Từ Nhà Bác Cổ đến Bảo tàng Lịch sử quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
TP - Vào đầu thế kỷ 20, Hà Nội trở thành thủ phủ, trung tâm hành chính của liên bang Đông Dương nên mặc dù đã có một số bảo tàng được xây dựng ở Hà Nội nhưng người Pháp vẫn chọn Hà Nội để xây dựng một bảo tàng có tầm cỡ ở Đông Dương.

90 năm lịch sử

Nhà Bác Cổ - địa danh quen thuộc như một phần của ký ức Hà Nội, đó chính là tòa nhà Bảo tàng Louis Finot thuộc Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) được coi là một trong những công trình tiêu biểu cho phong cách kiến trúc Đông Dương ở Việt Nam thời thuộc địa.

Từ Nhà Bác Cổ đến Bảo tàng Lịch sử quốc gia ảnh 1

Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện nay.

Công trình do các kiến trúc sư Ernest Hébrard và Charles Batteur thiết kế, khởi công xây dựng năm 1926, khánh thành và đi vào hoạt động năm 1932. Ban đầu, chức năng chính của Bảo tàng là trưng bày những sưu tập hiện vật nghệ thuật châu Á có được qua hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, khảo cổ của Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp. Năm 1958, Chính phủ Việt Nam chính thức tiếp quản công trình này và chuyển đổi thành nội dung trưng bày về lịch sử Việt Nam.

Năm 2011, Bảo tàng Lịch sử quốc gia được thành lập trên cơ sở sáp nhập Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Toà nhà tiếp tục được sử dụng để trưng bày về lịch sử Việt Nam giai đoạn từ thời tiền sử đến năm 1945.

Kiến trúc độc đáo kết hợp Âu - Á

Từ Nhà Bác Cổ đến Bảo tàng Lịch sử quốc gia ảnh 2

Bảo tàng Lịch sử quốc gia, năm 1954.

Kiến trúc tòa nhà trong trào lưu đương thời theo xu hướng kết hợp Âu - Á. Tuy vậy, là một công trình đặc biệt - thuộc Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp - cơ quan chuyên nghiên cứu, lưu giữ, trưng bày các hiện vật về văn hoá Phương Đông nên công năng và ngôn ngữ thể hiện yêu cầu có tính tiêu biểu.

Căn cứ vị trí, quy mô và tính chất công trình, các kiến trúc sư Hebrard và Batteur đã thiết kế một bố cục mặt bằng tổng thể và hình khối thật sự ấn tượng, mang tính biểu tượng cao. Không gian đại sảnh có mặt bằng hình bát giác - lấy hình mẫu từ nhà bát giác phổ biến trong kiến trúc gỗ Á Đông, thông tầng tạo thành một điểm nhấn quan trọng cho toàn bộ bố cục hình khối công trình, đồng thời đây cũng là không gian có chức năng tập hợp - lan toả dòng người tham quan bảo tàng. Đại sảnh kết nối với không gian trưng bày chính là khối nhà dài hai tầng theo chiều dọc, các phòng trưng bày chuyên đề theo chiều ngang và cũng được lấy hình mẫu từ kiến trúc gỗ truyền thống.

Mặt đứng công trình, các chi tiết ngói âm dương, đầu đao, mái hiên, lan can, hàng cột, con sơn, đầu dư cùng những hoạ tiết truyền thống phương Đông được sử dụng khéo léo theo nhịp điệu, tạo thành một tổng thể hài hoà. Trong đó, hệ thống trang trí sử dụng phổ biến các dạng thức cách điệu văn kỷ hà.

Trân trọng những giá trị

Kỷ niệm 90 năm ngày khánh thành công trình toà nhà bảo tàng (1932 - 2022); chào mừng ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/2022), trưng bày “Từ nhà Bác cổ đến Bảo tàng Lịch sử quốc gia” giới thiệu những tư liệu, hình ảnh gắn với lịch sử ngót một thế kỷ tồn tại của công trình cũng như những tri thức, kinh nghiệm quý giá mà chúng ta rất cần phải trân trọng, nghiên cứu kỹ lưỡng để thừa kế cho phù hợp cùng những mong muốn thay đổi trong tương lai của Bảo tàng, phục vụ ngày một tốt hơn nhu cầu của khách tham quan.

Thông qua các hiện vật, tư liệu, hình ảnh, tài liệu khoa học hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia và một số đơn vị lưu trữ, trưng bày sẽ nghiên cứu sắp xếp logic về quá trình hình thành của Nhà Bác Cổ và quá trình tiếp quản chuyển đổi chức năng từ lưu giữ, giới thiệu trưng bày nghệ thuật vùng Viễn Đông thành giới thiệu lịch sử dân tộc Việt Nam.

Từ đó đến nay, hệ thống kho, trưng bày đã qua 4 lần chỉnh lý, cải tạo lớn đã phát huy vai trò quan trọng của Bảo tàng trong từng giai đoạn lịch sử, đáp ứng nhu cầu tham quan tìm hiểu lịch sử dân tộc, giá trị di sản văn hóa đến công chúng. Trong đó, tòa kiến trúc đã trở thành một phần nội dung trong giới thiệu về Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

MỚI - NÓNG
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm
TP - “Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. Dự kiến tháng 7/2026, nơi in dấu chân chị Trâm sẽ kết nối hệ thống cao tốc Bắc-Nam.