Sáp nhập huyện, xã: Khuyến khích cán bộ, công chức dôi dư nghỉ việc

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nghị quyết yêu cầu nghiên cứu, ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật khác có liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính để tạo thuận lợi cho các địa phương kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp, bố trí công tác cán bộ; có chính sách ưu đãi, khuyến khích phù hợp theo hướng khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức dôi dư nghỉ việc ngay.
Sáp nhập huyện, xã: Khuyến khích cán bộ, công chức dôi dư nghỉ việc ảnh 1
Việc sắp xếp đơn vị hành chính trong giai đoạn 2022 - 2030 cần xác định đối tượng, lộ trình thực hiện phù hợp. Ảnh minh hoạ

Bán đấu giá các trụ sở dôi dư

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Nghị quyết nêu rõ, trong giai đoạn 2019 - 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 48 nghị quyết về việc sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.056 đơn vị hành chính cấp xã tại 45 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, qua đó cả nước đã giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị (giảm được 3.437 cơ quan ở cấp xã và 429 cơ quan ở cấp huyện), tinh giản biên chế (tính đến hết năm 2021, ở cấp xã giảm 3.595 người, ở cấp huyện giảm 141 người), giảm chi ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2019 - 2021 đạt khoảng 2.008,63 tỷ đồng…

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, việc bố trí, sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính còn lúng túng, số lượng người dôi dư cần tiếp tục giải quyết còn nhiều. Vẫn còn nhiều trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức ở các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp chưa được bố trí, sử dụng hiệu quả; việc tổ chức thanh lý, bán đấu giá các trụ sở, tài sản công dôi dư sau sắp xếp còn chậm và gặp nhiều khó khăn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu sớm hoàn thành việc bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư; khẩn trương rà soát danh sách các trụ sở của cơ quan, tổ chức ở các đơn vị hành chính đã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2019 - 2021 mà đến nay vẫn chưa được bố trí sắp xếp, sử dụng hoặc thanh lý. Đối với các trụ sở có khả năng chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng thì khẩn trương làm thủ tục bàn giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu...

“Tổ chức bán đấu giá các trụ sở dôi dư, không sử dụng để bổ sung kinh phí cho địa phương. Chính phủ chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn việc thực hiện thủ tục thanh lý, bán đấu giá tài sản, quyền sử dụng đất tại các trụ sở công thuộc diện này, bảo đảm đơn giản thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, tránh gây lãng phí, giảm giá trị do hư hỏng, tài sản xuống cấp”, Nghị quyết nêu rõ.

Xác định đối tượng, lộ trình phù hợp

Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị nghiên cứu, ban hành Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2022 - 2030 để làm cơ sở tiếp tục triển khai việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn mới.

Nghị quyết cũng yêu cầu nghiên cứu, ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật khác có liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính để tạo thuận lợi cho các địa phương kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp, bố trí công tác cán bộ; có chính sách ưu đãi, khuyến khích phù hợp theo hướng khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức dôi dư nghỉ việc ngay.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý, việc sắp xếp đơn vị hành chính trong giai đoạn 2022 - 2030 cần xác định đối tượng, lộ trình thực hiện phù hợp, gắn với yêu cầu tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp và bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Việc sắp xếp đơn vị hành chính phải bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ.

“Khuyến khích các địa phương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã không thuộc diện bắt buộc phải sắp xếp để mở rộng không gian phát triển, tăng quy mô của đơn vị hành chính, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động”, Nghị quyết nêu.

Chính phủ có trách nhiệm thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc bố trí, sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư của các địa phương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính trong giai đoạn 2019 - 2021 để kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đánh giá kết quả thực hiện và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong quý II năm 2025

MỚI - NÓNG