Chiều 23/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) quan tâm đến giá vé máy bay cao so với thu nhập bình quân của người dân.
Theo bà Phúc, từ đầu năm đến nay giá vé máy bay tăng rất cao, trung bình từ 13-25%. Về việc này, cơ quan chức năng cho rằng dù giá vé nội địa tăng nhưng “vẫn trong khung giá” quy định. Bà Phúc cho rằng điều đó không sai nhưng qua kết quả tìm kiếm thì giá vé nội địa chênh lệch cao so với các nước trong khu vực.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu). |
Nữ đại biểu cho rằng, có rất nhiều câu hỏi đặt ra xoay quanh việc: Tại sao giá vé máy bay nội địa khá đắt so với thu nhập bình quân của người dân Việt Nam? Tình trạng khan hiếm vé máy bay xảy ra thường xuyên, hãng hàng không báo lỗ...
Nêu vấn đề, bà Phúc nói, cử tri và nhân dân mong muốn Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) quan tâm, chỉ đạo, có giải pháp tạo cơ chế cạnh tranh minh bạch trong các hoạt động vận chuyển, kinh doanh hàng không; cần thu hút đa dạng các nhà đầu tư hạ tầng hàng không.
Đại biểu cũng đề nghị xem xét quy định áp giá trần hay giá sàn với vé máy bay nội địa, bởi khi tăng cao, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến xã hội, ngành du lịch, mà còn tác động ngược lại đối với sự phát triển của ngành hàng không.
Trước đó, tại phiên thảo luận ở tổ, đại biểu Bùi Hoài Sơn (Hà Nội) cũng đề nghị làm rõ nguyên nhân khiến giá vé tăng cao và giải pháp để bình ổn, bởi giá vé tăng cao sẽ làm giảm nhu cầu đi lại, cũng như ngành du lịch, khách sạn.
So sánh giá vé trong nước cao hơn nhiều so với Thái Lan, ông Sơn đề nghị có gói hỗ trợ cho hàng không để có chương trình giảm giá. Theo ông, hợp tác giữa ngành hàng không và du lịch lâu nay vẫn mạnh ai nấy làm, lợi ai người ấy hưởng, không chia sẻ rủi ro.
Do vậy, hai ngành du lịch và hàng không cần hợp tác chặt chẽ, đưa ra các sản phẩm khuyến mãi, giúp giảm giá vé máy bay. “Về lâu dài, Việt Nam cần đầu tư trung tâm bảo dưỡng máy bay, hạ chi phí dịch vụ lĩnh vực này.