> Yêu cầu Keangnam Vina dừng thu phí trông giữ ô tô
Chủ nhân các căn hộ chung cư cao cấp Orien (quận 4) bức xúc căng băng rôn phản đối chủ đầu tư. Ảnh: LT. |
Sập trần, rơi thang máy
Trưa 23-6, một mảng trần thạch cao có diện tích khoảng 30m2 trong phòng khách của căn hộ A1905 (tầng 19, chung cư Quốc Cường Gia Lai, đường Trần Xuân Soạn, quận 7, TPHCM) do chị Nguyễn Vân Anh (34 tuổi) làm chủ bất ngờ đổ sập xuống, lấp nhiều vật dụng như quạt, tivi, tủ, salon.
Căn hộ A1905 có diện tích hơn 130 m2 gồm 3 phòng ngủ, 2 nhà vệ sinh, một phòng khách và một nhà bếp, được mua với giá trên 2 tỷ đồng. Chị Anh mới dọn về ở gần 2 tháng thì sự cố xảy ra. “Mảng thạch cao được gắn bằng các thanh nhôm mỏng, yếu ớt, phía trên là hệ thống dây điện chằng chịt, rất dễ bị sập nếu gió lùa vào” - Chị Vân Anh lo lắng.
Làm việc với Ban quản lý (BQL) tòa nhà, chị Vân Anh và chủ nhân một số căn hộ còn phản ánh nội thất căn hộ không đúng theo hợp đồng, bồn cầu nhiều lần bị nghẹt, mỗi khi trời mưa, nước tạt vào nhà làm ướt sàn gỗ… Sự cố sập trần căn hộ cao cấp xảy ra khá phổ biến ở nhiều nơi.
Ông Đỗ Ngọc Bình, chủ căn hộ 14C4 chung cư Orien (số 331 Bến Vân Đồn, phường 1, quận 4, TPHCM do Công ty Cổ phần thủy sản số 4 làm chủ đầu tư) kể: “Chỉ trong 3 tháng từ khi dọn về chung cư, thang máy hai lần bị rơi tự do rồi đột ngột ngưng hoạt động. Bên trong thang máy không có điện thoại. Cả hai vợ chồng bị giam hơn 1 giờ, không ai nghe thấy tiếng kêu cứu để đến giúp”.
Căn hộ cao cấp, chất lượng...bình dân
Đến nay, sau gần một năm dọn về ở, gần 100 hộ dân ở chung cư Orient Apartment vẫn chưa an cư. Nhiều hộ dân bất bình cho biết, dù được gọi là chung cư cao cấp, giá bán mỗi căn lên đến vài tỷ đồng nhưng tòa nhà không có thang máy xuống tầng hầm, trong nhiều căn hộ không có sóng điện thoại, hệ thống an ninh không đảm bảo…
Bà Nguyễn Thị Bích Thảo và các hộ dân tại lầu 3 bất bình: Nước thải, bọt xà bông từ máy giặt của các hộ khác đều đổ qua nhà tôi trước khi chảy xuống ống thoát nước. Khi trời mưa lớn, nhiều căn hộ dù ở lầu ba nhưng cũng ngập lênh láng do nước. Căn hộ 3C4 vừa được thay mới toàn bộ ván sàn. Trao đổi với báo chí, đại diện chủ đầu tư thừa nhận: Nước tràn ngược, chảy vào căn hộ là ngoài ý muốn, có thể do lỗi ở khâu thiết kế.
Ghi nhận tại nhiều chung cư cao cấp ở TPHCM, chủ nhân các căn hộ phản ánh rất nhiều, như chất lượng của căn hộ không đúng như quảng cáo của chủ đầu tư tường bị bong tróc, nứt, khi dọn đến ở, khách hàng phải chi thêm rất nhiều tiền để “tân trang” lại nhà, hành lang đầy rác, bẩn hôi thối, công suất thang máy không phù hợp quy mô tòa nhà, người dân phải lên xuống bằng thang bộ.
Có nhiều căn hộ, các thiết bị nội thất bên trong sử dụng vật liệu không đúng như quảng cáo như cửa gỗ thay vì cửa sắt chống cháy. Có chủ đầu tư bàn giao căn hộ hoàn thiện nội thất nhưng không điện, không nước, không vỉa hè còn tầng hầm để xe thì ngập nước mỗi khi mưa.
Ngay như khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7, TPHCM) - một trong các khu đô thị mới cao cấp nhất trong cả nước cũng không là ngoại lệ. Vừa qua, bà Phạm Thị Kim Anh mua căn hộ A1-6 Hưng Vượng 2 và chuyển vào ở chưa bao lâu thì phát hiện nước hôi thối từ trần nhà nhỏ giọt xuống phòng ngủ.
Tìm hiểu mới hay theo thiết kế, căn hộ tầng trên có 2 nhà vệ sinh nằm ngay phía trên phòng ngủ của căn hộ A1-6. Bà Anh sống trong điệp khúc “sửa - thấm, thấm - sửa”.
Theo Sở Xây dựng TPHCM, đến 2015, TPHCM sẽ tháo dỡ 30 chung cư cũ, triển khai 30 dự án xây dựng chung cư cao tầng với 21.700 căn hộ. Hầu hết dự án phân bố ở quận 5, 10, Bình Thạnh. Tính đến đầu năm 2011, TPHCM đã sửa chữa, cải tạo, di dời, tháo dỡ và đầu tư xây dựng 62 chung cư gồm 112 lô, trong đó có 26 lô được xây dựng hoàn thành và 54 lô được sửa chữa cải tạo. |