Theo đại diện Viện Kiểm sát, cả 58 dự án của Công ty Alibaba đều chưa chuyển mục đích sử dụng đất (SDĐ), chưa được phê duyệt. Đơn cử như dự án 176 ha tại Bình Thuận, mới trả 105 tỷ/175 tỷ đồng, nhưng Công ty Alibaba đã phân lô bán nền.
Ngoài ra, các bị cáo quảng cáo nhiều tiện ích của dự án như gần trường học, chợ, sân bay… trong khi thực tế những nội dung này là không có thật.
Đại diện Viện Kiểm sát tại phiên tòa. Ảnh chụp qua màn hình. |
Tại phiên tòa, luật sư của bị cáo Nguyễn Thái Luyện đề nghị Viện Kiểm sát chuyển từ tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” như Viện Kiểm sát đang truy tố và Tòa án đang xét xử, sang tội “Vi phạm quy định về đất đai" theo điều 228 Bộ luật hình sự.
Về đề nghị này, Viện Kiểm sát cho rằng, ngày 22/1/2018 Nguyễn Thái Lĩnh (em trai Luyện), đã bị UBND huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) xử phạt vi phạm hành chính trên 3.000 m2 đất, nhận 92 thửa đất nông nghiệp, sau đó ký ủy quyền cho bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) và Trần Huy Phúc (cựu Giám đốc Công ty Chiến Binh Thép) phân lô trái pháp luật, quảng cáo sai sự thật. Viện Kiểm sát nhận thấy truy tố bị cáo Nguyễn Thái Luyện tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là đúng.
Nguyễn Thái Luyện tại phiên tòa. |
Đối với Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện), luật sư bào chữa cho bị cáo này cũng đề nghị chuyển tội danh, bị cáo Mai có tình tiết giảm nhẹ (có thai, thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác cơ quan, bị hại có đơn yêu cầu giảm nhẹ án, có bác ruột là liệt sĩ, ông bà nội tham gia kháng chiến…). Bị cáo cũng kêu oan tội “Rửa tiền”.
Viện Kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố. Đối với tội “Rửa tiền”, theo Viện Kiểm sát, bị cáo Mai là giám đốc tài chính của Công ty Alibaba và là vợ Luyện, toàn bộ dòng tiền cũng như các kế hoạch đầu tư dự án, triển khai dự án, ký hợp đồng bán cho khách thì bị cáo đều biết. Khi cơ quan điều tra khám xét trụ sở, bị cáo đều biết. Đến thời điểm hiện tại số tiền 13 tỷ đồng bị cáo rút ra và chuyển trả cho vài người thì bị cáo đều biết.
Do đó, Viện Kiểm sát giữ nguyên quan điểm truy tố. Đồng thời cần xác định lại 13 tỷ đồng có phải nằm trong số tiền lừa đảo hay không? Nếu 13 tỷ đồng không nằm trong tiền lừa đảo thì sẽ oan sai cho bị cáo. Trong vụ án này bị cáo thành lập 22 pháp nhân công ty, cả 22 công ty chỉ nộp thuế môn bài và không nọp bất cứ khoản nào khác. Do đó Viện giữ nguyên quan điểm truy tố tội “Rửa tiền”.
Đối với Nguyễn Thái Lực (em trai Luyện), luật sư Đào Kim Lân bào chữa băn khoăn số hợp đồng bị cáo ký, số diện tích đất mua, bị cáo ký hợp đồng ủy quyền là hợp pháp vì tất cả các diện tích đều nhận chuyển nhượng hợp pháp, bị cáo không phân lô tách thửa, vậy truy tố tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” có đúng không? Đề nghị xác định số tiền, số bị hại mà cáo trạng truy tố.
Luật sư Đào Kim Lân cũng nêu rằng, tại tòa các bị hại khai đều đã đi xem đất thực tế, yêu cầu tiếp tục được nhận đất. Việc giao dịch hợp pháp, việc kinh doanh của Công ty Alibaba là hình thức kinh doanh mới, truy tố tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là không căn cứ, vì giao dịch dân sự giữa cá nhân – cá nhân, khách đồng ý tách thửa trong 12 tháng, thời gian chưa hết hợp đồng, cần trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Còn bị cáo Lực khai tin vào anh mình là Nguyễn Thái Luyện, bị cáo Lực không lừa ai.
Viện Kiểm sát nhận thấy, bị cáo Lực giúp sức cho bị cáo Luyện, nguồn gốc tiền 13,9 tỷ đồng được xác định là bất hợp pháp, là tiền thu của khách hàng nên tội “Rửa tiền” là đúng. Cơ quan điều tra khám xét trụ sở nhưng Lực vẫn nhận – rút tiền. Số tiền này đến nay vẫn chưa biết bị cáo Mai chuyển trả cho những ai.
Các bị cáo tại phiên tòa. |
Kết thúc phần đối đáp sáng nay, sau khi đưa ra các căn cứ, lập luận, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX bác bỏ quan điểm bào chữa của luật sư và các bị cáo. Đồng thời, Viện Kiểm sát tiếp tục khẳng định cáo trạng truy tố các bị cáo là đúng người, đúng tội, không oan sai.