> Chưa tìm thấy thi thể 3 công nhân
> Bài học đắt giá về quản lý hồ đập!
Thi công ì ạch, không theo thiết kế
Dự án Nhà máy thủy điện La Hiêng 2 có công suất 18MW gồm 2 tổ máy, tổng vốn đầu tư hơn 500 tỷ đồng, do Cty CP VRG Phú Yên (thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam) làm chủ đầu tư. Đơn vị thi công tổng thầu là Cty TNHH Tập đoàn xây dựng thủy điện số 1 Chiết Giang (Trung Quốc).
Theo kế hoạch, nhà máy sẽ phát điện lên lưới quốc gia vào cuối năm 2011, nhưng đến nay vẫn đang thi công ì ạch theo kiểu cầm chừng. Trong đó chậm nhất và mất an toàn thi công là hệ thống đường hầm dẫn nước vào tuabin.
Theo ông Trần Văn Út, Tổ trưởng Tổ giám sát thi công (đơn vị chủ đầu tư): “Đường hầm nhà máy dài 3.636m, được thi công đấu nối hai đầu. Trong đó, phía nhà máy đã đào được 1.863m, bên cửa nhận nước đào được 1.706m, còn khoảng 100m là thông tuyến.
Trong quá trình thi công đến ngày 26/9 đã xảy ra tai nạn làm 2 người Việt Nam là anh Nguyễn Công Lệnh (26 tuổi) và anh Nguyễn Thanh Cương (26 tuổi) đều trú huyện Đồng Xuân và một người Trung Quốc tên là Zho Ming Shu (51 tuổi) tử vong”.
Dự án Nhà máy thủy điện La Hiêng 2 chiếm diện tích đất hơn 171.000 ha tại xã Phú Mỡ. Trong đó đất rừng trên 97.000 ha. Dự án khai thác nước suối La Hiêng là nhánh suối cấp 1 của sông Kỳ Lộ, dùng đập dâng chặn dòng để tích nước vào hồ chứa, với lưu lượng nước khai thác lớn nhất để phát điện là 17,04m3/s. |
Trong khi đó, ông Hoàng Trọng Trọng, Phó GĐ Sở Công thương Phú Yên, nhận định: “Không những hệ thống đường hầm được nhà thầu thi công theo kiểu thủ công, chắp vá, một số hạng mục cũng được tự ý xây dựng. Nhất là, đơn vị thi công đã cho xây đập tràn trước khi hoàn thành hạng mục đường hầm nhận nước là sai với quy trình thiết kế kỹ thuật. Trong khi đó, đê bao chắn lũ bờ suối La Hiêng ở phía cửa nhận nước lại không có; cửa thoát lũ dưới đáy bờ tràn quá nhỏ, không khác gì ống cống dẫn nước mương thủy lợi nội đồng. Đây là nguyên nhân chính khiến 3 công nhân đang thi công trong hầm bị nước lũ tấn công đột ngột, đều tử vong khi không có lối thoát hiểm. Hệ thống đường nội bộ công trình nhỏ còn dẫn đến nguy cơ mất an toàn công trình, an toàn lao động và liên tục bị sự cố”.
Hàng loạt sai phạm
Ông Nguyễn Danh (cha ruột của nạn nhân Nguyễn Công Lệnh) lái xe chở đất đá thuê cho nhà thầu người Trung quốc, cho biết: “Tôi làm thuê được 6 ngày, còn Lệnh làm được 210 ngày thì xảy ra tai nạn. Nhà thầu Trung Quốc chỉ hợp đồng miệng và thỏa thuận với Lệnh mức lương 12 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, điều kiện làm việc không có bảo hộ lao động, làm việc bất cứ thời gian nào khi họ yêu cầu”.
Đường hầm dẫn nước nhà máy thi công với nhiều sai sót. |
Kết quả kiểm tra của Bộ TN&MT vào tháng 1/2013, diện tích đất phụ trợ công trình này đang sử dụng đã hết thời hạn thuê đất nhưng chưa hoàn chỉnh hồ sơ gia hạn, chưa thuê đất đối với đất xây dựng hạng mục đường dây trung áp và trạm biến áp. Đặc biệt là chưa thu thập số liệu chặt chẽ tình hình diễn biến khí tượng thủy văn và sổ theo dõi ghi chép để phục vụ vận hành hồ chứa theo quy định.
Qua kiểm tra, Thanh tra Bộ TN&MT đã đề nghị các đơn vị liên quan nghiêm túc khắc phục sai phạm, tồn tại. Đồng thời yêu cầu chủ đầu tư tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa và đập dâng, đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu phía hạ du và đoạn sông suối sau đập dâng, cũng như phải lắp đặt hệ thống cảnh báo nguy hiểm tại những nơi có nguồn nước thủy điện để đảm bảo an toàn… Tuy nhiên, phía chủ đầu tư và đơn vị thủy công lại phớt lờ và không tuân thủ kiến nghị trên của Bộ này.