Không thể dễ dãi với tính mạng con người

Không thể dễ dãi với tính mạng con người
TP - Không thể dễ dãi với ngành khoa học liên quan tính mạng con người. Đó là ý kiến của ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y - Dược (ĐH Thái Nguyên) về hiện trạng đào tạo ngành y tràn lan hiện nay trong cuộc trao đổi với phóng viên Tiền Phong.

> Vì sao có tình trạng vô đạo đức như vậy?
> Bộ trưởng Y tế “tâm sự” với sinh viên Đại học Y Hà Nội

Theo ông, việc đào tạo nguồn nhân lực ngành y đòi hỏi những điều kiện đặc biệt nào?

Thời gian đào tạo dài nhất (6 năm). Nhưng đó mới chỉ là học xong để có bằng bác sĩ và thường chưa làm việc được ngay mà phải học thêm chuyên khoa định hướng mất 1 năm, chuyên khoa cấp 1 mất 2 năm. Tất cả là 9 năm mới có thể vững vàng để vào nghề. Tuy nhiên, sau đó bác sĩ vẫn phải học thêm chuyên khoa cấp 2, tiến sĩ, và học tiếp. Ngành này ở các nước khác đòi hỏi học đến 11 năm.

Chương trình đào tạo cũng đòi hỏi những điều kiện đặc biệt: chương trình đào tạo không chỉ liên quan đến kiến thức của mấy môn Toán, Hóa, Sinh dù là 26, 27 điểm mới được vào ngành y, nghe có vẻ vinh dự nhưng đó mới là điều kiện cần chứ chưa đủ. Muốn làm được bác sĩ, người học còn cần có kiến thức về xã hội, nhân văn... Chương trình đào tạo đặc thù của ngành y gắn với chương trình thực hành rất nhiều: phòng thí nghiệm, ngoài cộng đồng và bệnh viện. Điều đó liên quan đến cơ sở vật chất phục vụ đào tạo… Vì vậy không phải trường nào cũng đào tạo ngành y được và không phải bệnh viện nào cũng đủ tiêu chuẩn thực hành do Bộ Y tế quy định.

Sinh viên ĐH Y-Dược Thái Nguyên trong giờ thực hành
Sinh viên ĐH Y-Dược Thái Nguyên trong giờ thực hành.

Hiện có nhiều trường bắt đầu được cấp phép đào tạo ngành y ông nghĩ sao?

Có rất nhiều trường ĐH công lập hoặc ngoài công lập đào tạo đa ngành mở thêm ngành y, một số trường chỉ có 1-2 bác sĩ cũng muốn đào tạo ngành y… Có thể do người ta thấy chỉ cần một người có trình độ sau đại học và còn lại chỉ cần tốt nghiệp đại học là mở được ngành, dễ dàng quá! Có thể đó là lý do, hiện nay, có nhiều trường, thậm chí như ĐHQG cũng cho ra đời khoa Y-Dược, trường dân lập cũng mở ra một lớp để đào tạo nghề y.

Cơ hội việc làm giữa các sinh viên tốt nghiệp ở các trường đào tạo chuyên ngành y và các trường đào tạo đa ngành có như nhau không, thưa ông?

Chưa có cơ quan đánh giá nên khó mà nói về chất lượng từng trường nhưng hiện nay, cứ bác sĩ ra trường là được nhận và hầu như không có bác sĩ thất nghiệp-không làm việc tại bệnh viện nhà nước thì tại phòng khám tư. Tuy nhiên, trong tương lai xa, những nhà tuyển dụng lao động sẽ biết về chất lượng đào tạo. Nhưng cũng còn phải dài dài mới nhận ra điều đó vì cơ chế tuyển người của ta hiện nay có phải người giỏi là được nhận vào làm đâu! (cười).

Vậy có lẽ ngành y đang thiếu nhân lực?

Vấn đề là người ta cứ nói thiếu một cách chung chung trong khi có không ít bác sĩ đi làm trình dược viên hoặc không muốn về địa phương mà nằm lại thành phố để chờ chỉ tiêu. Ngay ở Bệnh viện Việt - Đức, có hàng chục bác sĩ nằm chờ 4-5 năm thậm chí 6-7 năm trời để có biên chế nhưng vẫn... không có.

Tính đến cuối năm 2012, cả nước có 26 cơ sở đào tạo nhân lực y tế trình độ đại học, 74 trường cao đẳng và 44 trường trung cấp và dạy nghề. Ông có bình luận gì về con số này?

Con số lớn quá, trường đã được mở ra quá ào ạt. Đã có câu hỏi đặt ra rằng sau 3-5 năm nữa nguồn nhân lực ngành y tế không biết đặt vào đâu? Tại một hội nghị đào tạo nhân lực ngành y tế, có người đã dẫn ví dụ: cứ 10 ngày 1 trường ĐH lại được mở ra và trong năm vừa qua hơn 150 trường ĐH được thành lập!

Vậy thưa ông, giải pháp cho vấn đề đào tạo ngành y là gì?

Bất cập lớn hiện nay là các trường của ta đang sống kiểu năm cha ba me: có trường thuộc Bộ Y tế, trường thuộc Bộ GD&ĐT; trường trực thuộc tỉnh, trường trực thuộc Sở Y tế... Nếu trường trực thuộc Bộ Y tế thì mở mã ngành rất khó khăn; nếu trường nằm ngoài quản lý của Bộ Y tế thì mở mã ngành rất dễ dàng, đặc biệt các trường ngoài công lập. Vì vậy, các trường đào tạo nhân lực ngành y nên có sự quản lý của Bộ Y tế.

Cần quy định rõ điều kiện như thế nào mới được mở ngành đào tạo y khoa. Tình trạng trường trung cấp phấn đấu lên cao đẳng non; cao đẳng phấn đấu lên đại học yếu thì làm sao có thể đào tạo được ngành đặc thù này! Kiểm tra điều kiện cũng nên đi kèm với kiểm định chất lượng.

Đặc biệt cũng cần giải quyết tốt bài toán khó các cơ sở đào tạo cán bộ y tế: máy cái không tốt thì sản phẩm không tốt! Vì vậy, cần có chế độ đủ tốt cho các thầy cô giáo.

Cuối cùng, quan trọng nhất là hậu kiểm. Cần tránh để xảy ra tình trạng 1 thầy công lập có trong danh sách 4-5 trường ngoài công lập hay thậm chí giáo viên đã qua đời vẫn có tên trong danh sách cán bộ giảng dạy cơ hữu của một trường nào đó -danh sách người ta cứ đưa về Bộ, nếu Bộ không kiểm tra thực tế thì sao biết thầy còn hay mất, có thầy hay không?

Cảm ơn ông.

Phó Hiệu trưởng ĐH Y Thái Bình, Nguyễn Quốc Tiến: Cần siết chặt đào tạo ngành Y

Có nhiều cơ sở đào tạo thành lập khoa y để đào tạo nhưng lại đi mượn cơ sở vật chất, trang thiết bị của cơ sở khác về đặt để kiểm định cho đủ điều kiện và khi đào tạo không có gì cả!

Mặc dù Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo là không thể cơm chấm cơm mà các thầy thuốc phải có trình độ sau đại học mới đủ trình độ giảng dạy cho sinh viên nhưng hiện nay có rất nhiều nơi không đủ tiêu chuẩn: không đủ giáo viên, không đủ thiết bị phục vụ cho thực tập, thiếu cơ sở thực hành... Cần phải siết chặt đào tạo ngành y trong thời gian tới -không phải thiếu mà cứ đào tạo tràn lan!

Hồ Thu
Thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG