Xe điện cần được ưu đãi thế nào để trở nên phổ biến như xe xăng?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trong khi xe điện trên thế giới đang trở thanh xu thế thì tại Việt Nam số lượng xe này trong các năm qua chỉ ở mức vài trăm. Cả người tiêu dùng và ngành sản xuất xe điện đều bị cản trở bởi những khó khăn khiến loại phương tiện này chưa trở nên phổ biến.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), sau một thập kỷ tăng trưởng nhanh chóng, đã có 10 triệu chiếc xe điện trên toàn thế giới vào cuối năm 2020. Số lượng xe điện bán ra tăng 41% vào năm 2020, bất chấp sự sụt giảm 16% của doanh số bán ô tô trên toàn thế giới do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Có thể thấy, xe điện đang trở thành xu thế, nhờ bảo vệ môi trường, trong khi giá xe,chi phí sử dụng xe và hiệu quả khi sử dụng thực tế ngày càng tốt.

Mới đây, tại Hội thảo “Hạ tầng cho xe điện tại Việt Nam”, ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết: Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, đã và đang tích cực tham gia vào các hiệp ước quốc tế về bảo vệ môi trường. Với dân số gần 100 triệu dân, trong khi số lượng xe điện còn rất hạn chế nên Việt Nam được coi là một thị trường vô cùng tiềm năng cho các loại phương tiện xanh, thân thiện với môi trường”.

Xe điện cần được ưu đãi thế nào để trở nên phổ biến như xe xăng? ảnh 1

Ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ GTVT.

Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được phê duyệt tại Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định rõ: Khuyến khích sản xuất dòng xe thân thiện môi đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn khí thải.

Nhưng thực tế tại Việt Nam, số lượng xe điện hoá (hybrid, plug-in hybrid, và xe thuần điện) còn rất ít. năm 2019 là 140 xe điện, năm 2020 tăng lên 900 xe và đến hết Quý I/2021 có thêm 600 xe. Tất cả số xe trên đều là nhập khẩu và gần như toàn bộ là xe hybrid, xe plug-in hybrid, số xe chạy pin chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Nhiều khó khăn trong khi vẫn còn ít khuyến khích

Tại sự kiện, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp - Bộ Công thương cho rằng: Hiện tại, ngoài sự hạn chế về hạ tầng, chính sách khuyến khích phát triển xe điện tại Việt Nam hầu như chưa có.

Xe điện cần được ưu đãi thế nào để trở nên phổ biến như xe xăng? ảnh 2

Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp - Bộ Công thương.

Xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển ngành công nghiệp xe điện tại Việt Nam hiện nay có thể kể đến mức thu nhập trung bình của người tiêu dùng còn thấp, hạ tầng trạm sạc thiếu.

Với nhu cầu của người dùng thì phạm vi hoạt động của xe điện còn hạn chế, chính sách ưu đãi với ô tô điện cũng chưa nhiều.

Ngành sản xuất xe điện còn chịu các tác động với môi trường từ quá trình sản xuất xe, cạnh tranh từ các nước thu hút nhiều dự án xe điện như Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc.

Xe điện đến nay mới chỉ nhận được ưu đãi về thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, thấp hơn so với xe chạy xăng/dầu thông thường. Do đó cần có một số giải pháp ví dụ như: Áp dụng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô điện trên cơ sở mức phát thải CO2 ra môi trường.

Từ phía Bộ Tài chính, ông Trương Bá Tuấn- Phó Vụ trưởng vụ Chính sách thuế cho biết: “Thuế tiêu thụ đặc biệt của xe điện đang thấp hơn nhiều xe xăng”.

Theo quy định áp dụng từ ngày 01/07/2016 đến nay, thuế tiêu thụ đặc biệt của xe điện loại dưới 9 chỗ ngồi là 15%. Thấp hơn nhiều mức 35 đến 150% tùy dung tích động cơ của xe chạy xăng, dầu.

Về khuyến khích sản xuất xe, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi trung bình của cả bộ linh kiện theo biểu thuế nhập khẩu ưu đãi của các chủng loại xe hiện nay được quy định thấp hơn mức thuế của xe ô tô nguyên chiếc.

Trong năm 2020, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp xe ô tô trong nước được ban hành năm 2017 cho phù hợp với các yêu cầu mới. Đã bổ sung các chủng loại xe ô tô chạy điện, xe ô tô sử dụng pin nhiên liệu, xe ô tô hybrid vào đối tượng áp dụng ưu đãi của Chương trình để thúc đẩy phát triển các dòng xe thân thiện với môi trường trong nước.

Doanh nghiệp sản xuất các dòng ô tô này nếu đáp ứng các điều kiện của Chương trình sẽ được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với linh kiện ô tô nhập khẩu thuộc loại trong nước chưa sản xuất được.

Về lệ phí trước bạ (LPTB), thực hiện Luật phí và lệ phí năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 140/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP ngày 21/02/2019, quy định về miễn LPTB đối với phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng năng lượng sạch, trong đó có xe buýt chạy bằng điện.

Hỗ trợ mạnh cho sản xuất xe điện Việt

Từ quan điểm của Bộ Tài chính, việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô nói chung, xe ô tô thân thiện môi trường nói riêng trong thời gian tới cần phải dựa trên một số yêu cầu, trong đó có: Thực hiện hỗ trợ có chọn lọc, có điều kiện và lộ trình cụ thể và có khả năng cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực.

Các chính sách ưu đãi về thuế, phí, lệ phí cần được xác định dựa trên mức độ phát thải, mức độ gây ô nhiễm môi trường của từng loại xe, trong đó ô tô điện chạy pin cần có sự ưu đãi cao hơn các chủng loại xe khác như xe hybrid.

Bên cạnh đó là xử lý hài hòa giữa việc thúc đẩy sử dụng ô tô điện với chủ trương phát triển các dòng xe chiến lược khác đã được xác định trong định hướng phát triển dài hạn của ngành. Ngoài ra cũng cần lộ trình chuyển đổi phù hợp cho việc sản xuất xe dùng động cơ đốt trong sang xe điện.

Do Việt Nam đã hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, nên việc thúc đẩy sử dụng xe ô tô điện trong nước, bằng cách áp dụng các chính sách ưu đãi về thuế, phí hay các chính sách ưu đãi tài chính khác đối với xe ô tô thân thiện môi trường cũng sẽ khuyến khích sử dụng các dòng xe này từ nguồn nhập khẩu.

Từ đó các giải pháp thúc đẩy việc sản xuất, sử dụng ô tô điện cũng cần phải được nhìn nhận, đánh giá từ các định hướng phát triển tổng thể của ngành công nghiệp ô tô trong nước và với một tầm nhìn dài hạn.

MỚI - NÓNG