Việt Nam được gì, mất gì từ việc Fed cắt giảm lãi suất?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo các chuyên gia của VinaCapital, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất trước tiên là tin tốt, nhưng nền kinh tế Mỹ chậm lại có khả năng làm giảm nhu cầu tiêu dùng của Mỹ đối với các sản phẩm “made in Vietnam" như: Máy tính xách tay, điện thoại di động và các hàng hóa khác.

Fed vừa thông báo cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản khi đối mặt với lạm phát giảm và những dấu hiệu rõ ràng cho thấy nền kinh tế Mỹ đang chậm lại. Đối với kinh tế Việt Nam, các chuyên gia của VinaCapital cho rằng việc cắt giảm lãi suất lần này của Fed có thể là con dao hai lưỡi.

Nguyên nhân là giá trị đồng USD giảm sẽ làm giảm áp lực mất giá lên đồng VNĐ, nhưng nền kinh tế Mỹ chậm lại sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP của Việt Nam.

VinaCapital khẳng định, Fed cắt giảm lãi suất trước tiên là tin tốt. Đầu năm nay, VNĐ đã mất giá gần 5% so với đầu năm, buộc Ngân hàng Nhà nước phải thắt chặt chính sách tiền tệ bằng cách hút bớt thanh khoản khỏi hệ thống.

Một số chuyên gia còn dự đoán Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng lãi suất chính sách của Việt Nam thêm 50 điểm cơ bản vào cuối năm nay. Những diễn biến này đã giúp hỗ trợ giá trị của đồng VNĐ, nhưng áp lực mất giá của các tỷ giá ngoại tệ trong khối ASEAN chỉ thực sự giảm bớt từ cuối tháng 6 khi kỳ vọng về việc Fed cắt giảm lãi suất bắt đầu tăng lên.

Thị trường hiện kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất hơn 100 điểm cơ bản trong năm nay và thêm 100 điểm cơ bản nữa vào năm sau, điều này đã khiến đồng VNĐ tăng gần 4% kể từ cuối tháng 6, cùng với sự tăng giá từ 7-10% của đồng Ringgit của Malaysia, Baht của Thái và Rupiah của Indonesia.

Việc đồng Rupiah của Indonesia tăng giá mạnh đã giúp ngân hàng trung ương nước này cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản xuống còn 6%. VinaCapital không kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ làm điều tương tự, tuy nhiên hiện tại không có khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng lãi suất, vì mức mất giá của VNĐ hiện chỉ còn dưới 1,5% so với đầu năm, vẫn nằm trong vùng an toàn của Ngân hàng Nhà nước.

Việt Nam được gì, mất gì từ việc Fed cắt giảm lãi suất? ảnh 1

Nền kinh tế Mỹ chậm lại có khả năng làm giảm nhu cầu tiêu dùng của Mỹ đối với các sản phẩm "made in Vietnam" như điện thoại di động.

Theo các chuyên gia của VinaCapital, điều đáng lo ngại hơn là ý nghĩa của việc cắt giảm lãi suất đối với tình trạng của nền kinh tế Mỹ. Bởi xuất khẩu sang Mỹ tăng gần 30% trong 8 tháng đầu năm là yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay.

Nền kinh tế Mỹ chậm lại có khả năng làm giảm nhu cầu tiêu dùng của Mỹ đối với các sản phẩm "made in Vietnam" như máy tính xách tay, điện thoại di động và các hàng hóa khác. Vì vậy, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2025 sẽ phải dựa vào các yếu tố nội tại để bù đắp tác động của nền kinh tế Mỹ đang chậm lại.

Chính phủ có nhiều công cụ có thể sử dụng để thúc đẩy nền kinh tế như: Tăng cường chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và thúc đẩy sự phục hồi của lĩnh vực bất động sản.

VinaCapital dự báo, khối lượng giao dịch bất động sản tại Việt Nam sẽ tăng tới 35% so với cùng kỳ năm trước trong 9 tháng đầu năm nay. Thị trường bất động sản sôi động hơn chắc chắn sẽ cải thiện tâm lý tiêu dùng và chi tiêu của người dân vốn có phần bị trầm lắng trong năm.

Dù không ngạc nhiên về việc Fed cắt giảm lãi suất nhưng các chuyên gia của VinaCapital lại tỏ ra lo ngại về ý nghĩa của quy mô cắt giảm này đối với nền kinh tế Mỹ. “Chúng tôi đã nhiều lần nhấn mạnh quan điểm rằng, sự thúc đẩy GDP của Việt Nam hiện tại từ tăng trưởng xuất khẩu có thể sẽ giảm dần trong năm tới và động thái của Fed về cơ bản đã xác nhận điều đó”, chuyên gia của VinaCapital nói.

Theo các chuyên gia của VinaCapital, tăng cường chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và đẩy nhanh sự phục hồi của thị trường bất động sản là hai công cụ mạnh mẽ mà Chính phủ có thể sử dụng để tránh những tác động tiêu cực.

MỚI - NÓNG