Vòng kim cô đẳng cấp

TP - Ngày 25/7, Ấn Độ sẽ có một tổng thống thứ hai xuất thân từ tầng lớp đáy xã hội. Sự kiện này không chỉ hiển lộ sức mạnh nền dân chủ mới 67 năm tuổi dám xuyên thủng một trật tự phân biệt đẳng cấp dai dẳng 3.000 năm mà còn cho thấy một điều khác.

Năm 1970 khi sang Ấn, Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đem theo một thư ký người Ấn tên là A. Sankaran. Đến Raj Bhavan tức Tòa nhà Chính phủ, ông thấy “một việc cực kỳ lạ thường” - đội bảo vệ ở đó răm rắp như thể anh là chỉ huy của họ. Té ra A.Sankaran thuộc Bà La Môn (Brahmins), đẳng cấp cao quý nhất trong xã hội có năm đẳng cấp.

Mặc dù cảm thấy khá hơn chút so với tổ tiên bất hạnh của mình, đẳng cấp thấp nhất là “tiện dân” (dalit) vẫn bị khinh như mẻ bất chấp hiến pháp tuyên bố mọi người bình đẳng. Ngày 13/7/2016, một nữ sinh đại học “tiện dân” 20 tuổi ở miền bắc Ấn bị hiếp. Ba năm trước, chính năm tên du đãng ấy thuộc tầng lớp trên từng gây án. Thấy đơn kiện, chúng hiếp cô lần nữa để trả thù.

Ngày 28/7/2016 ở huyện Mainpuri, bang miền bắc Uttar Pradesh, chồng bị chặt đầu, vợ bị tẩn đến chết. Nguyên do là cặp vợ chồng có bốn con nhỏ “tiện dân” này nợ quá hạn chủ hàng 15 rupees, tương đương 0,22 USD. Cùng năm 2016, “tiện dân” Rohith Vemula tự treo cổ. Nghiên cứu sinh Đại học Hyderabad bang Telangana muốn lấy cái chết để lên án xã hội khoác áo dân chủ nhưng kỳ thực vẫn dung dưỡng kỳ thị.

Kể từ khi thiết lập nền cộng hoà năm 1950, mọi công dân Ấn đều có quyền ngang nhau. Từ đây trở đi, muốn thắng cử, các ứng viên không thể bỏ qua cộng đồng 300 triệu “tiện dân” trong tổng số 1.300 triệu người.

Đương kim Thủ tướng Narendra Modi chiếm được ghế này năm 2014 là nhờ lần đầu tiên có sự ủng hộ của cử tri “tiện dân”. Để giữ thế thượng phong, đảng cầm quyền Bharatiya Janata Party (BJP), vì thế, phải tiếp tục tranh thủ “tiện dân”, tầng lớp của chính ông Ram Nath Kovind 71 tuổi vốn hầu như vô danh cho đến khi đóng chức tổng thống Ấn thứ 14.

Theo mô hình dân chủ Anh, thực quyền ở hệ thống chính trị Ấn nằm trong tay thủ tướng thay vì tổng thống. Song cái vị thế dù ít thực lực ấy cũng báo hiệu đòi hỏi tất yếu của xã hội phải làm gì đó mạnh hơn nữa để triệt hẳn thói đạp lên đầu giới cần lao mà vẫn rao giảng đạo đức, dân chủ. Hy vọng mong manh ấy là nền tảng căn bản cho cả nước Ấn tiến lên như kỳ vọng của Shashi Tharoor, một chính trị gia Ấn và cựu phó tổng thư ký Liên Hợp Quốc.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.