Vì sao Bà Rịa-Vũng Tàu có gần 1.000 cán bộ, công chức nghỉ việc?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Cán bộ, công chức, viên chức ở Bà Rịa-Vũng Tàu nghỉ việc vì hoàn cảnh gia đình, lương thấp, sức khỏe không đảm bảo, áp lực công việc. Do đó, Bà Rịa-Vũng Tàu yêu cầu các đơn vị, địa phương cần quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng, cải thiện môi trường làm việc…

Ngày 29/10, Sở Nội vụ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, trong thời gian từ đầu năm 2020 đến tháng 7/2022, có 956 cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh nghỉ, thôi việc theo nguyện vọng.

Trong đó số cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính nghỉ việc là 64 trường hợp. Có 24 công chức cấp tỉnh nghỉ việc theo nguyện vọng vì các lý do hoàn cảnh gia đình, sức khỏe không đảm bảo. Công chức cấp huyện có 42 trường hợp nghỉ việc.

Có 892 trường hợp viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập nghỉ, thôi việc. Nguyên nhân chủ yếu là hoàn cảnh gia đình, lương thấp, sức khỏe không đảm bảo, áp lực công việc. Trong đó, lĩnh vực giáo dục và đào tạo có số trường hợp nghỉ nhiều nhất là 425 người, ngành y tế với 218 trường hợp…

Trước tình trạng này, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có công văn chỉ đạo các cơ quan hành chính cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh và các địa phương nhằm khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc trên địa bàn.

Vì sao Bà Rịa-Vũng Tàu có gần 1.000 cán bộ, công chức nghỉ việc? ảnh 1

Lương thấp, sức khỏe không đảm bảo, áp lực công việc khiến nhiều nhân viên y tế ở Bà Rịa-Vũng Tàu nghỉ việc.

Theo đó, Bà Rịa-Vũng Tàu yêu cầu các đơn vị, địa phương cần quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp cơ sở; cải thiện môi trường làm việc theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, cạnh tranh lành mạnh, tạo cơ hội phát triển, gắn kết, gắn bó, ổn định của đội ngũ. Có chính sách hỗ trợ kịp thời đối với cán bộ, công chức, viên chức có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

Đổi mới công tác bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức để tạo cơ hội, điều kiện phát triển, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ. Khuyến khích, tạo điều kiện để họ được tham gia học tập nâng cao trình độ, năng lực qua các chương trình, dự án đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước và nước ngoài một cách thiết thực...

Rà soát, bổ sung quy hoạch và xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa trình độ đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đảm bảo tiêu chuẩn; xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý có năng lực, uy tín để tổ chức tốt, công việc, tạo niềm tin, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức làm việc.

Chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tạo tư tưởng yên tâm làm việc tại cơ quan, đơn vị, địa phương. Kịp thời kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Ngoài ra, cần đổi mới lề lối làm việc, cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; đẩy nhanh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công vụ và cung ứng dịch vụ sự nghiệp công…

UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có báo cáo gửi Bộ Nội vụ, trong đó kiến nghị một số giải pháp như cần đẩy nhanh chính sách tiền lương để nâng cao đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Đối với ngành giáo dục và đào tạo, ngành y cần xây dựng thêm những chế độ chính sách đãi ngộ để động viên viên chức công tác.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.