Xe cá nhân phải lắp giám sát hành trình, camera: Lo lãng phí và quyền cá nhân bị ảnh hưởng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đường bộ vừa được đưa vào đề xuất: Tất cả ô tô, xe máy khi ra đường phải có thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu hình ảnh người lái. Nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn về tính thực thi, lo lãng phí...

Dự thảo Luật Trật tự ATGT đường bộ mới nhất (Bộ Công an chủ trì xây dựng), đã bổ sung thêm một điều kiện với xe cơ giới, xe máy chuyên dùng được tham gia giao thông đường bộ (ô tô, xe máy, xe điện, xe công trình, máy nông nghiệp…). Cụ thể, xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định (Điều 33).

Xe cá nhân phải lắp giám sát hành trình, camera: Lo lãng phí và quyền cá nhân bị ảnh hưởng ảnh 1

Phương tiện lắp thiết bị giám sát hành trình, camera. Ảnh minh họa: Phạm Thanh

Dự luật cũng quy định, cơ sở dữ liệu về hành trình phương tiện, quản lý người lái, được thu thập từ thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái trên phương tiện. Cơ sở dữ liệu này được trung tâm chỉ huy giao thông do cảnh sát giao thông quản lý, vận hành, khai thác. Dữ liệu được sử dụng để điều hành giao thông, giải quyết tai nạn, xử lý vi phạm, phòng chống tội phạm. Trung tâm chỉ huy giao thông có hệ thống kết nối, tiếp nhận, chia sẻ dữ liệu thiết bị giám sát hành trình từ các ô tô...

Dự thảo Luật Trật tự ATGT đường bộ định nghĩa, xe cơ giới gồm: ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được ô tô kéo, xe chở người và hàng 4 bánh có gắn động cơ, mô tô; xe máy, các loại xe tương tự.

Xe máy chuyên dùng gồm: xe máy thi công, xe máy nông - lâm nghiệp, máy kéo, rơ moóc và sơ mi rơ moóc được kéo bởi máy kéo, xe máy đặc biệt và các loại xe đặc chủng khác... Cả 2 nhóm phương tiện trên đều phải lắp thiết bị và truyền dữ liệu giám sát hành trình, camera ghi hình ảnh trong xe cho cảnh sát giao thông.

Thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia cho thấy, tính tới giữa tháng 6/2023, cả nước có hơn 6 triệu ô tô, gần 73 triệu mô tô xe máy, hơn 1,8 triệu xe máy điện đang đăng ký lưu hành. Nếu quy định mới được thông qua, sẽ thêm hơn 5 triệu ô tô, gần 73 triệu xe máy cá nhân, tổ chức không kinh doanh, chưa kể xe máy công trình, máy sản xuất… phải lắp đặt, kết nối truyền dữ liệu.

Lo lãng phí và quyền cá nhân bị ảnh hưởng

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (Vata) cho rằng, đề xuất này vẫn cần làm rõ thêm. Trong đó, cơ quan đề xuất cần làm rõ, trả lời các câu hỏi, như: Yêu cầu trên nhằm mục đích gì; độ cần thiết tới đâu; sử dụng dữ liệu trong trường hợp nào; kinh nghiệm các nước đang làm ra sao? Lợi ích thu được so với chi phí xã hội phải bỏ ra cụ thể thế nào? Theo ông Quyền, với ô tô kinh doanh quy định trên là cần thiết, vì kinh doanh phải có điều kiện, phải chịu sự giám sát ngặt nghèo (dù việc khai thác dữ liệu chưa hiệu quả). Tuy nhiên, xe cá nhân rất khác, vì còn liên quan tới quyền riêng tư, quyền tự do của người dân, đặc biệt là với dữ liệu hình ảnh trên buồng lái, trong xe...

Chủ tịch Vata cho rằng, riêng ô tô cá nhân, hiện cả nước có khoảng 5 triệu xe đang lưu hành, chi phí ban đầu cho lắp thiết bị giám sát hành trình, camera rẻ cũng phải 2-3 triệu đồng trở lên; chi phí duy trì kết nối, truyền dẫn dữ liệu khoảng 80-100 nghìn đồng/xe/tháng. Nếu chi phí lắp thiết bị ở mức 2 triệu đồng/xe, với số lượng ô tô cá nhân trên, đã tốn chi phí ban đầu của người dân khoảng 10.000 tỷ đồng, chưa tính phí truyền dữ liệu. Chưa kể còn gần 73 triệu mô tô, xe máy, hơn 1,8 triệu xe máy điện, chưa kể xe máy chuyên dùng.

“Chi phí xã hội phát sinh với quy định này không hề nhỏ, nên cần phải cân đo, đong đếm với hiệu quả mang lại, tính lợi và hại. Cũng cần nghiên cứu kỹ mức độ tiếp cận dữ liệu, dữ liệu không có hình ảnh khác với có hình ảnh, giữa lưu trữ trên thiết bị để dùng khi có phát sinh khác với truyền trực tuyến về cơ quan quản lý. Tôi đề nghị cơ quan đề xuất dự luật nghiên cứu kỹ lưỡng, thông tin rộng rãi để rộng đường dư luận với quy định mới này”, ông Quyền nói.

Luật sư Bùi Sinh Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội nêu quan điểm, ông ủng hộ đề xuất tất cả phương tiện tham gia giao thông phải lắp thiết bị và truyền dữ liệu giám sát hành trình, camera trên xe (không riêng với ô tô kinh doanh). Giải pháp này sẽ tăng tính răn đe, cảnh báo với lái xe, người ngồi trên xe về chấp hành pháp luật để đảm bảo an toàn trên đường. Về tự do cá nhân, quyền riêng tư, nếu ai ngồi lên xe cũng chấp hành tốt quy định sẽ không bị đụng tới.

“Đã tham gia giao thông, ai cũng phải chấp nhận các điều kiện kèm theo, nhằm đảm bảo an toàn cho mình và người khác. Khi mới lắp thiết bị có thể mọi người chưa quen, sẽ có phản ứng. Tôi chỉ băn khoăn về quy định khai thác dữ liệu, ngay với quy định bắt buộc lắp thiết bị giám sát hành trình, camera với xe kinh doanh thấy thực tế chỉ 60-70% số xe thực hiện tốt, còn lại không làm vẫn khó xử lý. Như vậy là không hiệu quả”, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội nói.

MỚI - NÓNG
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
TPO - Chiều 30/4, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, trong ngày 30/4, toàn quốc xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 45 người. Lực lượng chức năng tước hơn 3.400 giấy phép lái xe các loại do vi phạm an toàn giao thông.