Ước mơ hiến tạng của 3 chị em

Ước mơ hiến tạng của 3 chị em
TP - Năm người trong gia đình mắc phải một căn bệnh kỳ lạ, da thịt tự nhiên cứ teo tóp đi, chỉ còn lại lớp da bọc xương, không thể đi lại, cử động được. Hai người đã ra đi, những người còn lại coi cái chết sắp tới như giấc ngủ trưa. Họ ước mơ được hiến các bộ phận cơ thể cho y học. Nhưng mơ ước ấy vẫn khó thực hiện…

Đang khỏe, bỗng liệt giường

Bà Trần Thị Hìu vạch ống tay áo của đứa con gái, lộ ra cánh tay khẳng khiu như que củi: “Đấy, nó cứ nằm như thế từ tháng 10 năm ngoái tới nay. Tay chân cứ để như thế nào thì vẫn nguyên như thế. Ăn uống, vệ sinh tất cả đều trên giường. Ấy thế nhưng đầu óc nó vẫn minh mẫn lắm, cái gì cũng biết”.

Tôi hỏi, Hồng không trả lời. Chỉ có đôi mắt ầng ậc nước. Theo lời kể của bà Hìu, Hồng đã từng có tuổi thơ êm đềm, hằng ngày cắp sách đến trường cùng bạn bè. Năm 20 tuổi, cách đây gần 10 năm, sau một cơn sốt, da thịt của Hồng bỗng dưng teo tóp lại và dần dần… biến mất. Người chỉ còn da bọc xương, những nhúm da nhăn nheo, bạc phếch. Giờ Hồng đang nằm đấy, bất động nhưng vẫn gọi mẹ, gọi em mỗi khi đi vệ sinh.

Theo bà Hìu, căn bệnh của Hồng dường như là một thứ bệnh di truyền quái đản. Bắt đầu từ bố Hồng, ông Vũ Văn Kỳ cũng từng là người đàn ông khỏe mạnh, nhanh nhẹn, từng làm bưu tá ở xã. Khoảng năm 1984, ông bắt đầu thấy những biểu hiện cơ thịt bị teo đi, biến mất dần dần khiến ông không đi lại được, nằm liệt giường rồi ra đi mãi mãi vào năm 2005. Trớ trêu là, trong thời gian mắc bệnh, ông phải chứng kiến con gái là Vũ Thị Việt (sinh năm 1982) cũng có những biểu hiện tương tự ông. Bà Hìu như phát điên vì lo lắng căn bệnh này đang có dấu hiệu lan tỏa đến những đứa con. Cứ nghe ở đâu có thầy lang giỏi là bà tìm đến. Thậm chí, bà cõng con cả ngày trời, vượt núi tìm vào tận những bản xa để mong thầy lang chữa được bệnh cho con. Không biết bao nhiêu lần, bà đã bị những ông “lang vườn” lừa lấy tiền mà bệnh con bà vẫn không thuyên giảm. Việt mất năm 2001 khi mới 19 tuổi.

Sau chồng và con gái thứ ba, bà Hìu lại phát hoảng khi hai đứa con gái lớn là Vũ Thị Huệ (SN1977), Vũ Thị Hồng (SN1979) và người con trai độc nhất là Vũ Văn Hào (SN 1984) lâm bệnh, một căn bệnh như bố và chị của chúng. Đến bây giờ, Hồng nằm liệt giường, mỗi bữa chỉ ăn được vài miếng cơm, Huệ bắt đầu không đứng lên được, cuộc sống gắn liền với chiếc ghế nhỏ, đôi tay dài thõng thượt cũng đang dần mất cảm giác. Hào thì vẫn nhấc người lên được nhưng mỗi bước đi liêu xiêu không vững, thân hình như chực đổ xuống bất cứ lúc nào. Thương con, bà cũng đã bắt chúng đi hết bệnh viện nọ, trạm xá kia, từ Nam chí Bắc, nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu của bác sỹ. “Họ chỉ bảo rằng đây là căn bệnh teo cơ toàn thân, một loại bệnh hiếm gặp và chưa có cách chữa. Vậy là con tôi chỉ có cách nằm chờ chết? Tôi là mẹ thấy con sắp chết mà không thể làm gì được” - người đàn bà hơn 53 tuổi nghẹn ngào.

