Nguyễn Văn Trỗi trên nền những bài báo chấn động một thời. Ảnh: ĐSQ Venezuela
Vụ bắt cóc
Bộ phim tài liệu Bắt cóc Smolen dài 56 phút, thực hiện năm 2006 với nhân chứng là người trong cuộc từng tham gia vụ bắt cóc. Và nhiều nhà báo, nhà sử học từng chứng kiến hiệu ứng của sự kiện này.
Các chiến sĩ nay là văn nghệ sĩ, nhà chính trị tầm cỡ. Có người chỉ bình thường nhưng đều sống với ký ức không quên về Nguyễn Văn Trỗi và đất nước Việt Nam thế kỷ trước.
Sống trong chế độ mà họ gọi là độc tài thân Mỹ thuở bấy giờ, họ tham gia Lực lượng Vũ trang Giải phóng Dân tộc, gọi tắt là FALN, đấu tranh vì mục tiêu giải phóng dân tộc và chống lại sự thống trị của nước ngoài.
Ngoại hình khá đẹp của một nhà văn - đạo diễn nổi tiếng, ông Luis Correa nguyên Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Giải phóng Dân tộc (FALN), nhớ lại:
“Binh đoàn 1 của Lực lượng Vũ trang Giải phóng Dân tộc tại Caracas được thành lập bởi 3 chi đội vô cùng dũng cảm, có nhiệm vụ bắt giữ Phái đoàn Quân sự Mỹ tại Caracas. Chi đội Livia Gouverneur của Binh đoàn 1 từng bắt thượng tá James Chenaut để trao đổi tù chính trị, tiếp đó là trung tá Michael Smolen”.
Cựu binh Martinez trên con phố lịch sử nơi xảy ra vụ bắt cóc sáng 9/10/1964
Argenis Martinez Villalta, cựu binh FALN, được nhiều người dân Venezuela biết nhờ vụ án bắt cóc nổi tiếng. Giờ ông đứng trên con phố lịch sử kể lại vụ bắt cóc sáng 9/10/1964.
Martinez và đồng đội nghiên cứu thói quen, giờ giấc đi lại của đối tượng trong nửa tháng. Rất nhiều đơn vị hiệp đồng tác chiến vụ này: Đơn vị thu thập tin tức, đơn vị bắt, đơn vị áp giải, và đơn vị canh gác”.
7h sáng, 4 người lên đường phối hợp các tổ công tác khác. Martinez mang theo khẩu súng giấu trong túi giấy. “Một tình huống xảy ra: Mọi ngày Smolen ra ngoài một mình nhưng hôm đó lại đi ăn sáng cùng cấp trên, đại tá Herry Lee”. Họ nhanh chóng tóm Smolen lôi lên xe, để đại tá chạy thoát.
Còn nhiều tình tiết ly kỳ nữa chứng tỏ sự táo bạo, thông minh, quả cảm của các thanh niên. Câu chuyện chiến tranh giờ đã quá xa xôi nhưng xem những thước phim này, không khỏi có chút tiếc rẻ: Vào tay biệt động Sài Gòn chẳng hạn, khéo được mẻ lớn! Biết đâu một mình trung tá Smolen không đủ đánh đổi anh Trỗi nhưng có cả cấp trên của ông ta, sự thể lại khác thì sao, ít ra cũng hoãn thi hành án một thời gian! Không hiểu “du kích quân Caracas” để sổng tay đại tá do thiếu thông tin về y hay do họ cố tình chỉ bắt mỗi Smolen.
Ngày 7/10/1964 chính quyền Sài Gòn tuyên bố xử bắn anh Trỗi trong vòng 1 tuần tới, chỉ hai ngày sau thì xảy ra sự kiện Smolen. Báo chí ở đất nước Nam Mỹ chạy tít dài: Trung tá không quân Mỹ bị bắt cóc; Cảnh sát cương quyết điều tra đến cùng nguyên nhân vụ bắt cóc,v.v...
Nhà văn Trần Đình Vân và bà đại biện lâm thời ĐSQ Venezuela trong buổi tưởng nhớ Nguyễn Văn Trỗi ở Hà Nội, 15/10. Ảnh: DPV
Kết thúc không có hậu
Bí thư thứ 2 của ĐSQ Venezuela, ông Angel Bastidas, là một nhà báo, viết rất nhiều về Việt Nam kể cả về Phan Thị Quyên vợ anh hùng Trỗi. Còn ông Trần Đình Vân nhớ lại: Trong Đại hội Anh hùng Chiến sĩ Thi đua thập kỷ 60 và những lần ra Hà Nội sau, chị Quyên không phải là chiến sĩ hoạt động sôi nổi nhất nhưng lại được gặp Bác Hồ nhiều nhất - ba lần. Lần chị đi Cuba, Bác nhờ chị mang tận tay đôi dép lốp để tặng Chủ tịch Fidel Castro.
Phim có bố cục chặt chẽ, mạch lạc. Không chỉ tập trung vào vụ bắt cóc mà còn cho thấy bối cảnh đất nước Venezuela một thời với những biến cố chính trị xã hội lớn, và cả sự phức tạp của phong trào cách mạng nước này.
Âm nhạc khá “kích động”, rất hiệu quả. Phim đưa những bức ảnh nổi tiếng của anh Trỗi Quần áo trắng một màu thanh khiết/Thân gầy yếu mạnh hơn cái chết và cả những bức hiếm hoi chụp giờ phút cuối cùng của anh ở pháp trường.
Bị bắt, Smolen “hỏi chúng tôi có làm hại gì hắn không, chúng tôi trả lời, không làm gì. Chúng tôi nói với hắn về sự can thiệp của Mỹ vào Mỹ Latin và xâm lược Việt Nam. Hắn nghe không đáp trả, có lúc vùng lên định chạy trốn nên chúng tôi còng tay vào giường để hắn không chạy được”. “Những ngày đó tin tức về vụ bắt cóc đổi anh Trỗi tràn khắp mặt báo, chúng tôi đưa báo cho hắn đọc và nói nếu anh Trỗi bị bắn thì hắn sẽ bị ra tòa án binh”.
Một cựu binh giờ là nghị sĩ nhìn lại lịch sử: “Phong trào đấu tranh thất bại là do non nớt về chính trị và hoạt động rời rạc”.
Trung tá Michael Smolen
Bắt được trung tá Mỹ là kỳ tích nhưng vừa phải nghe ngóng động thái của chính quyền Sài Gòn, họ còn phải lo đối phó nhà cầm quyền trong nước. Tin tức nơi giam Smolen bại lộ, họ không thể cứ phải huy động lực lượng chiến đấu giữ ông ta trong khi còn phải bảo toàn tính mạng của chính mình.
Hơn 40 năm sau cuộc bắt rồi thả, Martinez có vẻ vẫn cay cú: “Trả tự do cho Smolen đồng nghĩa tuyên án tử hình anh Trỗi trong khi nhân dân Việt Nam đang dõi theo đầy hy vọng”. Lãnh đạo của ông, giờ là nhà văn Luis Correa nổi tiếng, lại nhìn nhận: “Quyết định khôn ngoan là trả tự do cho Smolen trong khi đằng nào họ cũng bắn anh Trỗi. Nếu chúng tôi thủ tiêu Smolen thay vì bắt giữ hắn, đó hẳn là sai lầm phải trả giá”. Cũng theo Correa “Đảng Cộng sản Việt Nam lúc đó cũng đồng ý rằng đó là quyết định đúng đắn” và “Sau này Smolen chết vì nguyên nhân tự nhiên hay tai nạn gì đó”.
Chị Phan Thị Quyên với nhà văn-đạo diễn Luis Correa (người trong cuộc vụ “Bắt cóc Smolen”). Ảnh: ĐSQ Venezuela
Sống như Anh
Buổi chiếu phim sáng 15/10 diễn ra với quy mô nhỏ. Xong phim, không tọa đàm mà chỉ có cuộc gặp nhỏ với tác giả Sống như Anh nổi tiếng.
Mở đầu, bà đại biện lâm thời phát biểu: Chúng ta ở đây hôm nay để kỷ niệm 50 năm mối quan hệ tốt đẹp giữa nhân dân hai nước, đánh dấu bằng một hành động lịch sử (vụ bắt cóc Smolen - PV). Bà dành những lời nồng nhiệt ca ngợi người anh hùng, cho biết tại Venezuela vừa qua, nhiều triển lãm ảnh, nhiều cuộc dâng hoa tưởng niệm đã diễn ra, hướng về anh.
Nhà văn nhà báo Trần Đình Vân xuất hiện trong chiếc quần là phẳng phiu, áo đuôi tôm nhẹ kẻ sọc sẫm mầu. Lưng thẳng và gương mặt quắc thước ở tuổi đã 89. Ông kể: Trong phong trào viết về gương anh hùng chiến sĩ để phát động cho cả nước học tập, Nguyễn Thi được phân công viết về Út Tịch còn ông viết về anh Trỗi. Ba nhân chứng ông tiếp cận lấy tư liệu là anh hùng Nguyễn Thị Châu - người giác ngộ chị Quyên trong tù và Phạm Văn Hai, chỉ huy của anh Trỗi. “Vì phải viết nhanh nên tôi tập trung vào những lần gặp cuối cùng của anh Trỗi và chị Quyên tại khám tử hình. Viết xong, đặt đầu đề kiểu báo chí: Những lần gặp gỡ cuối cùng, nhờ phóng viên Liên Xô Xêdrov mang từ chiến trường ra Hà Nội. Sau đó nghe đài đọc tác phẩm Sống như Anh, lúc đầu tôi cứ tưởng của người khác”.
“Tài liệu tôi lấy được 10 phần thì viết có 2 thôi vì lúc đó đồng đội anh Trỗi vẫn đang chiến đấu ở Sài Gòn, 3 người ở Côn Đảo. Khi ra Bắc tôi vẫn bị phê bình sao lại viết kỹ như vậy, sợ lộ bí mật”.
“Bác thấy bộ phim thế nào?”. Ông trả lời câu hỏi của phóng viên Tiền Phong: “Phim tốt, tôi không nghĩ họ làm được bộ phim đầy đủ nhân chứng như vậy”.
“Sống như Anh từng là sách gối đầu giường của thanh niên một thời. Bác nghĩ ngày nay, hiệu ứng sẽ thế nào nếu tái bản?” “Bây giờ phải lo làm ăn, kinh tế. Sách chiến đấu vừa vừa thôi. Về buôn bán làm ăn, ta kém lắm. Nhiều thứ kém lắm, tham nhũng thì tệ hại quá”. Ông kết luận: “Nguyễn Văn Trỗi bất tử, sự hy sinh của anh ấy bất diệt, không uổng phí và tôi cho rằng chúng ta bây giờ càng phải học tinh thần của anh ấy. Tinh thần Nguyễn Văn Trỗi rất cần thiết cho hôm nay trên mặt trận khác. Xông pha dũng cảm, gần dân, phục vụ dân, không ức hiếp dân”.