Xếp hàng mua dầu do đầu cơ

Các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu khẳng định cung ứng đủ hàng cho thị trường Ảnh: Hồng Vĩnh
Các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu khẳng định cung ứng đủ hàng cho thị trường Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Việc Nhà máy lọc dầu Dung Quất tạm ngừng hoạt động để kiểm tra định kỳ, khiến nguồn cung xăng dầu thiếu hụt khoảng 30%. Tuy nhiên, các đầu mối nhập khẩu trong nước khẳng định không thiếu xăng dầu. Hiện tượng một số cây xăng tại một số tỉnh phía Nam (Long An, An Giang, Kiên Giang) người dân xếp hàng mua dầu là do đầu cơ.

>> Kiểm toán dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất

Các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu khẳng định cung ứng đủ hàng cho thị trường Ảnh: Hồng Vĩnh
Các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu khẳng định cung ứng đủ hàng cho thị trường. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Trao đổi với phóng viên, ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc TCty Xăng dầu (Petrolimex) xác nhận việc nhà máy lọc dầu Dung Quất ngừng sản xuất chắc chắn có ảnh hưởng ít nhiều tới doanh nghiệp. Tuy nhiên, Petrolimex vẫn đảm bảo nguồn hàng cung cấp cho thị trường. Nếu mua được xăng dầu trong nước thì doanh nghiệp bớt lo khoản mua ngoại tệ để thanh toán.

Theo ông Dũng, thống kê cho thấy, lượng hàng bán ra của Tổng Cty thời gian qua có tăng. Tuy nhiên do thị phần của Petrolimex ở khu vực miền Tây chỉ chiếm 40-50% nên việc tham gia cung ứng cho thị trường có trách nhiệm của các doanh nghiệp khác nữa. Hiện giá xăng dầu ở Campuchia cao hơn Việt Nam tới 6.000 đồng/lít. Giá xăng dầu ở Lào còn cao hơn nữa.

Tổng Cty Xăng dầu Quân đội cũng cho biết đã có sự chuẩn bị nhập hàng để cung ứng cho thị trường trong thời gian nhà máy lọc dầu Dung Quất tạm ngừng hoạt động để bảo dưỡng. Theo ước tính, mỗi tháng đơn vị này mua từ Dung Quất khoảng 13.000 tấn, nay Dung Quất nghỉ để bảo dưỡng thì đơn vị đã dự trữ đủ để sẵn sàng nguồn cung cho thị trường.

Còn ông Đặng Vinh Sang, Tổng giám đốc Saigon Petro, cho biết trước khi nhà máy lọc dầu Dung Quất tạm dừng hoạt động để bảo dưỡng, công ty đã lên kế hoạch nhập hàng bổ sung. Việc nhập hàng hiện đang tiến hành theo đúng tiến độ.

Hiện tượng người dân một số tỉnh ở ĐBSCL phải xếp hàng mua dầu trong những ngày vừa qua, theo ông Sang, là do yếu tố đầu cơ. Nguồn cung không đến mức thiếu như thông tin phản ánh của người dân. Các doanh nghiệp đầu mối vẫn cung cấp đủ nguồn hàng.

Tuy nhiên khi về các tổng đại lý, đại lý có bán hay không thì rất khó kiểm soát. Có tình trạng đại lý, tổng đại lý nhập hàng nhưng không chuyển về kho mà cất giữ ở đâu đó không bán để chờ đến khi giá lên.

“Tôi khẳng định nguồn cung hàng của Saigon Petro không hề thiếu. Chúng tôi đã ký hợp đồng nhập bổ sung nguồn hàng thiếu trong thời gian nhà máy lọc dầu Dung Quất dừng để bảo dưỡng. Mỗi ngày chúng tôi bán ra lượng hàng tương đương 5% sản lượng của tháng. Vấn đề vẫn là câu chuyện về giá và tâm lý đầu cơ”- Ông Sang cho biết.

Khó xử do không quản được tổng đại lý

Tại cuộc họp của Bộ Công Thương với các Sở Công Thương về việc kinh doanh xăng dầu mới đây, đại diện Sở Công Thương Đắk Lắk, cho biết một nghịch lý Sở chỉ có thể kiểm soát được hệ thống bán lẻ trên địa bàn mà không thể nắm được tổng đại lý có cung cấp hàng theo đúng tiến độ cho các đại lý hay không.

Việc này do các tổng đại lý đều không nằm trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, khi các đại lý vi phạm kinh doanh xăng dầu viện cớ không được tổng đại lý cung cấp hàng thì không có cơ sở để quy trách nhiệm. Tình trạng Sở Công Thương không nắm được các tổng đại lý cũng xảy ra tương tự ở Lâm Đồng, Tây Ninh, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bắc Ninh...

Đại diện một doanh nghiệp đầu mối xác nhận có tình trạng ngư dân ở một số tỉnh ven biển gặp khó khăn khi mua dầu. Có trường hợp phải mua hàng với giá thỏa thuận. Hiện các doanh nghiệp nhập khẩu đang bị lỗ nên phải giảm tiền hoa hồng cho các đại lý, khiến các đại lý giảm lượng nhập hàng.

Cũng không loại trừ khả năng một số trạm xăng ở sát khu vực biên giới bán hàng sang Campuchia do giá chênh lệch khá cao để kiếm lời. Với mỗi lít xăng, dầu xuất lậu thành công sang Campuchia, người buôn có thể kiếm lời tới 3.000 đồng. Đây là chuyện bình thường. Giá chênh lệch cao như vậy, không quản lý chặt thì tình trạng xuất lậu, không chỉ với mặt hàng xăng dầu, là đương nhiên.

Doanh nghiệp lỗ trên 2.000 đồng/lít xăng, dầu

Theo tính toán của Petrolimex và một số doanh nghiệp, do giá dầu thế giới tăng cao, hiện mỗi lít xăng, dầu bán ra doanh nghiệp bị lỗ trên 2.000 đồng/lít.

Các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu đầu mối cũng cho biết nguồn cung ngoại tệ trên thị trường đã bớt căng thẳng. Doanh nghiệp có thể dễ dàng mua ngoại tệ với mức giá chênh khoảng 200 đồng/USD so với tỷ giá niêm yết của ngân hàng. Tuy nhiên, doanh nghiệp không biết hạch toán khoản chênh lệch tỷ giá đó vào đâu.

Khan hiếm xăng dầu ở cửa biển

Ngày 28-3, ông Từ Văn Hiền, Phó chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc (Cà Mau) cho biết, gần 1 tuần qua, các đầu mối cung cấp xăng dầu không cung cấp đủ cho các đại lý ở cửa biển, tạo khan hiếm cục bộ.

Theo ông Hiền, hàng ngàn tàu khai thác biển đang không có đủ xăng dầu để ra khơi. Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở cửa biển Sông Đốc lại chỉ bán xăng dầu cho tàu quen.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG