Đây cũng là ngày xét xử mà hàng ngàn người (bị hại) đã mua đất của Alibaba hồi hộp chờ nghe quan điểm giải quyết vụ án của cơ quan công tố, trong đó có hướng giải quyết phần thiệt hại của bị hại.
Không tính lãi trong vụ án hình sự
Hình ảnh một số bị hại tại phiên tòa. Ảnh: PV |
Trong số trên 4.065 bị hại đã bị Nguyễn Thái Luyện và các bị cáo chiếm đoạt hơn 2.100 tỷ đồng, có người muốn tòa tuyên cho họ được nhận lại đất, nhưng phần đông bị hại mua đất của Công ty Alibaba muốn nhận lại tiền đã mua đất, thậm chí có người muốn được trả lại cả tiền gốc và phần lãi. Theo góc nhìn của kiểm sát viên T.H.C. (công tác tại một Viện Kiểm sát trên địa bàn TPHCM), nếu cơ quan tố tụng xác định tài sản mà cơ quan chức năng niêm phong, tạm giữ trong vụ án đủ để trả cho bị hại thì bị hại sẽ nhận được đủ tài sản hoặc giá trị tài sản tương đương phần bị thiệt hại, trong trường hợp không đủ thì sẽ được bồi thường theo tỉ lệ. Thiếu bao nhiêu thì Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm sẽ phải bù vào để trả cho bị hại. Về cách tính thiệt hại, theo thẩm phán X.T (lãnh đạo tại một tòa án ở TPHCM) thì thời điểm tính thiệt hại của bị hại là thời điểm họ mất quyền chủ sở hữu tài sản, tức là bị hại giao tiền cho bị cáo, chứ không phải thời điểm ký hợp đồng. Trong vụ án Công ty Alibaba, thời điểm tính thiệt hại là lúc bị hại nộp tiền cho Công ty Aliabba thông qua thủ quỹ, nhân viên của pháp nhân này.
Nguyễn Thái Luyện (phải ngoài cùng) tại phiên tòa |
Ngoài việc có thể buộc Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm bồi thường tiền (theo số tiền thực nộp cho Công ty Alibaba), theo thẩm phán X.T., mức bồi thường trong vụ án hình sự sẽ không được tính lãi. Tức bị hại đã đưa cho Công ty Alibaba bao nhiêu tiền, thì lấy lại bấy nhiêu. Việc tính lãi chỉ được thực hiện khi nào bản án có hiệu lực pháp luật, bị hại yêu cầu thi hành án mà Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm không thực hiện xong nghĩa vụ trả tiền cho bị hại thì hằng tháng Luyện và các bị cáo phải chịu khoản lãi đối với số tiền chậm trả, theo mức lãi suất quy định tại khoản 2, Điều 468 Bộ luật Dân sự, tương ứng với thời gian trả chậm.
Theo luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang (Đoàn luật sư TPHCM), trong vụ án Công ty Alibaba, các bị cáo bị truy tố tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, nếu bản án của tòa tuyên tội danh này thì bị hại có quyền đòi lại tiền bị chiếm đoạt. Quyền đòi lại đất chỉ phát sinh khi bị cáo chiếm đoạt đất của bị hại nên yêu cầu đòi đất không hợp lý và không có căn cứ. “Bị hại nên yêu cầu Công ty Alibaba trả lại tiền mà mình đã đầu tư mua đất và bồi thường thiệt hại do lỗi vi phạm hợp đồng và đưa bất động sản không đủ điều kiện kinh doanh vào giao dịch mua bán” - Luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang nói.
Cáo trạng xác định thiệt hại của 4.065 bị hại là trên 2.100 tỷ đồng. Cơ quan điều tra thu giữ tiền mặt khi khám xét là 9,2 tỷ đồng; thu giữ vàng (được định giá) trị giá trên 1 tỷ đồng; tạm giữ tiền trong tài khoản của 49 cá nhân là nhân viên và pháp nhân thuộc Công ty Alibaba với số tiền là 45 tỷ đồng; tạm giữ 23 ô tô, xe máy được định giá trị giá 16 tỷ đồng. Cơ quan tố tụng cũng kê biên 652 thửa đất, với tổng diện tích 4.480.697,6 m2. Tổng giá trị nhà và đất được kê biên trị giá trên 1.500 tỷ đồng. Ngoài ra cơ quan tố tụng cũng tạm giữ tiền đặt cọc thuê nhà trên địa bàn TPHCM của Công ty Alibaba số tiền 1,6 tỷ đồng.
Khi nào hơn 4.065 bị hại nhận được tiền?
Theo thẩm phán X.T, khi bản án hình sự và quyết định của toà án có hiệu lực cả về hình sự và dân sự, những người có tên trong bản án sẽ liên hệ với cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền để làm đơn yêu cầu thi hành phần dân sự. Trong vụ án Công ty Alibaba, theo Kiểm sát viên T.H.C. thì sau khi tuyên án sơ thẩm xong, nếu bị hại hay bị cáo không kháng cáo, sau 30 ngày, bản án sơ thẩm có hiệu lực, Cơ quan Thi hành án sẽ ra quyết định thi hành án (phát mãi tài sản…). Nếu có kháng cáo, kháng nghị thì chờ phiên tòa phúc thẩm, bản án phúc thẩm có thể hủy án sơ thẩm, điều tra, xét xử lại. Nếu cấp phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm thì bản án có hiệu lực, chuyển bản án qua thi hành án, phần dân sự sẽ giao cơ quan thi hành án có thẩm quyền thực hiện.
Nói về những trường hợp bị hại đòi đất, đòi tiền trong những ngày xét xử vụ Alibaba vừa qua, theo nguyên thẩm phán N.T. (tỉnh Hậu Giang), bị hại có nộp đơn đề nghị lấy đất, không yêu cầu lấy tiền, nhưng nếu tòa tuyên không giao đất cho bị hại thì bị hại sẽ không nhận được đất và tiền, vì bị hại không yêu cầu nhận tiền. Trong trường hợp này, bị hại sẽ phải đóng án phí. Trong trường hợp bị hại đòi đất, nếu không được thì nhận lại tiền, nếu bản án tuyên bác phần giao đất, trả tiền cho bị hại thì bị hại không phải đóng án phí.