Sáng nay (19/12), tại phiên tòa sơ thẩm của TAND TPHCM, xét xử vụ án xảy ra tại Công ty Alibaba, đại diện Viện Kiểm sát đã luận tội các bị cáo trong vụ án.
Theo đại diện Viện Kiểm sát, bị cáo Nguyễn Thái Luyện (cựu Chủ tịch Công ty Alibaba) là người chủ mưu, chỉ đạo xuyên suốt mọi hoạt động của Công ty Alibaba cùng 22 công ty trực thuộc.
Tuy bị cáo Luyện kêu oan, cho rằng không lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thông tin mua bán đất nền được công khai, minh bạch...nhưng đại diện Viện Kiểm sát khẳng định có đủ cơ sở xác định "ông trùm" đã tự vẽ ra các dự án không có thật để lừa đảo chiếm đoạt tài sản hàng nghìn khách hàng.
Các bị cáo tại phiên tòa. |
Đối với lời khai của bị cáo Luyện, cho rằng các dự án của Công ty Alibaba là có thật đã và đang được hình thành, đại diện Viện kiểm sát khẳng định, bị cáo Luyện có hiểu biết về pháp luật và biết rõ các quy định về Luật đất đai 2013, Luật kinh doanh bất động sản 2014… Công ty Alibaba đã tự vẽ 58 dự án nhưng chưa làm thủ tục xin lập dự án. Bị cáo Luyện không có ý định lập dự án mà tự vẽ để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của khách hàng.
Đại diện Viện Kiểm sát cũng bác lời khai và cam kết trả đầy đủ tiền gốc và lãi cho khách hàng của bị cáo Nguyễn Thái Luyện. Theo đó, cam kết này là không có căn cứ thực hiện vì thực tế, đã có rất nhiều bị hại khai báo đã tới hạn nhận tiền trước khi bị cáo Luyện bị khởi tố nhưng Công ty Alibaba vẫn không thanh toán.
Về khai nhận, tiền kinh doanh của công ty Alibaba là do bị cáo Luyện tích luỹ và vay mượn gia đình, theo Viện Kiểm sát, lời khai này của bị cáo là không có căn cứ, mâu thuẫn với hồ sơ vụ án và lời khai của các bị cáo trong vụ án.
Đối với nhiều bị hại xin nhận đất, Viện Kiểm sát khẳng định là do trong thời gian làm thủ tục mua bán, các bị hại đã được các đối tượng dẫn đi xem đất và nhiều người muốn có nơi an cư. Đại diện Viện Kiểm sát chia sẻ với khách hàng nhưng thực tế là các nền đất không bao giờ có để khách hàng an cư bởi các dự án của Công ty Alibaba chưa xin giấy phép, không có thật…
"Các lô đất mà Nguyễn Thái Luyện rao bán không đủ điều kiện, đất chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng nên không có căn cứ xem xét đề nghị của các bị hại"- đại diện Viện Kiểm sát nhấn mạnh.
Đại diện Viện Kiểm sát đang nêu quan điểm giải quyết vụ án tại phiên tòa sáng nay 19/12. Ảnh: Tân Châu (ảnh chụp qua màn hình). |
Đại diện Viện kiểm sát cho rằng hành vi của bị cáo Nguyễn Thái Luyện rất tinh vi. Đối tượng khách hàng mà Luyện hướng tới là những người có thu nhập thấp, hiểu biết pháp luật hạn chế. Mặc dù, tại tòa, Nguyễn Thái Luyện không thừa nhận hành vi phạm tội nhưng căn cứ vào hồ sơ vụ án và diễn biến tại tòa, Viện Kiểm sát xác định cáo trạng truy tố bị cáo này là đúng người, đúng tội, không oan sai.
Từ những phân tích trên, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt Nguyễn Thái Luyện mức án tù chung thân.
Các bị cáo tại phiên tòa. |
Đối với bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ bị cáo Luyện) tuy thừa nhận hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, nhưng kêu oan về tội “Rửa tiền”, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định: Căn cứ vào hồ sơ vụ án và diễn biến phiên tòa, có đủ cơ sở xác định lời kêu oan của bị cáo Mai là không có căn cứ. Cáo trạng truy tố bị cáo này là không oan sai.
Theo đại diện Viện Kiểm sát, khi Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hình sự, bị cáo Mai sợ số tiền gửi trong ngân hàng sẽ bị phong tỏa nên đã chỉ đạo thuộc cấp chuyển 13 tỷ đồng cho Mai sử dụng.
Hành vi này của bị cáo Mai đã phạm vào tội “Rửa tiền”, vì tại thời điểm Cơ quan điều tra khám xét có bị cáo Mai chứng kiến. Và, nguồn tiền xác định là thu từ khách hàng bản chất là tiền do phạm tội mà có.
Vì vậy, theo Viện Kiểm sát, hành vi của bị cáo Võ Thị Thanh Mai phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Rửa tiền”. Đại diện Viện Kiểm sát đề nghị tòa tuyên phạt bị cáo Mai 30 năm tù, tổng hợp hình phạt chung cho 2 tội danh.
Đối với hành vi 21 bị cáo còn lại trong vụ án, đại diện Viện Kiểm sát xác định cáo trạng truy tố là đúng người, đúng tội.
Những người này phạm tội với vai trò đồng phạm giúp sức cho bị cáo Luyện. Do đó, Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt các bị cáo từ 5 năm đến 20 năm tù.