50 năm ngày hy sinh của anh hùng Nguyễn Văn Trỗi

Ký ức về lễ truy điệu có một không hai

TP - Người quản trang bị cụt chân trong chiến tranh đã trở thành người thường xuyên trông coi ngôi mộ của anh hùng Nguyễn Văn Trỗi và xem anh Trỗi như một con người giàu lý tưởng dám hy sinh tuổi thanh xuân cho con đường đã lựa chọn. Ông đã chứng kiến cuộc truy điệu anh Trỗi rất lớn ngay trước nhà mình. 

Chuyện người 40 năm trông coi mộ Nguyễn Văn Trỗi


Nghĩa trang thôn Văn Giáp ở phường Bình Trưng Đông, quận 2, TPHCM. Một con đường nhỏ cắt băng qua nghĩa trang, thỉnh thoảng người đi ngang thấy một người đàn ông trạc 60 tuổi đang cặm cụi nhổ cỏ, tưới hoa. Ông tên Nguyễn Văn Hai, người dân thường gọi là Hai cụt vì ông mất một chân trong chiến tranh. 

Ký ức về lễ truy điệu có một không hai ảnh 1

Ông Hai chăm sóc mộ phần anh hùng Nguyễn Văn Trỗi 40 năm qua. Ảnh: T.N.A

Bố ông Hai nguyên là lính Bình Xuyên, chống lại chính phủ Ngô Đình Diệm, bị bắt giam. Ông sống cuộc đời khổ cực và lặng lẽ trong nghĩa trang này.

Những năm 1960, các dòng họ trong làng Văn Giáp từ ngoài Bắc di cư vào đã góp tiền mua một mảnh đất làm nghĩa trang của làng. Gia đình chị Quyên vợ anh Trỗi là người của xóm Văn Giáp bên sông Sài Gòn. Hiện trong nghĩa trang có mộ phần của bố, mẹ và em trai chị Quyên. Lúc còn sống, mọi người vẫn thường thắp hương cho anh Trỗi.

Bố đẻ của anh Trỗi từ miền Trung vào cũng thường tới thắp hương cho con. Trước 1975, nghĩa trang chỉ chôn cất người làng Văn Giáp, sau này nhà nước thay làng quản lý, nghĩa trang thành nơi chôn cất của cả quận với khoảng 3.000 mộ phần. 

Mua miếng đất làm nghĩa trang, người làng Văn Giáp xây một căn nhà cấp bốn khá rộng rãi cho gia đình ông Hai sinh sống để gia đình trông coi nghĩa trang. Ngôi nhà nay xuống cấp thảm hại, năm ngoái gió thổi bay mái tôn. Gia đình ông Hai mấy thế hệ sinh ra, chết đi trong ngôi nhà giữa nghĩa trang. 

Ông Hai cụt dẫn tôi ra ngôi mộ anh Trỗi xây khiêm tốn, trên gắn ngôi sao vàng, dưới đề dòng chữ: Bốc mộ 7/5/1967. Tái thiết 23/11/1981. Tu tạo 5/4/2010. 

Ông Hai năm ấy 16 tuổi còn nhớ mọi việc. Sau khi anh Trỗi đánh bom Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert McNamara không thành và bị bắt, bị tử hình ngày 15/10/1964, gia đình chị Quyên vợ anh đã tìm được phần mộ và đưa về nghĩa trang bên vợ tại Văn Giáp.

Ông Hai kể: “Chiếc tiểu chứa hài cốt anh rất đẹp. Khi đưa về nghĩa trang hài cốt để trọn một ngày một đêm trên mặt đất để làm lễ, hôm sau mới chôn cất”.

Theo lời dặn của nhà chị Quyên, ngôi mộ được ngụy trang kín đáo bằng một bụi tre lớn trồng bên trên. Chính quyền cũ cho người đến dò la, hẳn do ngôi mộ ở vị trí ban đầu đã được đào đem đi mất, họ hỏi xem ngôi mộ ở đâu rồi, nhưng gia đình ông Hai giấu kín. 

“Tháng Tư năm 1975, trước giải phóng khoảng hai tuần thôi, đột nhiên bà mẹ của chị Quyên đi ô tô về, bảo: Quân giải phóng sắp vào thành phố rồi. Nhờ gia đình dọn dẹp bụi tre, trang trí lại mộ anh Trỗi kẻo người ta lại trách đấy”.

Mọi người cứ thế làm theo, phát quang ngôi mộ, mặc dù họ không tin lắm rằng, ngày giải phóng đã cận kề. Đột nhiên tiếng súng ầm vang, trưa 30/4/1975 bộ đội từ các ngả tiến vào thành phố.

“Đào bụi tre xong, sợ chiến sự nên ngày 30/4 chúng tôi rời nghĩa trang vào làng để trú ẩn. Không ngờ, sáng sớm hôm sau, khi trở lại thì khung cảnh khác hẳn - Ông Hai kể - Các đơn vị bộ đội về đóng rất đông ngay trong nghĩa trang và xung quanh nghĩa trang. Khắp nơi giăng những biểu ngữ ca ngợi anh Nguyễn Văn Trỗi”.

