Vì sao người Argentina cuồng bóng đá đến mức ân nhân suốt đời của Messi không muốn họ vô địch?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Cả đất nước Argentina đang phát cuồng vì World Cup. Điều này tốt hay xấu, đáng để vui hay nên cảm thấy buồn? Thật khó để nói khi xứ sở tango đang hành động bằng con tim, không phải lí trí.
Vì sao người Argentina cuồng bóng đá đến mức ân nhân suốt đời của Messi không muốn họ vô địch? ảnh 1

“Năm 1978 tôi đi nghĩa vụ quân sự, nhiệm vụ là canh giữ trạm phát sóng truyền hình màu tới toàn thế giới (Argentina phải xây dựng gấp hệ thống truyền hình màu để phục vụ World Cup 1978). Tôi túc trực ở đó 24/24 và không được xem một trận World Cup nào. Tôi đã tự hứa với bản thân một ngày nào đó phải tham dự giải đấu này”. Đó là câu chuyện của Oscar, một CĐV lớn tuổi người Argentina.

Vì cuộc sống chẳng dư dả gì, ông đã không thể thực hiện ý định đó. Cho đến tận bây giờ khi đã nghỉ hưu, chứng kiến Lionel Messi cùng đồng đội bùng nổ ở World Cup 2022, lại nhân dịp 30 năm ngày cưới, Oscar quyết định vét hết tiền tiết kiệm để hai vợ chồng tới Qatar. “Chúng tôi đang ở đây để hiện thực hóa giấc mơ”, ông nói khi đang đi trong khu chợ Souq Waqif để chờ tới trận chung kết.

Oscar là một trong 30.000 người Argentina có mặt tại Lusail để chứng kiến Argentina đối đầu với Pháp. Tính cả giải có khoảng 4 vạn CĐV xứ tango hiện diện ở Qatar, nhiều hơn mọi quốc gia khác. Nếu không kể năm 2014 giải đấu diễn ra ở hàng xóm Brazil, đây là kỳ World Cup họ có đông người hâm mộ nhất.

Vì sao người Argentina cuồng bóng đá đến mức ân nhân suốt đời của Messi không muốn họ vô địch? ảnh 2Vì sao người Argentina cuồng bóng đá đến mức ân nhân suốt đời của Messi không muốn họ vô địch? ảnh 3

Oscar và Evelyn, hai trong số 30.000 CĐV Argentina ở Qatar sẵn sàng cho trận chung kết. (Ảnh: LaNacion)

Đạt được con số này là nỗ lực phi thường của người Argentina, đặt trong bối cảnh kinh tế đất nước nằm bên sườn dãy Andes đang vô cùng tồi tệ. Dưới thời chính phủ của Tổng thống Alberto Fernandez, lạm phát đã tăng vọt lên 83%, dự kiến đạt 130% vào năm 2023.

Tờ 1.000 peso, đồng tiền có mệnh giá lớn nhất Argentina, chỉ đủ mua một chiếc bánh cùng tách café, trong khi các ngân hàng thường xuyên hết tiền. Mức lương tối thiểu ở Argentina hiện khoảng 60.000 peso mỗi tháng, nhưng dữ liệu chính phủ nói rằng một người cần có thu nhập 120.000 peso mới trên mức nghèo. Nó có nghĩa ngay cả những người có việc làm, phần lớn đều ở mức nghèo khổ.

“Nếu hôm nay ăn thịt, nhiều ngày sau chỉ có thể ăn cơm không. Thịt bây giờ là cái gì đó thiêng liêng với chúng tôi”, Oscar nói, “Nhưng bóng đá còn thiêng liêng hơn. May mà vợ tôi còn cuồng bóng đá hơn cả tôi”.

Vì sao người Argentina cuồng bóng đá đến mức ân nhân suốt đời của Messi không muốn họ vô địch? ảnh 4

Cả đất nước Argentina sôi sục vì World Cup 2022. (Ảnh: Getty Images)

Theo tính toán của Oscar, tổng chi phí cho chuyến đi vài ngày tới Qatar, từ vé máy bay, vé xem trận đấu đến ăn ở, đi lại có thể lên đến 15.000 USD (tức 2,6 triệu peso, hay 353 triệu VNĐ). Số tiền này đủ để ông cùng vợ du lịch ở bất kỳ đâu trên thế giới trong vài tuần. Chi phí sẽ rẻ hơn nếu mua được vé từ FIFA, nhưng điều đó là không tưởng vào lúc này. Hiện vé chợ đen đã lên đến 2.000 USD (47,1 triệu VNĐ).

Ariel, một người Argentina khác đang ở Qatar, nói rằng “chuyến đi làm tiêu tốn cả một gia tài”. Cách duy nhất khiến anh “không muốn tự sát” vì số tiền đã chi ra là không quy đổi nó sang peso (hiện 1 USD tương đương 172.449 peso). Evelyn, nữ CĐV đến từ tỉnh Catamarca, Argentina, tiết lộ “đã bỏ ra số tiền tiết kiệm trong 9 năm” và khi trở về tiếp tục trả nợ vì “tiêu hơn 1 triệu peso từ thẻ tín dụng”.

John Carlin, cây viết người Argentina tự nhận trên tờ The Times rằng “có một khoảng cách lớn giữa thói tự phụ của người Argentina với những gì họ đạt được”, và rằng xứ tango “đã chịu đựng nửa thế kỷ kém phát triển về kinh tế, đồng thời cũng thất bại ở khía cạnh văn hóa”.

Chỉ có bóng đá mới có thể giúp họ kiêu ngạo và nuôi ảo tưởng về sự vĩ đại. Đó là lý do người Argentina yêu bóng đá, cuồng bóng đá và khát khao chức vô địch đến tột cùng. Như lần này, gần như cả nước chơi một canh bạc lớn, sẵn sàng hy sinh tất cả cho khoảnh khắc Messi cùng đồng đội đăng quang.

Vì sao người Argentina cuồng bóng đá đến mức ân nhân suốt đời của Messi không muốn họ vô địch? ảnh 5Vì sao người Argentina cuồng bóng đá đến mức ân nhân suốt đời của Messi không muốn họ vô địch? ảnh 6

Người hâm mộ Argentina ăn mừng chiến thắng ở Buenos Aires. (Ảnh: LaNacion)

Riêng bác sỹ Diego Schwarzstein không nghĩ rằng chức vô địch tốt cho Argentina. 25 năm trước ông là người đưa ra phương pháp điều trị cho căn bệnh thiếu hụt hormone tăng trưởng của Messi. Bằng những ống tiêm hormone tăng trưởng mỗi ngày, Messi đã đạt được tầm vóc như hiện nay (1,7m theo số liệu từ PSG), qua đó hoàn thành giấc mơ trở thành cầu thủ, một siêu sao toàn cầu.

Messi không bao giờ quên vai trò của Schwarzstein trong sự nghiệp, thậm chí cuộc đời anh. Năm 2001, trước khi chuyển tới Barcelona, nơi chấp nhận chi trả hóa đơn thuốc men đắt đỏ, Messi đã tặng cho ông chiếc áo số 9 của anh ở học viện Newell's Old Boys. Trên đó anh ghi nguệch ngoạc dòng chữ: “Dành tặng Diego, với tình yêu từ Leo Messi”. Vài năm trước, biết tin con trai của Schwarzstein tới Barcelona, Messi lập tức đến đó và đưa vào phòng thay đồ Barca.

Schwarzstein luôn tự hào với điều mình đã làm. Và ông rất muốn được thấy Messi trở thành nhà vô địch World Cup. Tuy nhiên đó là tiếng nói con tim, còn lí trí thì không. “Bỏ qua bóng đá, là một công dân Argentina, một con người có trách nhiệm với đất nước, tôi không muốn Argentina vô địch”, ông nói, “Tôi đã mong họ bị loại ngay từ vòng bảng”.

Vì sao người Argentina cuồng bóng đá đến mức ân nhân suốt đời của Messi không muốn họ vô địch? ảnh 7

Bác sỹ Diego Schwarzstein và chiếc bút tiêm mà Messi dùng để tiêm hormone tăng trưởng. (Ảnh: TheTimes)

“Năm nay 58 tuổi, tôi đã trải qua nhiều thăng trầm của đất nước, nhưng chưa bao giờ trải qua cuộc khủng hoảng nào tồi tệ như lần này”, ân nhân suốt đời của Messi cho biết, “Thay vì tập trung cải thiện tình hình, người ta sẽ sử dụng chiến thắng của đội tuyển để che đậy thực trạng hiện tại. Ai biết được, hoàn toàn có khả năng thông báo phá giá tiền tệ được đưa ra lúc người dân đang mải ăn mừng chiến thắng”.

Lo lắng của Schwarzstein không phải không có lý. Như đã thấy, rất nhiều người hâm mộ Argentina bỏ nhà bỏ cửa và tiêu hết những gì họ có cho chuyến đi tới Qatar. Sau đó thì sao, không ai có câu trả lời.

Tại xứ tango, những màn ăn mừng cũng là cơ hội cho tội phạm hoạt động. Rất nhiều báo cáo về tình trạng trộm cắp xảy ra ở các nhà hàng, cửa tiệm tại Argentina trong lúc cả nước đổ ra đường mừng thắng trận. Mọi thứ rất hỗn loạn, khi tất cả dùng bóng đá như liều thuốc để quên đi những nhức nhối đang phải đối mặt. Liều thuốc này tốt hay xấu, thật khó để nói chính xác.

MỚI - NÓNG