Vùng bị thiệt hại nặng nhất giữa mùa nắng hạn khốc liệt ở Lâm Đồng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trong số hơn 2.100ha cây trồng bị ảnh hưởng bởi nắng hạn tại Lâm Đồng, huyện Lâm Hà chiếm khoảng 1.580ha.
Vùng bị thiệt hại nặng nhất giữa mùa nắng hạn khốc liệt ở Lâm Đồng ảnh 1

Vườn cà phê héo rũ do thiếu nước

Ngày 27/3, nguồn tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, toàn tỉnh có trên 2.100ha cây trồng bị ảnh hưởng trước tình trạng khô hạn kéo dài, nguồn cấp nước bị sụt giảm cục bộ.

Trong đó, riêng huyện Lâm Hà đã có khoảng 1.580ha bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng khô hạn. Kế đến là huyện Đạ Tẻh với 380ha, huyện Cát Tiên 95ha, huyện Bảo Lâm 35ha, huyện Di Linh với 20ha...

Phần lớn các vùng sản xuất nông nghiệp này không có công trình thuỷ lợi, xa sông suối tự nhiên, khan hiếm nguồn nước ngầm.

Nguyên nhân suốt 3 tháng qua, lượng mưa trung bình trên địa bàn toàn tỉnh đạt thấp, chỉ bằng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Số ngày nắng nóng tiếp tục tăng, biên độ nhiệt thay đổi giữa ngày và đêm lớn.

Vùng bị thiệt hại nặng nhất giữa mùa nắng hạn khốc liệt ở Lâm Đồng ảnh 2

Lòng hồ cạn kiệt, đất nứt nẻ

Theo Sở NN&PTNT, hậu quả của tình trạng trên là mực nước ở các sông suối giảm dần, nhất là các suối nhỏ giảm rất mạnh.

Đối với các công trình hồ chứa thủy lợi có quy mô nhỏ, mực nước giảm từ 1- 4,5m, dung tích còn lại so với tổng dung tích hồ đạt trung bình khoảng 45%, một số công trình có mực nước tiệm cận hoặc bằng với mực nước chết. Nhà vườn ở gần các hồ thủy lợi này không có đủ nước để tưới cho cây trồng.

Ở huyện Lạc Dương, mực nước hồ như Đan Kia xuống rất thấp. Lòng hồ phía thượng nguồn khô ráp, đất nứt toác. Một số loại gia súc như ngựa và trâu gặm đám cỏ mọc lún phún dưới đáy hồ. Người dân chạy xe máy trong lòng hồ.

Vùng bị thiệt hại nặng nhất giữa mùa nắng hạn khốc liệt ở Lâm Đồng ảnh 3

Chăn thả ngựa và bò trong lòng hồ Đan Kia

Tại TP Bảo Lộc, bà Trần Thị Xuyến (ngụ thôn 3, xã Đại Lào) cho biết, nhờ có giếng khoan nên gia đình bà vẫn còn nước sinh hoạt nhưng phải đối mặt với việc không có nước tưới cho vườn cà phê. Đa số cây cà phê đã ra hoa dịp Tết Nguyên đán, nay đều rũ rượi vì không được tưới nước.

Vùng bị thiệt hại nặng nhất giữa mùa nắng hạn khốc liệt ở Lâm Đồng ảnh 4

Nhà nông tận dụng nguồn nước hiếm hoi còn sót lại trong lòng hồ để tưới cho cây trồng

Địa phương thiếu nước tưới trầm trọng nhất là huyện Lâm Hà. Trong số 21 hồ chứa có quy mô vừa, nhỏ do địa phương quản lý đã có 9 hồ giảm mạnh dung tích (trung bình chỉ còn 35%) và 12 hồ chứa không còn khả năng cấp nước, bao gồm các hồ Thanh Sơn, Thuỷ Khải, Thanh Trì 1, Tử Thập Buôn Chuối 1, Bãi Công Thượng…

Đến nay Lâm Hà có khoảng 1.580ha đất sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi tình trạng khô hạn. Quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng bị giảm mạnh do kiệt nước. Những khu sản xuất nông nghiệp này cách xa sông, suối tự nhiên hoặc dung tích các hồ thủy lợi giảm mạnh.

“Năm nay thời tiết khô hanh nên tình trạng hạn hán khắc nghiệt hơn nhiều năm qua. Trước kia, sau Tết Nguyên Đán thường có vài trận mưa, còn năm nay nắng nóng kéo dài, không có mưa. Chúng tôi phải tận dụng lượng nước tích trữ trong các ao, hồ để tưới cà phê. Riêng đối với những diện tích cà phê trên đỉnh đồi, xa nguồn nước, rất khó để duy trì việc phun tưới. Chỉ mong sớm có mưa để cứu các vườn cà phê đang héo rũ”, ông Nguyễn Văn Thùy (huyện Lâm Hà) tâm tư.

Vùng bị thiệt hại nặng nhất giữa mùa nắng hạn khốc liệt ở Lâm Đồng ảnh 5
Người dân phải dựng những dàn sắt, đưa máy nổ lên cao mới hút được nước dẫn về vườn

Một số chuyên gia nông nghiệp cho rằng, Lâm Đồng là tỉnh có diện tích cà phê đứng thứ hai cả nước (sau Đắk Lắk) nhưng sản lượng lại cao nhất. Tình trạng khô hạn sẽ làm giảm năng suất cà phê chính vụ. Hiện giá cà phê đang ở mức cao nhất từ trước đến nay nên nhà vườn càng lo lắng, trông đợi vào những cơn mưa trái mùa.

MỚI - NÓNG