Mất nghĩa đồng bào …

Mất nghĩa đồng bào …
TP - “Cũng là người làm công, ai lại đâm chúng em…” – câu nói đau lòng nhất, và đẫm máu nhất trên báo chí tuần qua, từ những nữ công nhân vừa thoát chết trong gang tấc sau vụ bảo vệ Công ty Giai Đức (Chương Mỹ - Hà Nội) lái xe đâm thẳng vào đám đông đang đình công một cách ôn hòa đòi cải thiện đời sống tối thiểu cho người lao động. Hậu quả nặng nề: 1 nữ công nhân chết, 6 nữ công nhân bị thương nặng, trong đó có người đang mang thai đến tháng thứ 7.

Người đàn bà bỏ mạng trong vụ cố ý giết người ấy, để lại một đời sống nhọc nhằn với 2 đứa con dại cùng một đống nợ nần.

Tìm hiểu, được biết đây là doanh nghiệp 100% vốn Đài Loan, chuyên sản xuất phụ tùng xe gắn máy, tận dụng nhân công Việt Nam với giá bèo, mức lương chỉ trên dưới 1 triệu đồng/1 tháng. Cho dù chức năng đầy đủ của cái doanh nghiệp hoàn toàn vốn nước ngoài mang cái tên đầy “nhân đức” này là chuyên sản xuất “vật liệu đặc biệt”, thì cũng không bao giờ có vật liệu đặc biệt nào có thể thay thế con người…

Nỗi đau đồng bào sau vụ việc này, sẽ không bao giờ phôi phai. Cũng như một doanh nghiệp trẻ ở Quảng Bình, vừa thuê cả lò võ đánh bị thương hàng chục người dân chân lấm tay bùn, khi họ đang đòi hỏi quyền lợi chính đáng. Cũng phần nào tương tự như trường hợp kỹ sư Lê Văn Tạch, qua phán quyết của công đoàn Toyota Việt Nam …

Trên báo chí cuối tuần qua, người đọc nhẹ lòng với thông tin chuẩn bị ra mắt Nghiệp đoàn tàu cá Hoàng Sa - Trường Sa tại dải đất miền Trung nghèo khó Quảng Ngãi. Riêng mảnh đất đầy dông bão với địa đầu Lý Sơn này, bao nhiêu năm qua có đến trên 4 vạn ngư dân vẫn kiên cường bám trụ nơi đầu sóng Hoàng Sa - Trường Sa của Tổ quốc. Để mưu sinh. Và để dựng những cột mốc sống khẳng định chủ quyền, bất chấp hàng ngàn những cuộc bắt giữ, đánh đập, truy đuổi, ngăn cản vô lý từ phía nước ngoài. Những ngư dân ấy sẵn sàng quăng xuống biển tất cả sản vật vừa đánh bắt được, kể cả ngư lưới cụ và những thiết bị lên tới cả tỷ đồng, chỉ để cứu vớt bạn chài của mình giữa cơn phong ba thiên tai và nhân tai nguy khốn. Những ngư dân lao khổ ấy, từ lâu đã ngầm được người dân đất nước mình dựng tượng đài, trong mỗi tấm lòng …

Như những công nhân công ty Giai Đức, không ai đề phòng người đồng bào của mình. Những đồng bào vốn đồng cam cộng khổ, sẵn lòng san sẻ với nhau trong đời sống, thậm chí sẵn sàng khi hy sinh Tổ quốc lâm nguy. Nhưng lại có những kẻ, như nhân viên bảo vệ của công ty nọ, coi khinh, thậm chí sẵn sàng chà đạp lên mạng sống của đồng loại

Cái mất đi, nghĩ cho cùng, nhiều khi không chỉ là mạng sống. Mà cao hơn thế, đó là để vuột đi nghĩa đồng bào.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.