Xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc: Thấp thỏm chờ mở cửa

TP - Vẫn chưa có tín hiệu nào cho thấy Hàn Quốc sẽ mở cửa trở lại tiếp nhận lao động Việt Nam theo Chương trình cấp phép mới (EPS). Trong khi đó, Bản ghi nhớ đặc biệt giữa Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc sắp hết hiệu lực (tháng 11/2014). Làm sao “mở cửa” thị trường Hàn Quốc để tạo cơ hội xuất ngoại cho hơn 10.000 lao động/năm đang là bài toán hóc búa.
Xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc: Thấp thỏm chờ mở cửa ảnh 1

Những lao động đã qua đào tạo tiếng Hàn thấp thỏm chờ thông tin thị trường lao động Hàn Quốc mở cửa trở lại. Ảnh: P.C

Chỉ biết cảnh báo và cảnh báo!

Trung tâm Lao động Ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đưa được hơn 5.300 lao động sang Hàn Quốc làm việc. Trong đó, thực hiện Bản ghi nhớ đặc biệt giữa Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc về Chương trình EPS, Hàn Quốc tiếp nhận hơn 3.800 lao động mới (đã có chứng chỉ qua các kỳ thi tiếng Hàn); số còn lại là lao động về nước đúng hạn và lao động mẫu mực.

Điều lo lắng nhất là Bản ghi nhớ đặc biệt về Chương trình EPS sẽ hết hiệu lực vào tháng 11 tới. Nếu đến tháng 11, Hàn Quốc không ký tiếp, cánh cửa sang Hàn Quốc với lao động Việt Nam coi như chấm hết.

Trong khi đó, tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc vẫn ở mức cao. “Tháng 2/2014, tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn vẫn ở mức hơn 50%. Tháng 9 vừa rồi, giảm xuống 38% nhưng vẫn là tỷ lệ đáng lo ngại”, một lãnh đạo Trung tâm Lao động Ngoài nước nói.

Ông Lương Đức Long, Phó GĐ Trung tâm Lao động Ngoài nước cho biết, Hàn Quốc kỳ vọng tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn phải giảm bền vững, dần đều. “Tuy nhiên, so với kỳ vọng của phía bạn, tỷ lệ này vẫn cao hơn mức trung bình 15% của 15 nước được phép đưa lao động vào Hàn Quốc”, ông Long nói.

Được biết, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền vừa làm việc với Bộ trưởng Lao động và Việc làm Hàn Quốc ông Lee Ki-Kwon. Hai bên trao đổi về chương trình phái cử, tiếp nhận lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc (EPS) và Chương trình hợp tác chung giữa hai bộ về lĩnh vực lao động. Tuy vậy, “tháng 11 này, hai bên sẽ đánh giá tình hình thực tế, trên cơ sở đó xem xét có ký thỏa thuận tiếp tục đưa lao động Việt Nam sang Hàn Quốc hay không”, một lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH nói.

Theo ông Long, từ đầu năm đến nay, Bộ LĐ-TB&XH vẫn tiếp tục nỗ lực tổ chức các buổi hội thảo tại nhiều tỉnh, thành phố để tuyên truyền, kêu gọi lao động Việt Nam hiện đang bỏ trốn về nước.

Tại các buổi hội thảo, ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã nhiều lần cảnh báo về nguy cơ Hàn Quốc dừng không tiếp nhận lao động Việt Nam.

Theo ông Hòa, để tránh tình huống xấu xảy ra, Bộ LĐ-TB&XH sẽ phối hợp Bộ Ngoại giao triển khai quyết liệt Nghị định 95 của Chính phủ (xử phạt hành chính đối với người lao động bỏ trốn khi đi làm việc ở nước ngoài). Theo đó, “lao động nào bỏ trốn sẽ bị xử phạt 100 triệu đồng.

Khoản tiền này, các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam sẽ thực hiện”, ông Hòa nói. Cùng với đó, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục đề nghị Hàn Quốc có biện pháp tăng cường quản lý lao động Việt Nam bỏ trốn.

Ông Choi Byung Gie, Giám đốc Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD) tại Việt Nam cho biết, từ năm 2004 đến nay, Hàn Quốc đã tiếp nhận 74.000 lao động Việt Nam theo Chương trình EPS.

Thu nhập của lao động Việt Nam tại Hàn Quốc vào khoảng 1.500 USD/tháng. Tuy nhiên, theo ông Choi, có khoảng 14.000 lao động Việt Nam hiện đang bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc (chiếm tới 40% trong tổng số lao động bỏ trốn của 15 nước).

Xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc: Thấp thỏm chờ mở cửa ảnh 2

Được sang Hàn Quốc làm việc luôn là giấc mơ của hàng vạn lao động Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Bá Anh

Về đúng hạn nhận thêm gần 5.000 USD

Đây là khoản tiền bảo hiểm mãn hạn xuất cảnh cho người lao động hết hạn hợp đồng lao động về nước của Hàn Quốc. Người lao động sau thời gian làm việc (4 năm 10 tháng) tại Hàn Quốc, sẽ được nhận khoản tiền gần 5.000 USD (mỗi năm bằng một tháng lương cơ bản 1.000 USD).

Người lao động có thể nhận khoản tiền này tại sân bay sau khi làm thủ tục xuất cảnh hoặc nhận tiền bằng phương thức chuyển khoản, thông qua ngân hàng chỉ định sau khi về nước.

Theo ông Lương Đức Long, chính sách này là một trong những biện pháp nhằm hạn chế lao động bỏ trốn. Cụ thể, từ ngày 29/7/2014, người lao động làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS sẽ được nhận khoản tiền bảo hiểm này.

“Khoản tiền bảo hiểm mãn hạn xuất cảnh và chính sách dành cho lao động trung thành (làm việc suốt 4 năm 10 tháng tại Hàn Quốc nhưng không chuyển chủ - PV) không phải thi tiếng Hàn và được trở lại Hàn Quốc làm việc sau 3 tháng về nước, sẽ giúp giảm tỷ lệ lao động bỏ trốn xuống”, ông Long nói.

Theo ông Choi Byung Gie, hiện, Hàn Quốc chỉ tiếp nhận lao động với tỷ lệ rất ít do Việt Nam bị dừng Chương trình EPS và Bản ghi nhớ đặc biệt giữa hai Chính phủ cũng chỉ ưu tiên một số đối tượng lao động (lao động trung thành, về nước đúng hạn...).

Trong khi đó, theo yêu cầu của Hàn Quốc, cuối tháng 11/2014, trước khi Bản Ghi nhớ đặc biệt hết hiệu lực, căn cứ tỷ lệ lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp, hai bên mới ngồi lại xem xét liệu có tiếp tục ký Bản Ghi nhớ Chương trình EPS hay không.

Ông Lương Đức Long cho biết, mỗi năm, người lao động Việt Nam từ Hàn Quốc gửi về nước khoảng trên 700 triệu USD.

MỚI - NÓNG