Thủ đô ngàn lẻ một năm

Thủ đô ngàn lẻ một năm
TP - Hôm nay, 10-10, ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954), Hà Nội bước qua năm đầu tiên của thiên niên kỷ thứ hai, tính từ khi vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra đất rồng bay.

> Hà Nội tôn vinh 1.000 gương “Người tốt, việc tốt”

Nhìn lại lịch sử, Thăng Long-Hà Nội với quá trình hình thành, phát triển lâu đời và uy tráng, có thể sánh ngang với những thành phố thủ đô nổi tiếng suốt chiều dài lịch sử trên thế giới như Paris,
Bắc Kinh…

Theo sử sách, cái tên Hà Nội với nghĩa “ở trong sông” bắt đầu được sử dụng từ năm 1831, dưới thời vua Minh Mạng. Trải qua bao biến đổi, thăng trầm, lúc là kinh đô, khi đóng vai trò một trung tâm của vùng đồng bằng Bắc Bộ, vào thời điểm năm 1954, khi chúng ta tiếp quản Hà Nội, thành phố có 53.000 dân, trên một diện tích 152km2 với 4 quận nội thành, 34 khu phố và 45 xã ngoại thành.

Trong các thập kỷ từ 60-90 của thế kỷ trước, Hà Nội tiếp tục có những biến động về diện tích và dân số qua các lần tách-nhập. Để rồi, sau đợt mở rộng địa giới gần đây nhất vào tháng 8 -2008, Hà Nội trở thành thành phố lớn nhất cả nước về diện tích và đứng thứ hai về dân số, sau TPHCM. Tính đến năm 2009, Hà Nội có gần 6,5 triệu người, trong đó dân số thành thị chiếm 41,1%, cư dân nông thôn chiếm 58,1%.

Hà Nội nằm trong 17 thành phố, thủ đô lớn nhất thế giới với mật độ dân số 3.500-4.000 người/km2, tương đương Paris (Pháp), London (Anh), Tokyo (Nhật Bản), Bắc Kinh (Trung Quốc).

Mặc dù sánh ngang với năm châu về diện tích và dân số, sự hiện đại, văn minh của thủ đô Hà Nội vẫn còn tụt lại một quãng dài so với các siêu đô thị trên thế giới. Dù thu nhập bình quân đầu người đã đạt 2.000 USD, mức cao của cả nước, sự phát triển của thủ đô có chênh lệch rất lớn giữa khu vực đô thị và vùng ngoại thành, nơi có tới gần 60% dân thủ đô sinh sống, và chắc chắn còn kém xa mức sống ở các nước phát triển.

Trong khi đó, việc tăng dân số quá nhanh cùng quá trình đô thị hóa thiếu quy hoạch tốt đã khiến Hà Nội trở nên chật chội, ô nhiễm và giao thông thường xuyên ùn tắc. Nhiều di sản phố cổ đang dần biến mất, thay vào đó là những ngôi nhà ống nằm lộn xộn trên các con phố, thậm chí trên những con đường mới mở đã xuất hiện nhà siêu mỏng, siêu méo, làm vẹo vọ gương mặt đô thị.

Dù tốc độ đô thị hóa của Hà Nội đang ở mức chóng mặt, quy hoạch thiếu tính liên kết, đồng bộ đang lộ ra ở những nơi lẽ ra có nhiều cơ hội sửa chữa sai lầm quy hoạch trong quá khứ: Còn bao điều bất cập mà thủ đô đang phải đối mặt, và để có một Hà Nội hòa bình, văn minh, hiện đại xứng đáng với kỳ vọng của người dân cả nước, chính quyền đô thị thủ đô đang phải vượt lên chính mình, gỡ bỏ lực cản, chấp nhận thách thức...

Sẽ có một Hà Nội của 10 năm, 20 năm tới nguy nga, tráng lệ mà bên trong nó hàm chứa bề dày ngàn năm văn hiến. Không là chuyện thần thoại ngàn lẻ một đêm, người Hà Nội đang viết câu chuyện ngàn lẻ một năm huyền thoại từ bây giờ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.