Giấc mơ hiến tạng

Gia đình bà Hìu ở thôn Hồ Tiến, xã Hương Vỹ, Yên Thế, Bắc Giang, một thôn có truyền thống làm nghề nung vôi, làm cay. Đó cũng là nghề phụ của bà khi nông nhàn để kiếm thêm tiền nuôi cả nhà. Một mình bà quay như chong chóng với đủ thứ việc: Từ đập đá thuê, làm ruộng đến chăm sóc, giặt giũ, cơm nước cho những đứa con tật nguyền. Thậm chí, mỗi khi con gái đến thì, bà cũng phải trực tiếp lau rửa. Niềm hy vọng duy nhất của gia đình chính là người con gái út Vũ Thị Hạnh (SN 1988) vừa tốt nghiệp Trường Cao đẳng Nghề Bắc Giang, khoa Công nghệ thông tin. 24 tuổi, Hạnh trông phổng phao và nhanh nhẹn. Cô hay cười, hay nói: “Tại sao mình cứ phải buồn khi mà cuộc sống của mình đã không thể buồn hơn được nữa. Em nghe nói, cười nhiều có thể chữa được bệnh, phải không anh?”.

Không như cô út, Việt, Hồng, Hào dường như chỉ được biết qua mặt chữ. Đi lại khó khăn, sự tủi thân và nỗi đau hành hạ thể xác và tinh thần đã phá ngang con đường tới trường. Trong ba người, Hào được học hành cao nhất mới hết lớp… 5. Đôi chân không đi được và cái sự học hạn chế ấy không thể ngăn nổi ước mơ hòa nhập thế giới bên ngoài của cậu. Thông qua chiếc ra-đi-ô nhỏ, cậu học được nhiều thứ và quan trọng hơn, Hào làm quen được với nhiều người bạn cùng cảnh ngộ. Năm ngoái, qua đài tiếng nói, Hào làm quen với một nữ khán giả khiếm thị tên là Hiền ở Nam Định. Biết Hiền chuẩn bị đi giải phẫu để chữa mắt, Hào đã gọi điện về với mong muốn được hiến giác mạc. “Tiếc là khi em gọi đến thì chị ấy đã phẫu thuật xong rồi. Bây giờ chị ấy vẫn liên lạc thường xuyên với em, hình như bây giờ chị ấy đang đi hát cùng đoàn nghệ thuật của những người khiếm thị. Chị ấy nói là sắp đến Bắc Giang và sẽ vào thăm em” – Hào kể. Hào lại gọi điện đến Bệnh viện Mắt T.Ư xin được hiến giác mạc. Mới đây, nghe thấy trên đài, ti vi nói nhiều về việc hiến nội tạng, Hào bàn với hai chị và họ quyết định làm đơn… xin hiến tạng. Những nét chữ nguệch ngoạc, liêu xiêu nhưng ý tứ rành mạch, rõ ràng: “Gia đình tôi rất cảm ơn Đảng, Nhà nước cùng các cấp ngành từ Trung ương đến địa phương cùng toàn thể xã hội đã giúp đỡ gia đình tôi và để đáp lại sự giúp đỡ đó, 3 chị em tôi đã làm đơn tự nguyện hiến giác mạc nhưng đó chưa phải là tâm nguyện chính của chị em tôi… Đâu đó trên đất nước ta vẫn còn rất nhiều mảnh đời bất hạnh nên 3 chị em tôi mong muốn khi nào chết đi sẽ hiến nội tạng mà không kèm theo bất kỳ điều kiện nào”.

“Tôi cũng chẳng biết các cháu nó bàn nhau lúc nào, chỉ đến khi các nhà báo đến nói tôi nghe mới rụng rời cả người. Từ bé đến giờ tôi có nghe nói gì về cái vụ hiến mắt, hiến tạng này đâu. Việc lớn quá tôi không nghĩ được nhưng các cháu nghĩ được thế tôi cũng chỉ biết cầm lòng mà đồng ý!” – bà Hìu nói.

“Thế nhưng, chẳng ăn thua gì anh ạ!” - khuôn mặt Hào buồn thiu. Theo lời Hào, em đã mất bao nhiêu công sức, cạy cục nhờ người nọ, người kia xin số điện, địa chỉ rồi hỏi thủ tục hiến các bộ phận cơ thể ở khắp nơi như Đại học Y, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Quân y… Với việc hiến giác mạc, Bệnh viện Mắt gửi về một mẫu đơn đăng ký, bảo Hào điền vào rồi gửi đi nhưng không thấy hồi âm gì.

Chia tay, bà Hìu tiễn tôi ra tận sân, nhắn gửi: “Bây giờ, có lẽ chỉ trông chờ vào cô gái út. Ấy vậy mà, ra trường được một năm rồi vẫn chưa đi làm được ở đâu, nghe người ta nói là phải có tiền mới xin được việc, mà nhà tôi thì đến xe máy cho con đi cũng chưa có”.

Họ chỉ bảo rằng đây là căn bệnh teo cơ toàn thân, một loại bệnh hiếm gặp và chưa có cách chữa. Vậy là con tôi chỉ có cách nằm chờ chết? Tôi là mẹ thấy con sắp chết mà không thể làm gì được.

Bà Trần Thị Hìu

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG