Đài Loan, Nhật Bản dẫn đầu
Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, 2014 là năm đầu tiên Việt Nam đưa được 106.840 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, thị trường Đài Loan tiếp nhận nhiều người lao động (NLĐ) Việt Nam nhất: 62.000 người. Ông Tống Hải Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho biết, nguyên nhân là từ cuối năm 2011 đến nay, Đài Loan có nhiều chính sách phát triển kinh tế và thúc đẩy việc làm, nên lao động nước ngoài gia tăng hằng năm. “Đặc biệt, để đảm bảo lao động trong nước, Thái Lan, Indonesia, Philippines... giảm dần việc đưa lao động sang Đài Loan. Đây là cơ hội lớn để lao động Việt Nam được tiếp nhận nhiều trong năm nay”, ông Nam nói.
Theo ông Nam, Đài Loan là thị trường dễ tính, tiếp nhận nhiều lao động phổ thông. Lương cơ bản cũng khá cao 10 - 15 triệu đồng/tháng. Đây cũng là thị trường có hành lang pháp lý bảo vệ NLĐ tương đối đầy đủ. Theo ông Nam, năm 2015, dự báo nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài của Đài Loan sẽ tiếp tục tăng cao.
Với thị trường Nhật Bản, ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết, từ 2010 đến 2014, Việt Nam đưa được gần 42.000 thực tập sinh. “Riêng trong hai năm 2013-2014, số lượng thực tập sinh của Việt Nam sang Nhật Bản đã tăng vọt, đạt mức trên 10.000 người năm 2013, gần 20.000 người năm 2014”, ông Hòa nói.
“Bộ LĐ-TB&XH sẽ tập trung cải cách thủ tục hành chính để thực hiện nhanh, giảm phiền hà, nhũng nhiễu NLĐ khi làm thủ tục đi làm việc ở nước ngoài. Thực hiện chính sách hỗ trợ NLĐ vay vốn để trang trải chi phí học nghề, ngoại ngữ, lệ phí, ký quỹ... khi tham gia XKLĐ”.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa
Theo ông Hòa, nhu cầu tuyển dụng lớn nhất của thị trường Nhật Bản đối với lao động Việt Nam là thực tập sinh kỹ năng vừa học vừa làm trong thời gian tối đa 3 năm. Trước đây, thực tập sinh Việt Nam được Nhật Bản tiếp nhận chủ yếu trong các ngành cơ khí, điện tử, dệt may. Trong khoảng 3 năm gần đây, Nhật Bản tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam trong hầu hết các ngành nghề từ xây dựng, cơ khí, nông nghiệp đến chế biến thực phẩm, dệt may, trong đó, nhu cầu với các ngành xây dựng, nông nghiệp, chế biến thực phẩm tăng mạnh. Ngoài ra, để chuẩn bị cho Thế vận hội Tokyo (tổ chức năm 2020), từ 2015 đến 2020, Nhật Bản dự kiến tiếp nhận số lượng lớn thực tập sinh xây dựng và xem xét việc tiếp nhận lại các thực tập sinh xây dựng đã hoàn thành hợp đồng về nước.
Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, ngoài thực tập sinh, Nhật Bản đang chú trọng tiếp nhận lao động có trình độ cao như: kỹ sư thiết kế, kỹ sư cơ khí, điều dưỡng, hộ lý đến từ Việt Nam. “Nếu sang Nhật làm điều dưỡng có thể nhận mức thu nhập cao từ 34-37 triệu đồng/tháng, 37-40 triệu đồng/tháng với hộ lý”, ông Quỳnh nói.
Mở rộng thị trường
Ông Nguyễn Thanh Hòa cho biết, năm 2015, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục nghiên cứu, hướng đến việc mở rộng các thị trường có điều kiện làm việc và thu nhập tốt cho NLĐ, trong đó ưu tiên lao động đã qua đào tạo, có trình độ. Theo ông Hòa, thị trường tâm điểm trong năm 2015 vẫn sẽ là Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đây là những thị trường có việc làm ổn định, NLĐ có thu nhập cao.
Theo ông Hòa, năm 2015, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục đàm phán, ký kết và triển khai hiệp định, thỏa thuận hợp tác với nhiều nước như: Thái Lan, Angola, Síp, Lào, Nga, Belarus, Đức...
Ông Tống Hải Nam cho biết, Bộ LĐ-TB&XH hiện triển khai Dự án Hỗ trợ đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó có chương trình Hỗ trợ đào tạo lao động trình độ cao đi làm việc ở nước ngoài theo thỏa thuận quốc gia hoặc theo các hợp đồng cung ứng giữa doanh nghiệp Việt Nam với đối tác nước ngoài. Bên cạnh đó, cùng với sự hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015, số lượng NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài dự báo sẽ tăng.
Theo ông Nam, năm 2015 sẽ có 8 ngành nghề lao động các nước ASEAN được tự do di chuyển thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương (kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển, nhân viên ngành du lịch). Ngoài ra, nhân lực chất lượng cao (các chuyên gia, thợ lành nghề), trong đó có nhân lực được đào tạo chuyên môn hoặc có trình độ từ đại học trở lên, thông thạo ngoại ngữ (đặc biệt là tiếng Anh) được di chuyển tự do hơn. “Số người lao động Việt Nam trong 8 ngành nghề nói trên hoặc có trình độ, bằng cấp đạt tiêu chuẩn sẽ có nhiều cơ hội việc làm tại các nước trong khối. Do đó, theo dự báo, số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài sẽ gia tăng trong năm 2015”, ông Nam nhận định.
Post by Báo Tiền Phong.