Vụ 'cò' Hoa: Nạn nhân nhịn đói theo đuổi phiên tòa

Vạ vật ăn ngủ chờ dự toà
Vạ vật ăn ngủ chờ dự toà
TP - Ngày 20/3, TAND tỉnh Đắk Lắk tiếp tục xét xử vụ án “cò” Hoa và đồng bọn lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 60 hộ dân. Phiên tòa diễn ra dài ngày khiến các bị hại mệt mỏi. Cơm bụi, mì tôm sống, ngả lưng vạ vật… là cảnh trưa thường thấy của những người dân nghèo tại tòa.

Nhịn ăn dự tòa

Giữa nắng trưa gay gắt, anh Trần Phú (SN 1961, ở xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột) vừa nhai mì tôm sống vừa kể: “Vợ tôi đau ốm suốt, tôi vừa phải gánh vác công việc nhà vừa làm thuê kiếm tiền nuôi đứa con trai đang học đại học ở Đà Nẵng.

Để có tiền đầu tư chăm sóc cà phê, tôi nhờ chị Hoa làm hồ sơ vay 100 triệu ai ngờ bị lừa vay lên 200 triệu, đã vậy Hoa còn trừ tiền lãi trước 6 tháng và tiền hoa hồng nên tôi chỉ nhận được có 50 triệu. Tòa mở đúng lúc con trai tôi lại bị tai nạn nằm ở BV Đa khoa Đà Nẵng, vợ chồng tôi phải thay nhau người ra kẻ vào để vừa chăm con vừa dự tòa, mong lấy lại được số tiền bị lừa để trả cho ngân hàng”.

Bị hại Trần Thị Truyền nói thêm: “Lúc ở tòa, nghe tin con bị tai nạn, ổng đâu có tiền, chúng tôi phải góp lại mỗi người vài chục cho ông đi thăm con. Những ngày đi dự tòa, nhà xa không về trưa được, ổng phải nhịn, chúng tôi ăn gì đều cho ổng ăn cùng để qua cơn đói”.

Cùng chung nỗi khổ, bà Đỗ Thị Hường (SN 1958) nức nở kể: “Vì tin lời ngon ngọt của Hoa, tôi giấu chồng cho Hoa vay ké, ai ngờ Hoa không chịu trả. Khi biết chuyện, chồng tôi đồng ý bán nửa khu vườn để đóng lãi cho Hoa từ năm 2009 đến 2013 nhưng vẫn chưa trả xong nợ. Chồng tôi ngày nào cũng chửi mắng, thậm chí đánh đập, đuổi tôi ra khỏi nhà”.

Mong được khoanh nợ, trả dần

Đó là mong muốn của tất cả các bị hại nêu trước tòa trong vụ án. Bị hại chị Trần Thị Quý bày tỏ: “Mong các cơ quan có thẩm quyền, nhất là ngân hàng cho người dân được khoanh nợ, trả nhiều đợt trong nhiều năm, tiếp tục tạo điều kiện cho người dân tiếp tục vay vốn”.

Các bị hại cũng đề nghị, với các khoản nợ mà bị cáo Hoa vay ké, hoặc làm giả hồ sơ vay, đề nghị cơ quan chức năng làm rõ và có biện pháp buộc Hoa phải trả số tiền đó cho ngân hàng; mong tòa xét xử vụ án đúng người đúng tội.

Nghe nguyện vọng của người dân, ông Văn Ngọc Duyến, Giám đốc Phòng Giao dịch Tân Lợi (thuộc Agribank chi nhánh Đắk Lắk) nói trước tòa: “Cần có sự phối hợp giữa ngân hàng và khách hàng (các bị hại) trong việc khắc phục hậu quả. Tôi sẽ đề nghị ngân hàng cấp trên đầu tư thêm nguồn vốn, tạo điều kiện cho người dân được vay dài hạn, có thời gian khắc phục hậu quả”.

MỚI - NÓNG