Vì sao Triều Tiên sợ 'xâm lược văn hoá' từ Hàn Quốc?

0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un. (Ảnh: KCNA)
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un. (Ảnh: KCNA)
TPO - Triều Tiên đang tăng cường cuộc chiến chống “xâm lược” văn hoá, cảnh báo người dân tránh xa mọi thứ của Hàn Quốc, bao gồm thời trang, âm nhạc, kiểu tóc và cả tiếng lóng.

Trong những năm qua, Hàn Quốc xây dựng một nền văn hoá có sức ảnh hưởng mạnh mẽ. Những sản phẩm âm nhạc và phim ảnh của nước này thu hút số lượng đông đảo người hâm mộ trên khắp thế giới.

Nhưng có một nơi đang cố ngăn chặn ảnh hưởng văn hoá của Hàn Quốc tràn qua biên giới.

Trong mấy chục năm qua, Triều Tiên gần như đóng cửa hoàn toàn với thế giới và kiểm soát chặt chẽ mọi thông tin ra vào đất nước. Những tài liệu của nước ngoài như phim ảnh và sách báo đều bị cấm, và những ai vi phạm sẽ bị phạt nặng.

Tuy nhiên, các biện pháp hạn chế gần đây có vẻ lỏng hơn, khi quan hệ giữa Triều Tiên với Trung Quốc mở rộng. Xu hướng cởi mở hơn đã giúp một số sản phẩm văn hoá Hàn Quốc như nhạc pop du nhập vào Triều Tiên.

Tuy nhiên, tình hình Triều Tiên hiện đang xấu đi rất nhanh, và các biện pháp kiểm soát đang được siết chặt hơn.

Đầu tháng này, nghị sĩ Hàn Quốc Ha Tae-keung nói sau khi dự cuộc họp của cơ quan tình báo nước này rằng chính quyền Triều Tiên đang tăng cường kiểm soát cách người dân ăn mặc và nói năng. Ví dụ, phụ nữ Hàn Quốc thường dùng từ “oppa” để gọi bạn trai, nhưng từ này giờ bị cấm ở Triều Tiên. Phụ nữ Triều Tiên phải gọi người yêu là “đồng ý nam”, ông Ha nói.

Các phim tuyên truyền ở Triều Tiên cũng lên án nhiều hành vi thể hiện “ảnh hưởng của nước ngoài” như biểu hiện tình cảm chỗ đông người. Những người vi phạm bị gọi là “kẻ thù không đội trời chung của cách mạng”, ông Ha dẫn thông tin từ Cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc cho biết.

Tuần trước, báo Rodong Sinmun có bài viết thúc giục người dân “trung thành với lời kêu gọi của đất nước”.

“Đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng và chiến tranh văn hoá là cuộc chiến không tiếng súng”, bài biết của Rodong Sinmun dẫn lời nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Dù không nêu thẳng tên Hàn Quốc, bài viết nói rằng việc thua trong cuộc chiến văn hoá sẽ “gây hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều so với thua trên chiến trường”.

Quần áo, kiểu tóc và ngôn ngữ “là sự phản ánh suy nghĩ và tinh thần”, bài viết nói. “Ngay cả những lúc mọi người ca hát và nhảy múa, họ cũng nên hát và nhảy theo lời ca và giai điệu phù hợp với thời đại và tình cảm của dân tộc”, Rodong Sinmun kêu gọi.

Những điều này nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng các chuyên gia cho rằng những thứ tưởng như vô thưởng vô phạt như tiếng lóng lại thể hiện một sự đấu tranh quyền lực và kiểm soát phức tạp hơn nhiều. Và sự chấp nhận của Triều Tiên đối với ảnh hưởng của nước ngoài luôn thay đổi cùng với sự thay đổi về đời sống kinh tế và ngoại giao quốc tế.

Trong khi đời sống kinh tế của người Triều Tiên còn gặp muôn vàn khó khăn, Hàn Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giơi, với GDP trên đầu người tương đương những nước châu Âu như Pháp và Italy. Quyền lực mềm cũng mở rộng thông qua xuất khẩu các sản phẩm văn hoá như âm nhạc, đồ ăn và các sản phẩm làm đẹp ra khắp thế giới.

Đó là lý do Triều Tiên rất sợ ảnh hưởng từ nước ngoài, như tiếng lóng Hàn Quốc, vì điều đó có nghĩa là “thừa nhận mô hình xã hội khác đang chiếm ưu thế, còn mô hình của Triều Tiên không hiệu quả”, GS Andrei Lankov tại ĐH Kookmin ở Seoul đánh giá.

Ông Lankov nói rằng việc người Triều Tiên bắt chước kiểu tóc, quần áo và ngôn ngữ của Hàn Quốc chỉ ra hai điều: sự tiếp cận với các tài liệu bị cấm và sự ngưỡng mộ của họ đối với Hàn Quốc.

Ngăn cấm điều này không có nghĩa là các lãnh đạo Triều Tiên lo sợ nguy cơ nổi dậy, nhưng sẽ là sự thừa nhận về thế giới bên ngoài và tình hình ở Triều Tiên, do đó có thể làm suy yếu tính hợp pháp và toàn bộ khuôn khổ ý thức hệ, ông Lankov nhận định.

Theo CNN
MỚI - NÓNG