Ngày 15/9, Tỉnh ủy Hà Nam đã tổ chức họp báo về tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025.
Thông tin về công tác tổ chức Đại hội diễn ra ngày 15/9, ông Trần Đức Thuần, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Nam, đại diện Ban tổ chức Đại hội cho biết, chủ đề của đại hội lần này là: "Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, xây dựng tỉnh Hà Nam phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đạt mức phát triển khá của vùng Đồng bằng Bắc Bộ".
Đại hội có sự tham gia của 322 đại biểu đại diện cho 50.604 đảng viên của Đảng bộ tỉnh Hà Nam.
Ông Trần Đức Thuần, Uỷ viên BTV, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hà nam thông tin về đại hội - Ảnh: Hoàng Long
Tại đại hội sẽ tổng kết thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020; phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ 2020-2025; thảo luận, đóng góp ý kiến cho dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới; bầu đoàn đại biểu dự Đại hội XIII của Đảng.
Về văn kiện đại hội, dự thảo báo cáo chính trị được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cho ý kiến 6 lần, lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, gửi xin ý kiến của các bộ, ngành Trung ương. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã báo cáo xin ý kiến và tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về nội dung và hoàn thiện nội dung báo cáo chính trị, báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh để chính thức trình đại hội.
Công tác nhân sự đại hội được triển khai nghiêm túc, đúng quy trình, đảm bảo nguyên tắc và phát huy dân chủ. Nhân sự giới thiệu bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XX có 55 đồng chí; trong đó số dư 7 đồng chí (12,7%), tỷ lệ nữ 10 đồng chí (18,18%) và độ tuổi dưới 40 tuổi là 7 đồng chí (12,7%). Số lượng Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025 là 49 đồng chí, trong đó số lượng bầu tại đại hội là 48 đồng chí.
Bà Định Thị Lụa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam thông tin về các vấn đề báo chí quan tâm - Ảnh: Hoàng Long
Về tiến trình chuẩn bị đại hội, tính đến ngày 3/5, toàn bộ 24/24 chi, đảng bộ cơ sở ở Hà Nam đã tổ chức xong đại hội điểm. Các đảng bộ thực hiện thí điểm đại hội bầu trực tiếp bí thư đã tổ chức đại hội đảm bảo nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm. Các đảng bộ thực hiện thí điểm đều bầu một lần đủ số lượng, đúng cơ cấu cấp ủy, bí thư, phó bí thư và đại biểu dự đại hội cấp trên. Với sự chủ động và quyết tâm của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở, đại hội đảng bộ cấp cơ sở nhiệm kỳ 2020-2025 đã hoàn thành tiến độ đề ra. Đến ngày 19/6, 531/531 tổ chức đảng đã tổ chức thành công đại hội nhiệm kỳ 2020-2025.
Ban thường vụ Tỉnh ủy Hà Nam đã chọn Đảng bộ thị xã Duy Tiên là đại hội điểm cấp trên cơ sở và Đảng bộ huyện Bình Lục thí điểm bầu trực tiếp bí thư tại đại hội. Đến ngày 28/7, 10/10 đảng bộ trực thuộc tỉnh đã hoàn thành việc tổ chức đại hội nhiệm kỳ 2020-2025.
Theo đánh giá, báo cáo chính trị trình đại hội chất lượng khá tốt về bố cục, nội dung, thể thức thực hiện. Việc tham gia thảo luận tại đại hội đa số các ý kiến đều đúng trọng tâm, sát với tình hình thực tế. Về tổ chức tham gia góp ý vào dự thảo văn kiện cấp trên, hầu hết đảng viên đã thể hiện tinh thần trách nhiệm trước Đảng, tích cực tham gia đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết góp phần làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề thực tiễn, sát với cơ sở.
Kết quả bầu cử Ban chấp hành, Ban thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư, Ủy ban kiểm tra Đảng bộ cấp huyện và tương đương nhiệm kỳ 2020-2025 đảm bảo đúng nguyên tắc, quy định, bầu một lần đủ số lượng với số phiếu tập trung cao. Một số đơn vị có tỷ lệ cán bộ nữ, trẻ tham gia cấp ủy khá cao.
Phóng viên các báo tìm hiểu về Đại hội Đảng bộ cấp tỉnh đầu tiên trong cả nước - Ảnh: Hoàng Long
Với phương hướng, mục tiêu tổng quát: Tăng cường đoàn kết, xây dựng, chỉnh đốn đảng; xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phát huy những thành tựu đã đạt được, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững gắn với phát triển văn hóa, bảo đảm quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, xây dựng tỉnh Hà Nam giàu đẹp, văn minh, phấn đấu đạt mức phát triển khá của vùng Đồng bằng Bắc Bộ, Đại hội dự kiến xác định 3 khâu đột phá, 18 chỉ tiêu chủ yếu với 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
Tại buổi họp báo, các cơ quan báo chí cũng đã được cung cấp thông tin về những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nhiệm kỳ qua; một số mục tiêu, giải pháp trong nhiệm kỳ 2020-2025; thông tin, quy định liên quan đến việc tác nghiệp tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Đồng thời, được đại diện một số ban, ngành của tỉnh trả lời, làm rõ thêm những nội dung liên quan đến những điểm mới trong nội dung chủ đề đại hội và công tác thông tin, tuyên truyền về đại hội; công tác nhân sự Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX; kết quả, những định hướng lớn, chỉ tiêu cụ thể về phát triển nông nghiệp công nghệ cao; về mục tiêu tổng quát đến năm 2035; về phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương; kết quả và định hướng duy trì lợi thế về thu hút đầu tư; một số tồn tại, hạn chế, chỉ tiêu không đạt, nguyên nhân, giải pháp khắc phục trong nhiệm kỳ tới; công tác đảm bảo an ninh trật tự phục vụ đại hội.
Thông tin về phương hướng chủ yếu trong nhiệm kỳ tới, bà Đinh Thị Lụa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết: Nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Hà Nam xác định 18 chỉ tiêu chủ yếu (6 chỉ tiêu lĩnh vực kinh tế; 6 chỉ tiêu lĩnh vực văn hoá - xã hội; 4 chỉ tiêu lĩnh vực đô thị, môi trường, xây dựng nông thôn mới; 1 chỉ tiêu lĩnh vực cải cách hành chính và 1 chỉ tiêu lĩnh vực xây dựng Đảng); trong đó một số chỉ tiêu lớn là:
- Tổng sản phẩm trong tỉnh tăng bình quân 10%/năm trở lên.
- Cơ cấu kinh tế đến năm 2025: Nông, lâm nghiệp - thuỷ sản 6,3%; Công nghiệp - Xây dựng 65,2%; Dịch vụ 28,5%.
- Đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người đạt 117 triệu đồng/người.
- Thu cân đối ngân sách trên địa bàn tăng bình quân trên 10%/năm; đến năm 2025 đạt trên 16.000 tỷ đồng (trong đó: thu nội địa trên 13.500 tỷ đồng).
- Đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo giảm 60 - 65% so với năm 2020 (theo tiêu chí mới của Chính phủ).