‘Tại Argentina, người ta đang bán nhà để đi xem chung kết World Cup’

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Một đất nước yêu bóng đá dĩ nhiên sẽ rất hân hoan khi đội tuyển của mình xuất hiện ở một trận chung kết World Cup. Nhưng ở Argentina, mọi thứ còn hơn thế rất nhiều. Dưới góc phân tích của chuyên gia kinh tế hàng đầu Argentina, Salvador Di Stefano, NHM trung lập sẽ có cái nhìn rõ nét hơn về độ “điên” của các tín đồ túc cầu giáo tại xứ Tango khi trận chung kết đang đến gần.
‘Tại Argentina, người ta đang bán nhà để đi xem chung kết World Cup’ ảnh 1

Trong bài viết mới đây trên Yahoo, ông Salvador Di Stefano chia sẻ: “Chiến thắng của Albiceleste trước Croatia và việc họ lọt vào trận chung kết đã tạo nên một biển người đổ ra đường. Họ ăn mừng cả đêm và trong suốt nhiều ngày, dường như cảm giác lâng lâng vẫn đọng lại.

Truyền hình ngày đêm đưa tin những câu chuyện về “Scaloneta”, trong khi những trường học bị tê liệt bởi giáo viên và học sinh đều cùng nhau xem các trận đấu của Argentina, đều bàn tán về bóng đá. Có lẽ, chẳng ai còn bận tâm đến chuyện học hành trong những ngày này.

Sự cuồng tín của người Argentina là rất, rất lớn. Tôi không thấy người châu Âu bắt con cái họ phải nghỉ học một ngày để đi xem World Cup... Tuy nhiên, ở Argentina thì nghỉ học chưa là gì. Ông bà, cha mẹ, con cháu sẵn sàng đi đến Qatar xem bóng đá. Họ đã dắt theo cả chó đến sân để cổ vũ cho đội tuyển quốc gia.

‘Tại Argentina, người ta đang bán nhà để đi xem chung kết World Cup’ ảnh 2

Học sinh Argentina được nghỉ học khi đội tuyển ra sân

Theo dữ liệu từ công ty du lịch Despegar, lượt tìm kiếm các chuyến bay từ Argentina đến Qatar đã tăng 4 lần sau chiến thắng trước Croatia. Đây là sự gia tăng đột biến so với 1 ngày trước đó. Trong vòng nửa giờ sau khi kết thúc trận bán kết, các hãng hàng không đã bán hết vé cho chuyến bay dự kiến sẽ khởi hành sau đây 3 ngày, khiến nhiều hãng phải bố trí chuyến bay bổ sung”.

Theo ông Di Stefano, để thỏa mãn giấc mơ World Cup, rất nhiều gia đình Argentina sẵn sàng bán nhà, không cần biết khi trở về sẽ sống ở đâu: “Bất cứ ai quyết định ném đi ngôi nhà của mình để cố gắng đi từ Buenos Aires đến Doha xem trận chung kết phải trả tiền vé khứ hồi từ 7 đến 10 ngàn USD.

Ngoài ra còn phải kể đến chỗ ở và chi phí đi lại, ăn uống ở Qatar. Trong khi tại Argentina, hầu hết mọi người đều nhận lương bằng đồng peso, và việc mua USD để tiết kiệm hoặc chi tiêu ở nước ngoài gần như là không thể, trừ khi bạn đến chợ đen, nơi chúng có giá gần gấp đôi.

‘Tại Argentina, người ta đang bán nhà để đi xem chung kết World Cup’ ảnh 3

Nhiều người Argentina đi xem World Cup mà không cần biết mai này sẽ ra sao

À, bạn có thể sử dụng thẻ tín dụng để chi tiêu bằng USD, nhưng nếu chi vượt quá tổng số 300 USD mỗi tháng, bạn sẽ phải trả một mức thuế rất cao. Hiện tại, mức lương tối thiểu ở Argentina là 57.900 peso (181 USD/tháng), và trong quý hai, tỷ lệ thất nghiệp đã chiếm đến 6,9% dân số. Trong một xã hội mà phần lớn dân số sống nhờ vào trợ cấp của nhà nước hoặc công việc không ổn định, đây thực sự là điều đáng lo ngại”.

Khi được hỏi làm thế nào mà Argentina, vốn đang rơi vào khủng hoảng kinh tế, vẫn là một trong những quốc gia đóng góp nhiều du khách nhất tại World Cup 2022? Di Stefano khẳng định: “Đó là vì chúng tôi rất vui vẻ, rất hâm mộ bóng đá và chúng tôi có một nền kinh tế cho phép nhiều người đi du lịch theo cách đó. Ở Argentina, bóng đá gần như là một tôn giáo và tất cả chúng tôi đều coi nó như vậy, chúng tôi bị ám ảnh bởi nó.

Chúng tôi có 47 triệu người Argentina và tầng lớp thượng lưu là 5%. Con số này cho thấy khoảng 2,3 triệu người có năng lực kinh tế ổn định, họ sở hữu hầu hết của cải ở đất nước chúng tôi. Thế nên họ không gặp vấn đề gì khi đi du lịch nước ngoài để xem bất kỳ trận đấu nào chứ không riêng gì bóng đá”.

Còn lại hầu hết là tầng lớp bình dân đang sống với nỗi lo lạm phát từng ngày. Theo ông Di Stefano, trong tháng 10/2022, trung bình một người dân xứ Tango phải chi nhiều hơn 1,88 lần để mua một sản phẩm so với cùng thời điểm 1 năm về trước. Nửa đầu năm 2022, có tới 36,5% dân thành thị Argentina là người nghèo (tương đương 10,6 triệu)".

Qua những thống kê trên, cộng với đôi dòng chia sẻ của chuyên gia Di Stefano, có thể thấy lúc này, chỉ có bóng đá mới có thể xoa dịu những khó khăn của người dân xứ Tango.

MỚI - NÓNG