Ngày 23/6, báo Người lao động – Ban tổ chức (BTC) cuộc thi “Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm” và “Thiêng liêng cờ Tổ quốc” năm 2021-2022 đã tổ chức lễ trao giải tại TPHCM.
Giao lưu với chương trình từ Pháp (trực tuyến), tác giả Nguyễn Thanh Tòng - nguyên Phó Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Pháp - đạt giải Nhì cuộc thi viết “Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm” đã bày tỏ sự xúc động khi nhắc đến tác phẩm "Thau nước ngọt và nghĩa tình Trường Sa” của mình.
Theo ông Tòng, chuyến thăm Trường Sa và nhà giàn DK1 năm 2016 khắc ghi nhiều kỷ niệm, nhớ nhất vẫn là những thau nước ngọt nghĩa tình mà các cán bộ, chiến sĩ dành cho đoàn kiều bào về thăm quê hương.
Những thau nước ngọt dùng để rửa tay trở thành hình ảnh quen thuộc trên các đảo ở Trường Sa. Ảnh: BTC |
Ông Tòng chia sẻ: “Ai được đến thăm các đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 chắc hẳn rất ngạc nhiên khi thấy những chậu rau xanh mướt, cạnh đó là gà, vịt, heo. Nhờ chắt chiu từng giọt nước ngọt mà các anh tạo ra không gian xanh, sức sống mới nơi biển đảo với thời tiết khắc nghiệt.
Chỉ khi đặt chân lên quần đảo Trường Sa - các “pháo đài thép” trên thềm lục địa phía Nam của Việt Nam, bạn mới thấy nước ngọt quý đến dường nào. Cũng vì thế mà chúng tôi không nỡ sử dụng những thau nước ấy, bởi các anh phải tiết kiệm từng giọt để đem lại màu xanh cho đảo, tăng gia sản xuất, cải thiện bữa ăn hằng ngày”.
Tác giả Nguyễn Thanh Tòng - nguyên Phó Chủ tịch Hội Người Việt Nam giao lưu trực tuyến với chương trình từ Pháp. |
Ông kể: Thấy chúng tôi lưỡng lự, một chiến sĩ trẻ tươi cười: "Có gì đâu các bác, xin đừng bận tâm. Đây là tấm lòng của đồng đội chúng cháu trên đảo đáp lại ân tình đất liền, với bà con người Việt của mình ở khắp bốn phương trời". Chiến sĩ trẻ này còn bảo: "Các bác cứ yên tâm, chúng cháu vẫn sống khỏe, lạc quan lắm, luôn sẵn sàng, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của ta".
“Quả thật, có trực tiếp đến Trường Sa mới thấy các cán bộ, chiến sĩ khó khăn, vất vả thế nào. Ở đây, các anh luôn nêu cao ý thức tiết kiệm nước ngọt. Ngoài việc được tiếp tế từ đất liền, các cán bộ, chiến sĩ phải hứng nước mưa để dự trữ sử dụng cho mùa khô.
Thau nước ngọt mà các cán bộ, chiến sĩ chắt chiu cũng là thông điệp nhắc nhở chúng ta: Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải gìn giữ bằng được chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”- ông Nguyễn Thanh Tòng chia sẻ.
Được biết, tính đến ngày 15/5/2022 (hạn chót nhận bài dự thi), BTC cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm" đã tiếp nhận hơn 200 tác phẩm dự thi qua các thể loại: phóng sự, ký sự, ghi chép, bình luận, phản ánh, bài cảm tưởng...
Kết quả, Hội đồng chung khảo đã chọn ra 5 tác phẩm xuất sắc nhất trao giải, gồm 1 giải nhất (50 triệu đồng), 1 giải nhì (30 triệu đồng), 1 giải ba (20 triệu đồng) và 2 giải khuyến khích (mỗi giải 10 triệu đồng).
Nguyên phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trao giải cho tác giả Nguyễn Trung Trực đạt Giải Nhất bộ ảnh "Tổ quốc trong trái tim người lính mũ nồi xanh". |
Bên cạnh đó, BTC cuộc thi ảnh "Thiêng liêng cờ Tổ quốc" cũng đã nhận được gần 1.000 tác phẩm. Tính đến cuối tháng 5/2022, BTC đã sơ tuyển, chọn đăng hơn 200 bộ ảnh, ảnh đơn trên Báo. Kết quả, Hội đồng chung khảo đã chọn 5 tác phẩm ảnh xuất sắc nhất để trao giải, gồm 1 giải nhất, 1 giải nhì, 1 giải ba và 2 giải khuyến khích. Tổng giá trị giải thưởng của cuộc thi ảnh này là 70 triệu đồng.
Tác giả Hà My (Ngô Phước Tuấn), đạt Giải Nhất cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm" với tác phẩm "Lá thư từ Trường Sa". |
Ông Tô Đình Tuân – Tổng biên tập Báo Người Lao động nhận xét, nhiều tác phẩm tại cuộc thi "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm" đề xuất được ý tưởng, giải pháp hay về tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức giữ gìn, đấu tranh bảo vệ chủ quyền của đất nước; về phát triển kinh tế biển, bảo vệ môi trường biển Việt Nam; về phân giới cắm mốc đất liền, xây dựng đời sống văn hóa khu vực biên giới đất liền...