Ngày 26/11, trả lời phỏng vấn CNN, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố phi công nước này bắn hạ Su-24 Nga chỉ "đơn giản là hoàn thành nhiệm vụ", và khẳng định "ai vi phạm không phận của chúng tôi thì người đó mới phải xin lỗi".
Đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tuyên bố rằng chiếc Su-24 Nga đã vi phạm không phận của nước này trong 17 giây, và việc F-16 của họ phóng tên lửa bắn hạ chiếc máy bay hoàn toàn là "hành động tự vệ để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ".
Theo chuyên gia bình luận quốc tế Mark Galeotti của Guardian, phản ứng của không quân Thổ Nhĩ Kỳ trong vụ bắn hạ Su-24 này là "đi quá xa so với thông thường", và nó thể hiện sự mâu thuẫn của chính tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ về cách ứng phó với "hành động xâm phạm không phận" trong một sự cố năm 2012.
Ngày 22/6/2012, lực lượng phòng không Syria bắn hạ một máy bay trinh sát F-4 của Thổ Nhĩ Kỳ sau khi chiếc phi cơ này bay vào vùng trời Syria trong 5 phút. Sau khi chiếc F-4 bị hạ, ông Erdogan, lúc đó là thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, đã rất giận dữ và tuyên bố rằng đây là hành động quá đáng của Syria, bởi theo ông "hành vi vi phạm biên giới trong thời gian ngắn không bao giờ có thể là cái cớ cho một vụ tấn công".
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ lúc đó là Abdullah Gul tuyên bố "việc các chiến đấu cơ thỉnh thoảng bay ra bay vào biên giới của nước khác là bình thường". Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen lúc đó đã bày tỏ sự ủng hộ đối với đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ và gọi đây là "một ví dụ khác chứng tỏ chính quyền Syria coi thường các thông lệ quốc tế". Hai tuần sau, Tổng thống Syria bày tỏ sự hối tiếc về sự cố và cam kết sẽ không để tình hình leo thang thành một cuộc xung đột với Thổ Nhĩ Kỳ.
Có vẻ như những tuyên bố mới đây của ông Erdogan hoàn toàn mâu thuẫn với những gì ông từng đưa ra vào năm 2012, bởi thời gian 17 giây mà Su-24 Nga xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ (nếu có) không thể nào bị coi là "hành vi vi phạm biên giới trong thời gian dài", hay là một mối đe dọa an ninh nghiêm trọng cần phải bị bắn hạ, theo chuyên gia Galeotti.
Theo các quy ước thông thường được không quân các nước trên thế giới chấp thuận, khi máy bay quân sự nước ngoài vi phạm không phận, chiến đấu cơ nước chủ nhà sẽ tìm mọi cách để thiết lập liên lạc, cảnh báo bằng lời nói, cử chỉ, bay cắt mặt, ép hạ cánh. Chỉ khi máy bay lạ có động thái thù địch, họ mới khai hỏa để tiêu diệt, nhưng trước đó cần phải bắn pháo sáng hoặc súng máy để cảnh cáo.
Bởi vậy, chuyên gia này cho rằng hoàn toàn dễ hiểu khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov gọi vụ tấn công là một "hành động gây hấn" và là "một cuộc mai phục" được lên kế hoạch từ trước.
Tờ Al-Amar của Syria cho biết vụ phóng tên lửa vào chiếc Su-24 có vẻ như đã được chuẩn bị rất kỹ càng. Ngay sau khi chiếc Su-24 trúng tên lửa, từ phía Thổ Nhĩ Kỳ đã có ít nhất 8 chiếc máy quay chĩa lên bầu trời, thu lại cảnh máy bay Nga bốc cháy dữ dội và đâm xuống núi.
Chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: F-16.net.
Cuộc chiến ngầm
Ngày 26/11, Tổng thống Nga Vladimir cho biết ông vẫn đang chờ đợi một lời xin lỗi từ phía Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên giới quan sát cho rằng với hai nhà lãnh đạo có cá tính mạnh mẽ như ông Putin và ông Erdogan, khả năng này sẽ khó xảy ra, và có vẻ như tuyên bố mới đây của ông Erdogan đã chứng minh điều đó.
Chuyên gia phân tích Fiona Hill thuộc Viện Brookings cho rằng "tính cách và phong thái chính trị của Tổng thống Erdogan và Tổng thống Putin khá giống nhau, nếu không muốn nói là người nọ phản chiếu người kia". Điều này làm dấy lên lo ngại rằng nguyên thủ hai nước sẽ không ai chịu nhún nhường, khiến căng thẳng hai nước có thể leo thang thành xung đột quân sự.
Chuyên gia phân tích hàng đầu người Nga Pavel Felgenhauer cho rằng nếu tình hình không được kiểm soát tốt, trong tương lai, đụng độ có thể xảy ra "khi chiến đấu cơ Nga tấn công máy bay Thổ Nhĩ Kỳ để bảo vệ các máy bay ném bom của họ, hoặc hải chiến có thể nổ ra giữa các hạm đội Thổ Nhĩ Kỳ và Nga".
Tuy nhiên, chuyên gia này chỉ ra rằng trong lúc ông Putin tuyên bố hành động bắn hạ máy bay là "phản bội và ngu ngốc", còn ông Erdogan vẫn khăng khăng "có quyền bảo vệ không phận", ngoại trưởng hai nước vẫn đang "làm điều mà các nhà ngoại giao vẫn làm và cố gắng giải quyết vấn đề theo con đường ngoại giao".
Với sự vào cuộc của bộ máy ngoại giao, ông Felgenhauer nhận định Nga – Thổ sẽ không sa vào một cuộc xung đột vũ trang công khai, nguy hiểm. Thay vào đó, hai nước sẽ huy động hệ thống tình báo quy mô lớn của mình để thực hiện các chiến dịch ngầm ở Syria.
Tổng thống Nga Putin (trái) và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan trong một cuộc gặp cuối năm 2014. Ảnh: TASS.
Tại đây, Nga có thể tăng cường thu thập thông tin và tập trung tấn công các nhóm phiến quân người Turk được Ankara hậu thuẫn. Vụ không kích vào một đoàn xe chở đồ tiếp tế cho phiến quân xuất phát từ Thổ Nhĩ Kỳ sau hôm 24/11 có lẽ là biểu hiện đầu tiên của hoạt động này, theo ông Felgenhauer. Nga cũng có thể ủng hộ lực lượng người Kurd ở khu vực biên giới có những hành động chống lại Thổ Nhĩ Kỳ.
Người Thổ nhiều khả năng sẽ tiếp tục trang bị vũ khí và khuyến khích các nhóm phiến quân tăng cường hoạt động trên lãnh thổ Syria để khiến Nga phải hứng chịu thêm thiệt hại.
"Bằng hành động khai hỏa của mình, Thổ Nhĩ Kỳ đã khơi mào cho một cuộc xung đột chưa thấy hồi kết. Dù xung đột này sẽ được kiểm soát để không đi quá xa, nó đang góp phần hình thành một cuộc chiến ủy nhiệm trên biên giới Syria", chuyên gia này nhấn mạnh.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị gặp Putin ở Paris
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đề nghị gặp Tổng thống Nga Putin bên lề hội nghị biến đổi khí hậu tổ chức ở Paris sắp tới, nhưng chưa được Moscow trả lời.
"Tôi đã đề nghị gặp gỡ người đứng đầu nhà nước Nga ở Paris vào 30/11, nhưng chưa nhận được câu trả lời", ông Erdogan nói trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình France 24 hôm qua.
Trước thông tin này, theo Sputnik, phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitry Peskov cho biết, trong lịch trình làm việc dự định, không sắp xếp cuộc gặp riêng nào giữa Tổng thống Nga và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Peskov nhấn mạnh, chuyến thăm nước Nga vào ngày 15/12 tới của ông Ergodan không chính thức bị hủy bỏ, nhưng "có rất nhiều vấn đề" phát sinh trong những diễn biến gần đây.
Lyubov Glebova, người đứng đầu Cơ quan Hợp tác quốc tế Liên bang Nga, cho biết Diễn đàn Công thường niên giữa Nga - Thổ Nhĩ Kỳ đã bị hủy bỏ.
Quan hệ giữa Nga và Thổ căng thẳng sau khi máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi Su-24 của Nga. Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố máy bay Nga xâm phạm không phận nước mình và có quyền bảo vệ không phận, còn Moscow phủ nhận, cho rằng hành động của Ankara là "cú đâm sau lưng" của kẻ "đồng lõa với khủng bố thực hiện".
Hội nghị biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 21 sẽ tổ chức vào tuần tới tại Paris, Pháp. 138 lãnh đạo nhà nước và chính phủ sẽ tham gia, trong đó có Tổng thống Nga Putin.