Nghĩa trang đìu hiu, giờ thành tấp nập: “Khi chúng tôi ra ngôi mộ đã thấy một bàn thờ lớn được đặt ở đó, hương khói nghi ngút. Hóa ra ngay trong đêm 30/4/1975 bộ đội giải phóng đã tổ chức lễ truy điệu và tưởng niệm anh Nguyễn Văn Trỗi tại nghĩa trang Văn Giáp”. 

Chưa hết. Những ngày sau đó, một lễ tưởng niệm lớn hơn được chuẩn bị với một lễ đài được dựng khang trang bên sông Sài Gòn. “Tình hình còn phức tạp, kẻ xấu phá hoại nhiều – các lực lượng an ninh về nghĩa trang nằm cùng gia đình chúng tôi cả tuần liền chuẩn bị cho lễ tưởng niệm”. Trong ngày lễ, nhiều đoàn xe, nhiều đơn vị, các vị tướng lĩnh cùng các cán bộ cấp cao đã có mặt bên sông Sài Gòn.

Nhớ mộ   

Cuộc đời ông Hai thật thăng trầm. Ông vào lính địa phương quân của chế độ cũ hai năm, chưa bao giờ bắn một viên đạn về phía quân giải phóng, nhưng trong một đợt hành quân (bình thường ông chỉ làm lính gác nhưng năm 1972 do tình hình động viên nên phải đi hành quân) ông dẫm phải mìn ở khu vực Bình Chánh, cụt mất một chân. Vết thương sâu và rộng không khâu được, phải nằm 2 năm liền trong viện cho hết năm 1974.

Ông nói: “Người ta bảo tôi kê khai thương tật trong chiến tranh, nhưng đến nay tôi chưa nhận được đồng hỗ trợ nào về thương tật, cũng chưa hề nhận được giúp đỡ gì đối với gia đình khó khăn, hộ nghèo”.

Ông kể giữa tháng 10, vừa đi mua bảo hiểm y tế mất hơn 600 ngàn đồng. Sau chiến tranh ông không đủ sức làm gì, nhờ nhiều vào vợ con. Công việc của ông là giúp bố, rồi thay bố chăm sóc nghĩa trang Văn Giáp như những gì đã hứa với dân làng.

Ông nói: “Ngày nào tôi cũng thắp hai cữ hương lên mộ anh Trỗi”. Ông nói, vợ chồng chị Quyên vẫn tới thắp hương cho anh vào những ngày lễ, còn người cháu anh Trỗi làm bên ngành xây dựng thường sơn sửa mộ.

Cần giữ lại một “địa chỉ” 

Hiện ở TPHCM tồn tại 3 điểm di tích liên quan đến anh Trỗi là đài tưởng niệm - nơi anh tổ chức đánh bom ở cầu Công Lý, mộ phần ở làng Văn Giáp - do chị Quyên quy tập, và một ngôi mộ gió ở nghĩa trang thành phố.

Theo anh Nguyễn Văn Phong là Phó bí thư Đoàn phường “sở dĩ có ngôi mộ gió ở nghĩa trang thành phố là do người ta dự kiến khi giải tỏa nghĩa trang làng Văn Giáp sẽ chuyển mộ anh Trỗi tới đó”. 

Hiện Đoàn phường có 200 đoàn viên. Đoàn Phường đã huy động các nguồn lực thi công được 170m2 đường bê tông đi vào tận mộ anh Trỗi, vừa hoàn thành vào tháng 4 năm 2014.

Phó bí thư Đoàn phường nói: “Hằng năm, nhiều đoàn về thăm viếng mộ anh Trỗi. Nguyện vọng chúng tôi là muốn để mộ anh Trỗi tại địa bàn để giáo dục thế hệ trẻ được tốt hơn”.

Ông Hai nói nghe tin nghĩa trang có thể bị giải tỏa, cũng suy nghĩ nhiều. Giải tỏa, gia đình ông được đền bù, nhưng không biết người ta sẽ đưa 3.000 ngôi mộ đi đâu: Nhận xét về anh Trỗi, ông Hai nói: “Anh Trỗi là một con người có lý tưởng và hy sinh vào thời điểm cuộc đời trong sáng như một tấm gương, chính điều đó làm anh Trỗi được người đời tưởng nhớ”.

Đoàn thanh niên phía Nam tưởng nhớ anh hùng Nguyễn Văn Trỗi

Ngày 14/10, tại Đài tưởng niệm anh hùng Nguyễn Văn Trỗi (phường 8, quận 3, TPHCM), Ban thường vụ Đoàn cơ sở phía Nam cơ quan Trung ương Đoàn tổ chức viếng, dâng hoa, dâng hương người anh hùng Nguyễn Văn Trỗi.

Tham dự có anh Nguyễn Long Hải, Bí thư Trung ương Đoàn, Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam cùng các đoàn viên thuộc các cơ sở phía Nam cơ quan Trung ương Đoàn. Tại buổi lễ, các đoàn viên thanh niên được nghe lại tiểu sử, tinh thần yêu nước quả cảm của người anh hùng Nguyễn Văn Trỗi.         

Nguyễn Dũng

MỚI - NÓNG