Chủ động khởi nghiệp, gìn giữ chủ quyền biển đảo

Phó trưởng Ban Dân vận T.Ư Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Chánh Văn phòng T.Ư Đảng Bùi Văn Thạch, Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Ngọc Lương trao đổi cùng với các đại biểu dự Hội nghị ảnh: T.P
Phó trưởng Ban Dân vận T.Ư Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Chánh Văn phòng T.Ư Đảng Bùi Văn Thạch, Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Ngọc Lương trao đổi cùng với các đại biểu dự Hội nghị ảnh: T.P
TP - Các đại biểu thanh niên công chức, viên chức, doanh nhân trẻ, lực lượng vũ trang đã chia sẻ nhiều ý kiến tâm huyết về bảo vệ môi trường; phát triển nguồn nhân lực; thúc đẩy chương trình khởi nghiệp sáng tạo; xây dựng thế trận an ninh quốc phòng; gìn giữ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc tại Hội nghị góp ý dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Chiều 2/11, T.Ư Đoàn tổ chức Hội nghị thanh niên công chức, viên chức, doanh nhân trẻ, lực lượng vũ trang góp ý dự thảo các Văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư gợi ý, đây là dịp để bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của đoàn viên, thanh niên với Đảng; phát huy vai trò, vị trí, trí tuệ của bản thân với đất nước. “Chúng tôi kỳ vọng rất lớn vào các ý kiến tại hội nghị, vì công chức, viên chức, lực lượng vũ trang tham gia hội nghị đều rất tiêu biểu, cần phát huy tốt vai trò của mình trong đóng góp vào các Văn kiện Đại hội”, anh Lương nói.

Góp ý tại Hội nghị, anh Phùng Quang Thắng, Bí thư Đoàn thanh niên Văn phòng T.Ư Đảng cho rằng, các dự thảo Văn kiện cần nhấn mạnh thêm nội dung về bảo vệ môi trường. Bởi hiện nay, ô nhiễm môi trường đang là thách thức gay gắt, ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế xã hội. “Ví dụ như ô nhiễm môi trường không khí ở Hà Nội hay lũ lụt nghiêm trọng vừa xảy ra tại miền Trung”, anh Thắng nêu.

Đại diện Đoàn thanh niên Bộ KH&CN cho rằng, hoạt động khởi nghiệp trong tương lai sẽ phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, qua nghiên cứu dự thảo Văn kiện, thành tố của thuật ngữ “Quốc gia khởi nghiệp” chưa được đề cập và mong muốn được hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Bảo vệ chủ quyền trên biển và không gian mạng

Đại úy Trần Văn Hiểu, Bí thư Đoàn Học viện An ninh nhân dân góp ý, đề nghị bổ sung nội dung về xây dựng thế trận an ninh nhân dân trên không gian mạng. Theo anh Hiểu, sự phát triển không ngừng của các dịch vụ internet, đặc biệt là sự xuất hiện và phát triển nhanh chóng của các kết nối không dây, mạng xã hội, các thiết bị di động thông minh đã hình thành nên một không gian xã hội mới được gọi là “không gian mạng” - nơi mà thế giới ảo đan xen với thế giới thực. “Nhiều nước trên thế giới đã xác định không gian mạng là “lãnh thổ đặc biệt” và là vùng tác chiến mới. Thực tiễn cho thấy, các thế lực thù địch cũng đã và đang triệt để lợi dụng không gian mạng để tăng cường các hoạt động chống phá cách mạng Việt Nam. Với những nguy cơ và tác động hiện hữu, không gian mạng đã thực sự trở thành một trận tuyến mới trong cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia nói riêng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa nói chung”, anh Hiểu nói.

Cũng theo anh Trần Văn Hiểu, cần nhấn mạnh nội dung về “xây dựng thế trận an ninh trên biển”, bởi tình hình các hoạt động trên biển và yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc trên biển trong thời gian qua đang có nhiều diễn biến phức tạp và được quan tâm hơn bao giờ hết. Hơn nữa, chúng ta đã có chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn tới 2045, trong đó xác định vấn đề huy động sức mạnh và nguồn lực đảm bảo an ninh quốc phòng, hợp tác quốc tế và phát triển kinh tế biển. “Đây chính là cơ sở, đòi hỏi cấp thiết phải xây dựng thế trận an ninh nhân dân trên biển để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đó”, anh Hiểu nói.

Thượng tá Phạm Khoa Nam, Trưởng phòng Công tác quần chúng, Quân chủng Hải quân góp ý về việc phát triển bền vững kinh tế biển với đảm bảo quốc phòng an ninh. Theo anh Nam, để thực hiện thắng lợi định hướng, nhiệm vụ phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng an ninh, cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về phát triển kinh tế gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo.

Thượng tá Nam cho rằng, cần phát triển các ngành kinh tế biển trọng điểm như khai thác dầu khí, đóng tàu, đánh bắt cá, nuôi trồng hải sản, dịch vụ biển; khuyến khích công ty dầu khí các nước lớn đầu tư thăm dò ở những vùng biển xa. Tiếp tục đầu tư cho các đảo xa bờ, nhất là huyện đảo Trường Sa… Tăng cường xây dựng sức mạnh quốc gia trên biển, tương xứng với tầm quan trọng của biển, nhất là các lực lượng hải quân, biên phòng, cảnh sát biển, kiểm ngư có vũ khí; trang bị hiện đại, đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

MỚI - NÓNG