Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2014, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc Hội Nguyễn Văn Hiện cho biết, các bộ ngành địa phương đã nỗ lực trong việc tăng cường thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phòng ngừa tham nhũng và đạt được kết quả quan trọng.
Tuy vậy, tình trạng lợi dụng truyền thống văn hóa về quà tặng, cảm ơn, hiếu hỷ để đưa hối lộ vẫn diễn ra nhưng rất ít người nộp lại quà biếu, quà tặng. Trong năm 2014, cả nước chỉ có 32 trường hợp nộp lại quà biếu, quà tặng với tổng giá trị là 791 triệu đồng.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng, việc kiểm soát thực tế tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn còn rất hạn chế do thiếu cơ sở pháp lý để theo dõi, xác minh, xử lý đến cùng đối với tài sản, thu nhập tăng lên một cách bất thường mà người có tài sản không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp. Trong khi đó việc kê khai tài sản, thu nhập cũng chưa có cơ chế kiểm soát hữu hiệu để phát hiện, xử lý nghiêm minh đối với cán bộ, công chức, viên chức kê khai thiếu trung thực.
Năm 2014, kết quả xử lý tham nhũng năm nay đã nghiêm minh và khẩn trương hơn. Nhiều vụ án tham nhũng lớn đã được xét xử và tuyên hình phạt nghiêm khắc đối với người phạm tội, được quần chúng nhân dân đồng tình, có tác dụng răn đe, phòng ngừa chung. Điều đáng lưu ý là tình trạng người có hành vi tham nhũng được hưởng án treo, cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc đình chỉ vụ án giảm đáng kể so với năm 2013 và các năm trước đó.
Tuy nhiên, tình hình tham nhũng trong khu vực công vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, nhất là trên các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tín dụng, quản lý, sử dụng đất, quản lý vốn và tài sản của nhà nước. Trong năm, Cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, Bộ Công an tiến hành điều tra 24 vụ án với 184 bị can.
Cục điều tra, Viện kiểm sát nhân dân tối cao khởi tố, điều tra 14 vụ án tham nhũng xảy ra trong hoạt động tư pháp. Vụ 1B, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tiến hành truy tố 12 vụ với 80 bị can liên quan tới tham nhũng.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, hiệu quả hoạt động của các đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng ở trung ương vẫn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự mong đợi của nhân dân.
Tình trạng xử lý kỷ luật hành chính, chuyển sang tội danh có khung hình phạt nhẹ hơn hoặc áp dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ đối với các hành vi tham nhũng vẫn chưa được các cơ quan chuyên trách kiểm tra, kiểm sát chặt chẽ để bảo đảm việc xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.
Dù đã có nhiều giải pháp nhưng phát hiện tham nhũng vẫn là khâu yếu đã kéo dài nhiều năm. Số vụ tham nhũng phát hiện được còn ít, chủ yếu ở cấp xã, phường; nhiều vụ án lớn được điều tra, truy tố, xét xử năm nay đều đã được phát hiện từ những năm trước.
Việc thu hồi, xử lý tài sản sai phạm phát hiện qua xử lý các vụ tham nhũng tham nhũng vẫn đạt tỷ lệ thấp. Do vậy, Ủy ban Tư pháp cho rằng, thực trạng phát hiện và xử lý một số vụ tham nhũng, thu hồi tài sản trong các vụ tham nhũng vẫn chưa thực sự tạo được niềm tin vững chắc của nhân dân vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, Ủy ban Tư pháp chỉ rõ, số cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất, tiêu cực, tham nhũng vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để thanh lọc, loại bỏ hoặc trừng trị. Vì vậy, tình trạng suy thoái đạo đức của một bộ phận cán bộ, công chức vẫn diễn ra, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo.
Ngoài ra, vẫn còn tình trạng bao che, dung túng cho hành vi tham nhũng của cán bộ do mình quản lý… Ủy ban Tư pháp cho rằng, những nguyên nhân trên đây cần được đánh giá làm rõ, nhất là về mặt chủ quan để tìm ra giải pháp khắc phục phù hợp, có hiệu quả trong thời gian tới.
Theo Quang Phong