UBTV Quốc hội sẽ chất vấn về phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động ngoại giao

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Các nội dung chất vấn này sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp, kết nối với các đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành, cùng sự tham gia của một số phó thủ tướng, bộ trưởng, trưởng ngành liên quan.

Sáng 14/3, phát biểu khai mạc phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, phiên họp thứ 31 dự kiến diễn ra trong 3,5 ngày, cho ý kiến về các nội dung quan trọng.

Về công tác lập pháp, Ủy ban Thường vụ sẽ cho ý kiến về việc giải trình tiếp thu, chỉnh lý 7 dự án luật trước khi xin ý kiến tại hội nghị đại biểu chuyên trách và trình Quốc hội tại kỳ họp 7 để xem xét, thông qua.

Về tiến độ, Chủ tịch Quốc hội đánh giá, các dự án luật đã được chuẩn bị sớm hơn so với các kỳ họp trước đây. Các dự án luật trình lần này đều được các Phó chủ tịch Quốc hội cùng cơ quan soạn thảo, thẩm tra chuẩn bị kỹ lưỡng, nhiều vòng, nhiều lần, tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học và có chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung so với dự thảo luật trình kỳ họp thứ 6.

UBTV Quốc hội sẽ chất vấn về phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động ngoại giao ảnh 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh Như Ý

Về Luật Thủ đô sửa đổi, nội dung này đã được họp nhiều lần, mới đây Đảng đoàn Quốc hội đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, có sự tham gia của các bộ, ngành và đã có thông báo kết luận. Đến nay, dự án này đã được hoàn thiện thêm một bước cơ bản và hôm nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về bản mới nhất.

Đây là dự án luật đặc biệt quan trọng không chỉ có ý nghĩa phát triển nhanh, bền vững với Thủ đô mà còn cho cả nước. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường vụ Quốc hội quan tâm, đóng góp ý kiến cho cả nội dung, bố cục, nhất là những chủ trương, nghị quyết đã được ban hành.

Đối với dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, theo kế hoạch, lãnh đạo Quốc hội cũng đã làm việc với Chính phủ, các bộ, và đã có chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu rất căn cơ. Đây là cơ hội để hoàn thiện thể chế tốt nhất cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Bên cạnh đó, các dự án luật khác cũng được chuẩn bị, tiếp thu, chỉnh lý tối đa và cũng có thay đổi cả nội dung và kỹ thuật lập pháp.

Đây là phiên họp trọng tâm của Ủy ban Thường vụ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tích cực đóng góp ý kiến, thảo luận đóng góp ý kiến cho chất lượng dự án luật tốt nhất.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét, quyết định thành lập phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập thành phố Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương; thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang; Ủy ban Thường vụ cũng sẽ xem xét, cho ý kiến với về công tác dân nguyện tháng 2.

Đặc biệt, tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ dành 1 ngày chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ về hai nhóm vấn đề.

Trong đó, nhóm 1 thuộc lĩnh vực tài chính, nội dung chất vấn tập trung vào công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm; việc thực hiện pháp luật đối với hoạt động kinh doanh xổ số, đặt cược, casino và trò chơi điện tử có thưởng; thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan; phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới…

Lĩnh vực ngoại giao, tập trung chất vấn về công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài; hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch Việt Nam với thế giới và việc miễn thị thực nhập cảnh cho công dân các nước vào Việt Nam để phát triển du lịch; công tác quản lý, sắp xếp, kiện toàn, nâng cao trình độ, năng lực tổ chức bộ máy ngành ngoại giao; tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động ngoại giao.

"Các nội dung chất vấn này sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp, kết nối với các đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành, cùng sự tham gia của một số phó thủ tướng, bộ trưởng, trưởng ngành liên quan", Chủ tịch Quốc hội nêu.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhận được văn bản của thủ tướng, dự kiến bổ sung một số nội dung, một số nghị quyết sẽ trình tại kỳ họp thứ 7 tới.

“Thường vụ Quốc hội đang yêu cầu các ủy ban phối hợp với các bộ, ngành liên quan, làm rõ sự cần thiết và tiến độ chuẩn bị. Trên cơ sở đó phân loại ra, cái nào khả thi, cần phải tập trung chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7, cái nào có thể giãn tiến độ đưa sang kỳ họp thứ 8, tránh tình trạng cứ đưa hết vào rồi chuẩn bị không đến nơi đến chốn, dẫn đến kỳ họp quá tải”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

MỚI - NÓNG