới đây, trong một văn bản kiến nghị gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Ninh Thuận cho biết, Nhà máy ĐMT công suất 450 MW tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam (dự án 450 MW) ra đời trong bối cảnh ngân sách chưa cân đối được nguồn lực đầu tư các công trình truyền tải điện để giải phóng công suất 2.000 MW ĐMT trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Để khắc phục tình trạng giảm phát các dự án năng lượng tái tạo, giảm thiệt hại cho các nhà đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung dự án 450 MW vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng, trong đó hạng mục TBA 500 KV Thuận Nam và các đường dây 500 KV, 220 KV đấu nối vào hệ thống lưới điện quốc gia trị giá gần 2.000 tỷ đồng, được nhà đầu tư bàn giao cho EVN quản lý, vận hành với giá 0 đồng nhằm giải toả công suất các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh.

Theo đánh giá của Đoàn ĐBQH, sau hơn 1 năm đi vào hoạt động thương mại, dự án này đã đóng vai trò quan trọng trong việc giải toả công suất các nhà máy điện gió, ĐMT khu vực Ninh Thuận – Bình Thuận thông qua TBA 500 KV Thuận Nam và đường dây 500 KV Thuận Nam – Vĩnh Tân với tổng quy mô công suất 1.800 MW.

Công trình cứu nguy cho các nhà máy năng lượng tái tạo chờ giải cứu ảnh 2

Văn bản kiến nghị của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Việc hoàn thành, đưa vào sử dụng TBA 500 KV Thuận Nam và các đường dây đấu nối 500 KV, 200 KV còn góp phần hiện thực hoá Nghị quyết số 31/2016/QH 14 của Quốc hội, Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ đưa Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo quốc gia, từ đó cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh.

Tuy nhiên, trong quá trình vận hành để giảm thiệt hại cho các dự án khác thì bản thân dự án 450 MW lại lâm vào cảnh khó khăn. Theo Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận, trong thời gian chờ bàn giao TBA 500 KV Thuận Nam, theo yêu cầu của Bộ Công Thương, chủ đầu tư vẫn tham gia hỗ trợ truyền tải cho các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận và chịu chi phí truyền tải cho TBA 500 KV Thuận Nam.

Doanh thu của dự án 450 MW hiện nay chỉ xác định được một phần do giá bán điện của dự án chỉ được xác định với phần công suất thuộc quy mô 2.000 MW ĐMT (khoảng 277,88/450 MW), dẫn đến việc gây khó khăn và áp lực rất lớn cho nhà đầu tư trong chi trả lãi vay Ngân hàng theo phương án tài chính đã được phê duyệt.

Theo Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận, việc dừng khai thác phần công suất chưa có cơ chế giá điện (172,12 MW) khiến nhà đầu tư gặp khó khăn trong thu xếp tài chính để trả nợ vay ngân hàng, cũng như bố trí nguồn kinh phí để vận hành, duy tu hoạt động của hệ thống truyền tải TBA 500 KV Thuận Nam và các đường dây đấu nối 500 KV, 220 KV.

Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận kiến nghị ưu tiên khai thác tối đa công suất dự án 450 MW, tiếp tục huy động đối với phần công suất chưa xác định giá, đồng thời sớm xem xét bổ sung mức giá bán điện 7,09 UScent/KWh đối với phần công suất ngoài phạm vi 2.000 MW nhưng vận hành, phát điện thương mại (COD) trước ngày 31/12/2020.

MỚI - NÓNG