Vẫn chuyện “mát mẻ”

Vẫn chuyện “mát mẻ”
TP - Phim “Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2” ra rạp Việt ngày 28/1 được “cốp” nhãn P (dành cho mọi đối tượng khán giả). Trong khi đó, bộ phim này ở các nước công chiếu lại được cảnh báo PG-13, không phù hợp với khán giả dưới 13 tuổi. Vì tin tưởng nhãn dán, dành cho mọi đối tượng khán giả, nên các bậc phụ huynh vô tư dẫn con mình đi xem. 

Sau đó họ phản hồi: “Tết nhất dẫn con gái 5 tuổi đi xem, nghĩ là Tây du ký gần gũi với thiếu nhi, ai dè… Phim thì nhảm, nhân vật thì kinh dị, âm thanh kinh hồn… làm con nhỏ tối ngủ mơ, giật mình”. Và thắc mắc: “Sao phim lại dán nhãn P?”.

Nhưng nhiều nhất vẫn là những phản hồi: “Phim có cảnh hở hang, không hợp với thiếu nhi”. Tuy nhiên xung quanh quan niệm “mát mẻ”, các khán giả cũng tranh luận ra trò: Bên cạnh người chê hở hang, phản cảm thì người khác lại bênh, có thấy hở chỗ nào đâu hoặc hở thế ăn thua gì, ở ngoài đường bây giờ còn nhiều người mặc hở hơn, trên phim truyền hình Việt còn nhiều cảnh ghê hơn v.v… Các “thượng đế” còn tranh luận bất phân quanh cái sự mát mẻ thì hội đồng kiểm duyệt phim quyết định dán nhãn P cho bộ phim này, “thoáng” hẳn so với  hội đồng kiểm duyệt phim của các nước cũng là câu chuyện không có gì bất ngờ.

Cũng xoay quanh “cảnh nóng”,  bộ phim phục vụ mùa Valentine  “50 sắc thái đen”  bất chấp đồn đoán,  đã lọt qua kiểm duyệt, để được ra rạp Việt, sau khi  “lược bớt” vài cảnh nhạy cảm rồi đóng nhãn C18 (cấm khán giả dưới 18). Nhưng dư luận vẫn chưa thỏa mãn: “Đã dán nhãn 18 + còn cắt thì dán nhãn làm gì, cắt hết cho khỏe”, “Đã gắn mác 18+ còn cắt vài cảnh nữa, có gì sai sai, nản thiệt” v.v..

Khán giả trưởng thành mong muốn được coi họ trưởng thành đúng nghĩa, như người trưởng thành ở các nước phát triển. Nhưng nếu ở bộ phim “Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2”, ta dán nhãn “co dãn” hơn thông lệ thì ở phim dành cho người lớn, những người kiểm duyệt phim đã thận trọng hơn, không dễ dàng đáp ứng nhu cầu của “thượng đế”.

Khi đề cập đến dãn nhãn cho phim có cảnh nóng, nhiều người còn nghĩ tới việc: Ở độ tuổi 13, 16 tuổi, nếu bắt khán giả đến xem phim phải mang theo giấy khai sinh thì nhiêu khê mà để nhìn mặt đoán tuổi thì thật “bắt bí” người soát vé. Câu chuyện “dán nhãn” phim chẳng biết thực hiện ở nước người ra sao nhưng ở nước ta cũng còn lắm vấn đề băn khoăn,  chẳng kém một dạo người ta tranh luận sôi nổi việc “cấp thẻ hành nghề” để “thanh lọc” nghệ sỹ. 

MỚI - NÓNG