Chia sẻ với phóng viên về thực tế công việc và thu nhập, bác sĩ N.H.T. công tác tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân Dân Gia Định nói: “Tôi đã có thâm niên nhiều năm làm bác sĩ tại khoa cấp cứu nhưng mức lương hiện nay chỉ được hơn 10 triệu đồng. Tôi quen nhiều người, muốn tiến tới hôn nhân nhưng khi biết thu nhập của tôi thì bạn gái đều nói lời xin lỗi. Có người còn thẳng thắn nói lời chia tay vì lý do thu nhập của tôi không thể lo được cho con cái nếu lập gia đình. Tuy nhiên, thu nhập của tôi vẫn còn khá hơn bác sĩ trẻ, đặc biệt là điều dưỡng”.
Về tình hình đấu thầu cung ứng thuốc tại các bệnh viện, ông Đỗ Văn Dũng cho biết: “Hiện nay, ngành y tế TPHCM có 73 hội đồng thầu, đã có 63 đơn vị y tế có kết quả lựa chọn nhà thầu, các đơn vị còn lại đang tiến hành lựa chọn nhà thầu. Công tác mua sắm thuốc đang đảm bảo rất tốt cho nhu cầu khám chữa bệnh tại các bệnh viện”.
Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhân Dân Gia định thời gian qua là điểm nóng của các vụ việc người bệnh và thân nhân có hành vi bạo hành nhân viên y tế. Theo bác sĩ H.T. phòng cấp cứu là nơi đầu sóng ngọn gió nhưng thu nhập không tương xứng nên số lượng nhân sự luôn thiếu và bất ổn. "Nhân viên y tế không đủ để đáp ứng cho nhu cầu chăm sóc, điều trị của bệnh nhân là một trong những lý do dễ dẫn đến bức xúc cho người bệnh"- bác sĩ T. thừa nhận.
Sau đại dịch COVID-19, nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trên địa bàn TPHCM đang phục hồi và tăng. Theo thống kê của Sở Y tế TPHCM trong 9 tháng đầu năm 2022, các bệnh viện trên địa bàn đã tiếp nhận hơn 26,2 triệu lượt bệnh nhân thăm khám, điều trị ngoại trú và nội trú. Số lượt khám chữa bệnh đang phục hồi nhưng ngành y tế đang đối mặt với khó khăn về nhân sự chuyên môn khi “làn sóng” nghỉ việc của nhân viên y tế trong hệ thống công lập đang ngày càng tăng cao.
Y tế cơ sở thiếu thuốc khiến bệnh nhân đổ dồn lên tuyến trên gây quá tải |
BS Bùi Nguyễn Thành Long, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Y Sở Y tế TPHCM cho biết, trong và sau dịch COVID-19, nhân viên y tế phải lao động rất vất vả nhưng nguồn thu nhập thêm lại bị cắt giảm đang khiến làn sóng nghỉ việc tại các cơ sở y tế công lập tăng cao.
Tại Hội nghị tổng kết công tác khám chữa bệnh trong 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2022 diễn ra mới đây, PGS.BS Tăng Chí Thượng, thông tin , trong 9 tháng qua, hệ thống y tế công lập đã ghi nhận hơn 1.000 cán bộ, nhân viên y tế nghỉ việc (10 tháng đầu năm 2021 số nhân viên y tế nghỉ việc gần 1.000 người - PV). “Số điều dưỡng nghỉ càng lúc càng tăng, tỉ lệ điều dưỡng/bác sĩ tại các bệnh viện giảm dần. Nghiêm trọng hơn, tại một số bệnh viện có những khoa bác sĩ đang nhiều hơn điều dưỡng” - ông Thượng nhấn mạnh.
Để giữ chân nhân viên y tế, Sở Y tế TPHCM đang đề xuất UBND thành phố xem xét chi ngân sách với số tiền 500 triệu đồng để giải quyết thu nhập tăng thêm cho nhân viên y tế. Bên cạnh đó, sở cũng kiến nghị các giải pháp hỗ trợ học phí cho sinh viên theo học ngành điều dưỡng; bổ sung thêm chức danh trợ lý điều dưỡng để đáp ứng nhu cầu chăm sóc của người bệnh.
Trạm y tế thiếu thuốc
Một trong những vấn đề nổi cộm khác của ngành y tế trong thời gian qua là tình trạng hệ thống trạm y tế không đủ thuốc điều trị các bệnh lý mạn tính theo danh mục bảo hiểm y tế. Thiếu thuốc tại trạm y tế là một trong những nguyên nhân chính khiến người bệnh phải lên tuyến trên để khám chữa bệnh, gây nên quá tải. Nhiều người mắc bệnh mạn tính đang mong muốn có thể khám và nhận thuốc tại trạm y tế gần nơi mình sinh sống.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Tuấn (72 tuổi, ngụ tại phường 4, quận 8) nói: “Tôi bị cao huyết áp, đái tháo đường và bệnh lý tim mạch phải uống thuốc, theo dõi điều trị liên tục. Mỗi lần hết thuốc bảo hiểm y tế, con tôi lại phải nghỉ việc để đưa đến bệnh viện khám và nhận thuốc mới. Tuy nhiên, bệnh viện luôn quá tải, để được nhận thuốc có hôm tôi khám buổi sáng nhưng phải đến buổi chiều mới được cấp thuốc. Tôi chỉ mong trạm y tế gần nhà có thuốc bảo hiểm y tế để có thể tự đến khám và lãnh thuốc”.
Theo PGS Tăng Chí Thượng, hiện nay toàn thành phố có 310 trạm y tế nhưng xét về cơ số thuốc thì rất ít trạm có được cơ số thuốc tương đối, hầu hết trạm y tế đều thiếu.
Dược sĩ Đỗ Văn Dũng, Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược, Sở Y tế TPHCM cho biết: “Sau nhiều lần chuẩn bị, Sở Y tế đã tham mưu UBND thành phố trình Bộ Y tế xin mở rộng danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương để cung cấp cho tuyến y tế cơ sở với 300 loại thuốc. Đến nay, các bệnh viện, các trung tâm y tế đều đã đồng thuận, các sở ngành cũng đã đồng thuận với phương án trên. Sở Y tế đang chờ ý kiến đồng thuận của Bộ Y tế về việc mở rộng danh mục thuốc và đồng ý tuyến 4 (theo phân tuyến khám chữa bệnh - PV) sẽ sử dụng thuốc của tuyến 3 và được thanh toán bảo hiểm y tế với các bệnh mạn tính không lây nhiễm”.