Văn hoá đặt giá

Văn hoá đặt giá
TP - “Chắc những doanh nghiệp này đang bận đi đấu giá từ thiện”. Một đại biểu bình luận khá chua chát tại phiên họp HĐND TPHCM sau khi đưa ra những chứng cứ về các doanh nghiệp gây ô nhiễm cho người dân khu vực kênh Ba Bò, khiến người dân - dù thu nhập chỉ 300.000 đồng/tháng - phải góp tiền mua chất chống mùi xú uế.

Có thể thấy, cụm từ đấu giá từ thiện đã mang một sắc thái văn hoá mới, chỉ những trò chơi nổi, thậm chí lừa đảo mang danh từ thiện của một số kẻ là doanh nhân hoặc tự xưng doanh nhân. Chưa bao giờ cái từ “đấu giá” lại mang hàm nghĩa xấu xa như vậy, sau những trò lố bịch diễn ra tại buổi đấu giá nhân danh vì miền Trung tối 11- 11.

Gần đây, có một phiên đấu giá quốc tế khiến những người yêu nước, trọng văn hoá hụt hẫng. Bức tranh Chiều tà của vua Hàm Nghi đã lọt vào tay một người nước ngoài với giá 8.800 euro (chưa đến 300 triệu đồng).

Bức tranh Chiều tà (Déclin du jour) của vua Hàm Nghi - Ảnh do Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cung cấp.
Bức tranh Chiều tà (Déclin du jour) của vua Hàm Nghi - Ảnh do Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cung cấp..

Hụt hẫng vì trong lúc đó ở VN, người ta sẵn sàng hét giá mấy triệu đô cho vài thớ gỗ lũa, thì ở phiên đấu giá bức tranh, sao không người Việt nào cố gắng mua bằng được bức tranh quý của một ông vua yêu nước? Chỉ biết an ủi nhau rằng người mua là người biết tôn trọng nghệ thuật, rồi có ngày bức tranh sẽ trở về Huế, về VN?

Tới đây, có một phiên đấu giá khác mang tên Rubynight do công ty của MC Minh Tiệp tổ chức tối 18 -12 tới tại Hà Nội. Cũng lại có mục đích ủng hộ miền Trung.

Hiện vật đem bán gồm chiếc vòng của người đẹp Diễm My, chiếc đầm mà Nhật Kim Anh mặc khi nhận giải Nữ diễn viên chính xuất sắc trong Liên hoan phim quốc tế Việt Nam lần 1, một kỷ vật của diễn viên Mạnh Cường, chiếc đồng hồ của Minh Tiệp, đĩa thứ 5.000 trong bộ album “6.0” của nhạc sỹ Phú Quang...

Chưa biết điều gì sẽ diễn ra ở cuộc đấu giá từ thiện có hơi hướng văn hoá này. Nhưng liệu có tái diễn cảnh những fan cuồng hét lên những cái giá siêu thực?

Có một điều nhầm lẫn thuộc về văn hoá trong hoạt động bán đấu giá từ thiện hiện nay. Không phải cứ nhân danh từ thiện thì giá khởi điểm sẽ cao và rất cao, mà giao dịch đấu giá thực sự lành mạnh chỉ có thể thực hiện khi hiện vật có giá trị tự thân, và người thắng đấu giá phải có văn hóa, thực sự biết người biết của, biết ra giá và biết trả tiền.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG