Vào mùa dịch tay chân miệng

Vào mùa dịch tay chân miệng
TP - Tại TPHCM những ngày qua, số trẻ mắc dịch tay chân miệng vẫn không ngừng tăng lên kèm theo những biến chứng nặng nề.

> Liên tiếp tử vong do bệnh tay chân miệng

Trẻ mắc bệnh chân tay miệng đang được điều trị tại BV Nhi đồng 1 Ảnh: L.N
Trẻ mắc bệnh chân tay miệng đang được điều trị
tại BV Nhi đồng 1 Ảnh: L.N.

Tăng gần 100%

Hai ngày qua, khoa Nhiễm Thần kinh BV Nhi đồng 1 tiếp nhận 10 trẻ mắc tay chân miệng, trong đó có 2 trẻ bị biến chứng thần kinh. Khoa này đang điều trị cho hơn 40 trẻ mắc tay chân miệng, nhiều trẻ trong số đó nhập viện muộn, bệnh nặng phải thở máy. Tình trạng tương tự diễn ra ở khoa Nhiễm BV Nhi đồng 2, khi từ đầu tháng 4 đến nay, mỗi ngày nơi đây cũng tiếp nhận 5-10 trẻ mắc căn bệnh này.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm Thần kinh BV Nhi đồng, từ tháng 3 đến nay, số trẻ mắc tay chân miệng nhập viện ngày một tăng do dịch bệnh vào mùa. “Không chỉ trẻ ở TPHCM mà hơn một nửa trẻ bệnh được chuyển đến từ các tỉnh lân cận. Nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng bệnh đã bị biến chứng nặng phải thở máy, rất nguy kịch”, bác sĩ Khanh cho biết. Hầu hết trường hợp mắc bệnh là trẻ dưới 5 tuổi, trong đó có 2/3 là trẻ dưới 3 tuổi.

Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM, cho biết, thời điểm bệnh tay chân miệng bắt đầu vào mùa thường từ tháng 3-5 và từ tháng 9 - 11 hằng năm. “Năm nay không chỉ dịch làm tỷ lệ trẻ mắc bệnh tăng lên mà trẻ bị bệnh nặng, biến chứng cao nặng nề hơn. Đó cũng là lý do khiến từ đầu năm đến nay đã có 6 trẻ ở TPHCM tử vong do căn bệnh này”, bác sĩ Thọ nói.

Theo bác sĩ Thọ, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố có hơn 1.200 ca mắc tay chân miệng, tăng gần 100% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện thành phố có 225/322 xã- phường thuộc 24 quận - huyện có trẻ mắc tay chân miệng, trong đó các quận Tân Bình, Bình Thạnh, Tân Phú, Gò Vấp có số trẻ mắc bệnh cao nhất. Nơi đây từng xuất hiện ổ dịch tại các trường nên nguy cơ lây cao.

Biến chứng gây tử vong

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, tay chân miệng là bệnh dễ lây, lây rất nhanh qua đường hô hấp và tiêu hóa. Bệnh lây từ trẻ này sang trẻ khác qua các chất tiết mũi, miệng, phân hay bọt nước của trẻ bệnh, khi trẻ lành tiếp xúc trực tiếp với trẻ bệnh như nuốt phải nước bọt của trẻ bệnh bắn ra trong lúc ho, hắt hơi, cầm đồ chơi... của trẻ mắc bệnh.

Biểu hiện của bệnh là trẻ nổi các bóng nước có kích thước từ 2-10mm, màu xám, hình ô van, thường xuất hiện ở vùng mông, gối, lòng bàn tay, lòng bàn chân và thường ấn không đau. Bóng nước còn xuất hiện trong miệng và khi vỡ ra gây những vết loét trong miệng.

Khi nổi bóng nước, trẻ có thể sốt nhẹ, quấy khóc do đau miệng, bỏ ăn. Tuy nhiên, bóng nước sẽ tự xẹp đi và có thể tự khỏi sau 5-7 ngày. Đa số trường hợp bệnh sẽ tự khỏi nhưng nếu bệnh do tác nhân enterovirus 71 gây ra, một số trẻ bị biến chứng rất nguy hiểm là viêm não, viêm cơ tim, viêm màng não dễ gây tử vong.

Phòng là chính

Các chuyên gia dịch tễ cho biết, tác nhân gây bệnh tay chân miệng do virut coxsakie và enterovirus 71. Trước đây, bệnh chủ yếu là do tác nhân coxsakie rất lành tính. Nhưng những năm gần đây, các biến chứng dẫn đến viêm não, viêm cơ tim, viêm màng não từ bệnh tay chân miệng là do một tác nhân mới khác rất nguy hiểm. Đó là enterovirus 71 gây ra. Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên việc phòng bệnh là quan trọng nhất.

Bác sĩ Khanh cho biết, để phát hiện sớm biến chứng, điều quan trọng là khi thấy trẻ có bệnh tay chân miệng với triệu chứng bóng nước ở tay, chân, miệng thì người thân cố gắng theo dõi sát trẻ ít nhất 8 ngày để phát hiện ngay các dấu hiệu nghi ngờ biến chứng và nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện.

Cách phòng bệnh tốt nhất là không nên cho trẻ bị bệnh đến trường học hay nơi công cộng; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn; che miệng, mũi khi ho hay hắt hơi; bảo đảm nơi ở thoáng mát, sạch sẽ; vệ sinh sạch sẽ vật dụng trong gia đình và đồ chơi của trẻ...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG