Từ mũ tai bèo đến mũ nồi xanh gìn giữ hòa bình

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh chụp ảnh chung với cán bộ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại Cộng hòa Trung phi.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh chụp ảnh chung với cán bộ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại Cộng hòa Trung phi.
Nhiệm vụ của một sĩ quan quân đội Việt Nam tham gia Lực lượng Gìn giữ hòa bình LHQ trước tiên phải hoàn thành tốt nhiệm vụ do Phái bộ LHQ giao, quảng bá với bạn bè trên thế giới hình ảnh con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình và khẳng định khả năng Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia vào Lực lượng Giữ gìn hòa bình.

Từ lâu, hình ảnh những người lính của Liên Hiệp Quốc (LHQ) đội chiếc mũ nồi xanh xuất hiện ở những vùng đất đang có nhiều xung đột dữ dội đã trở thành quen thuộc với thế giới. Góp mặt vào lực lượng gìn giữ hòa bình này, cách đây gần một năm, lần đầu tiên, Việt Nam đã cử 2 sĩ quan quân đội là Trung tá Mạc Đức Trọng và Trung tá Trần Nam Ngạn lên đường thực hiện nhiệm vụ tại Nam Sudan. Ngày 11/4 vừa qua, có thêm 3 sĩ quan nhận nhiệm vụ tại Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ ở Cộng hòa Trung Phi. Đây là một trong những sự kiện quan trọng đánh dấu sự tham gia chính thức của Việt Nam vào hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ.

Lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam

Tiến trình Việt Nam quyết định tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ đã diễn ra tròn 10 năm (2005-2015). Vào ngày 27/5/2014, Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã chính thức được thành lập. Đây là một cơ quan chuyên môn của Bộ Quốc phòng, có chức năng tham mưu, tổ chức thực hiện quản lý và điều hành toàn bộ quá trình chuẩn bị, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ của Việt Nam.

Cũng trong ngày ra mắt, Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã trao quyết định của LHQ, quyết định của Chủ tịch nước cho 2 sĩ quan (Trung tá Mạc Đức Trọng và Trung tá Trần Nam Ngạn) sang làm nhiệm vụ tại Nam Sudan.       

Trên nguyên tắc tham gia ổn định khu vực bất ổn định, có chiến tranh, biến động, tham gia nhiệm vụ nhân đạo như quân y, công binh rà phá bom mìn, không tham gia tác chiến cưỡng chế, Việt Nam đã đăng ký tham gia gìn giữ hòa bình trên 4 lĩnh vực: công binh, quân y, sĩ quan tham mưu, sĩ quan liên lạc.

Đi vào hoạt động, Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã cử 2 cán bộ làm nhiệm vụ sĩ quan liên lạc tại Phái bộ Nam Sudan, 3 cán bộ làm nhiệm vụ sĩ quan tham mưu quân sự tại Phái bộ Cộng hòa Trung Phi theo thư mời của LHQ, triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2, Đại đội Công binh tất cả đang được huấn luyện sẵn sàng nhận nhiệm vụ tham gia Lực lượng Gìn giữ hòa bình của LHQ vào năm 2016.

Bệnh viện Quân y 175 - một trung tâm y tế trọng điểm của quân đội, nơi có trình độ nhân lực cao, nhiều thiết bị khám, chữa bệnh hiện đại, đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ cùng Lực lượng giữ gìn hòa bình LHQ - đã được giao nhiệm vụ cung cấp nhân lực cho Bệnh viện dã chiến cấp 2.

Hiện nay, ngoài việc trang bị thêm những kiến thức chuyên môn cho đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng và cán bộ kỹ thuật thì một chương trình huấn luyện tiếng Anh cho lực lượng tham gia Bệnh viện dã chiến cấp 2 đã và đang được thực hiện tại Bệnh viện Quân y 175 từ tháng 8/2014 đến hết năm 2015.

Tham gia giảng dạy là các giảng viên của quân đội  Australia, trong chương trình, giảng viên sẽ dạy các phần chuyên về tiếng Anh quân sự, tiếng Anh y khoa và các khóa học về quy trình LHQ. Bên cạnh việc chuẩn bị nhân sự, mọi trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh sẽ do Việt Nam mua sắm và vận chuyển đến nước bạn.

Việc tổ chức huấn luyện Đại đội Công binh sẵn sàng tham gia Lực lượng Gn giữ hòa bình của LHQ đã được giao nhiệm vụ cho Binh chủng Công binh. Những thành phần của Đại đội Công binh này được tuyển chọn chặt chẽ, được bồi dưỡng về ngoại ngữ, huấn luyện thường xuyên.

Những kỹ năng quan trọng

Nhiệm vụ của một sĩ quan quân đội Việt Nam tham gia Lực lượng Gìn giữ hòa bình LHQ trước tiên phải hoàn thành tốt nhiệm vụ do Phái bộ LHQ giao, quảng bá với bạn bè trên thế giới hình ảnh con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình và khẳng định khả năng Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia vào Lực lượng Giữ gìn hòa bình. Để hoàn thành nhiệm vụ cao cả này, đòi hỏi mỗi sĩ quan phải có trình độ chuyên môn cao, ngoại ngữ tốt để giao tiếp cũng như đàm phán.

Từ năm 2014 đến nay, nhiều sĩ quan của Trung tâm Gìn giữ hòa bình đã tham gia khóa đào tạo tiếng Anh do Bộ Quốc phòng Anh tài trợ. Khóa học này nhằm trang bị vốn tiếng Anh cho các sĩ quan sử dụng giao tiếp hàng ngày trong môi trường quốc tế.         

Bên cạnh việc đào tạo, trau dồi ngoại ngữ thì các sĩ quan tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình còn được trải qua các khóa học đào tạo quan sát viên quân sự, các khóa tập huấn về gìn giữ hòa bình. Một quan sát viên quân sự phải có kỹ năng thiết lập được vùng đệm giữa hai phía đang diễn ra xung đột và ở đó làm nhiệm vụ giám sát việc hai phía ngừng bắn, ngừng triển khai tăng quân, hỗ trợ cho bầu cử sau xung đột…

Tại các khóa đào tạo, tập huấn này, họ được huấn luyện rất nhiều kỹ năng. Kỹ năng đàm phán là một trong những nội dung rất quan trọng, một người sĩ quan làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình buộc phải biết cách đàm phán với hai bên đang đối đầu, là cầu nối giữa hai phe phái, đàm phán nếu lỡ bị bắt cóc…

Song song đó, các kỹ năng sinh tồn như làm thế nào để chống bị bắt cóc, nếu bị bắt cóc thì làm thế nào để sống, cách xử trí khi gặp cướp, kỹ năng tồn tại khi bị lạc trong rừng, đầm lầy… cũng đều được huấn luyện hết sức chi tiết và cặn kẽ.

Từ mũ tai bèo đến mũ nồi xanh gìn giữ hòa bình ảnh 1

Lực lượng bảo vệ hòa bình Liên Hiệp Quốc.

Họ đã trở thành những chuyên gia đàm phán

Với Trung tá Mạc Đức Trọng, người đang thực hiện nhiệm vụ sĩ quan liên lạc tại Nam Sudan, anh được xem như người "có duyên" với nhiệm vụ gìn giữ hòa bình. Sau khi tốt nghiệp Học viện Khoa học quân sự, anh là một trong 5 sĩ quan ưu tú được chọn đi học tập tại Trường Lục quân của Ấn Độ.

Ngay từ khi còn học tập dưới mái trường Học viện, Trọng đã rất chú trọng trang bị cho mình một "vốn liếng" ngoại ngữ kha khá. Sang Ấn Độ, anh cũng luôn tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh và rèn luyện thêm kỹ năng nghe - nói. Năm 2002, Mạc Đức Trọng về công tác ở Viện Quan hệ quốc tế.

Tại môi trường làm việc này, anh đã có nhiều nghiên cứu về vấn đề gìn giữ hòa bình và được tham dự khóa học đào tạo quan sát viên quân sự tại Australia, khóa học hỗ trợ gìn giữ hòa bình của Anh và khóa đào tạo giảng viên gìn giữ hòa bình tại Mông Cổ.

Tại Viện Quan hệ quốc tế, Mạc Đức Trọng thuộc số cán bộ chủ chốt tham gia tổ chức các sự kiện đối ngoại của Bộ Quốc phòng. Vậy nên khi nhận nhiệm vụ mới tại Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam, với những kinh nghiệm về đối ngoại quốc phòng - an ninh đa phương, Mạc Đức Trọng là một trong 2 sĩ quan đầu tiên được "chọn mặt gửi vàng" thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của LHQ.

Sang Nam Sudan, được điều động về căn cứ Melut (một căn cứ cấp tỉnh của LHQ) bao gồm tỉnh Maban nơi có 4 trại lớn với 150.000 người tị nạn chạy loạn từ bang sông Nil Xanh (Bắc Sudan) và khu vực Paloich - nơi có các cơ sở khai thác dầu khí còn hoạt động.

Do Melut có các giếng dầu đang khai thác nên nơi đây trở thành một địa bàn thường xuyên xảy ra giao tranh giữa lực lượng chính phủ và phe đối lập. Với nhiệm vụ chính là sĩ quan liên lạc nhưng trên thực tế, Trung tá Mạc Đức Trọng tham gia hầu hết các công việc của LHQ tại địa bàn đóng quân. Đó là bảo vệ thường dân trước các cuộc xung đột, giữ vai trò cầu nối giữa Phái bộ, hỗ trợ các tổ chức quốc tế, tổ chức nhân đạo trong các hoạt động cứu trợ; hỗ trợ các hoạt động giám sát ngừng bắn; tuần tra, thu thập thông tin, chứng cứ vi phạm của các bên liên quan, báo cáo Phái bộ…

Nhiệm vụ thường xuyên mà anh phải thực hiện là tới gặp các chỉ huy đơn vị của cả chính phủ lẫn phe đối lập ở khu vực đảm trách. Ở một vùng đất đang có nhiều xung đột, việc khó nhất là bảo đảm giữ được sự trung lập giữa các bên tham chiến.

Trong công việc này, người sĩ quan liên lạc luôn phải đối mặt với sự nghi ngờ của các bên. Vì thế, một trong những yêu cầu nghề nghiệp là cần phải thành thạo kỹ năng giao tiếp, biết kiên nhẫn, cởi mở, linh hoạt và luôn nắm vững thông tin về đối tác. Đặc biệt hơn là phải hiểu biết và tôn trọng bản sắc văn hóa của từng  đối tác vì Nam Sudan là một quốc gia đa sắc tộc, mỗi bộ lạc, địa phương lại có những đặc thù văn hóa riêng biệt.

Nếu như Trung tá Mạc Đức Trọng có nhiều kiến thức, kinh nghiệm về đối ngoại đa phương thì Trung tá Trần Nam Ngạn lại có thế mạnh về đối ngoại song phương. Anh đã có gần 20 năm trải qua nhiều vị trí công tác ở Cục Đối ngoại - Bộ Quốc phòng. Trần Nam Ngạn sử dụng tiếng Anh rất thành thạo và có kinh nghiệm tiếp xúc với nhiều lãnh đạo cấp cao của các nước, nhiều cá nhân trong các tổ chức thế giới.

Nhận nhiệm vụ tại căn cứ bang Jonglei, một trong những công việc quan trọng của Trung tá Trần Nam Ngạn là hộ tống các chuyến hàng của LHQ, các chuyến hàng lương thực và thiết bị cứu trợ của Tổ chức Lương thực thế giới. Những chuyến hàng này chủ yếu được vận chuyển bằng đường bộ và trên sông Nil.

Mỗi lần thực hiện nhiệm vụ, Ngạn thường mất từ 15-20 ngày gian nan vất vả và nguy hiểm trên một chặng đường hơn 600km để đưa những chuyến hàng này về nơi an toàn. Dọc hành trình, đi qua các trạm kiểm soát, anh phải có nhiệm vụ đàm phán để hàng được đi qua suôn sẻ. Những lúc khó khăn nhất là lúc đi qua khu vực nằm dưới sự kiểm soát của phe đối lập. Họ thường xuyên gây khó khăn, không cho hàng đi tiếp, không cho quay về hoặc "xin" hàng hóa, lương thực… Gặp những trường hợp đó, 100% sự thành công hoặc thất bại sẽ tùy thuộc vào cách xử lý của sĩ quan liên lạc. Và thứ vũ khí duy nhất có hiệu quả của người sĩ quan liên lạc lúc đó chỉ có thể là sự khéo léo trong giao thiệp và khả năng đàm phán.

"Vai mang gươm, tay mềm mại bút hoa"

Là 2 sĩ quan ưu tú, thành thạo ngoại ngữ, có kiến thức về gìn giữ hòa bình, có kỹ năng tốt trong đàm phán, Trung tá Trần Nam Ngạn và Mạc Đức Trọng được giao "sứ mệnh" của những người đi tiên phong và đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đó. Phái bộ của LHQ tại Nam Sudan đánh giá 2 sĩ quan của Việt Nam là những người gương mẫu, luôn hoàn thành nhiệm vụ, tinh thần cố gắng cao, tính kỷ luật và khả năng sẵn sàng chiến đấu tốt, đồng thời được Phái bộ đề xuất tặng huân chương.

Ngày 11/4/2015, Trung tâm Gìn giữ hòa bình đã cử thêm 3 sĩ quan sang làm nhiệm vụ tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình LHQ tại Cộng hòa Trung Phi. Các sĩ quan gồm: Trung tá Nguyễn Xuân Thành, Thiếu tá Vũ Văn Hiệp làm nhiệm vụ sĩ quan tham mưu quân sự, Đại úy Hoàng Trung Kiên làm nhiệm vụ sĩ quan tham mưu trang bị. Lên đường đến với đất nước Trung Phi, nơi cuộc sống của người dân thường đang còn nhiều bất ổn, 3 sĩ quan đã thể hiện quyết tâm sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ và luôn mang một hình ảnh đẹp của Bộ đội Cụ Hồ đến với bạn bè quốc tế.

Năm sĩ quan quân đội Việt Nam đã thay những chiếc mũ tai bèo cài lá rừng truyền thống của Bộ đội Cụ Hồ bằng những chiếc mũ nồi xanh để làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của LHQ. Mang trong tim hình ảnh của một đất nước yêu chuộng hòa bình đến những vùng đất còn nhiều xung đột, những người lính Cụ Hồ đang làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình LHQ đã  không ít lần được nghe các đối tác địa phương hay đồng nghiệp nhắc đến hai chữ "Việt Nam".

Đấy là niềm tự hào vô cùng to lớn, và cùng với niềm tự hào đó, là một trách nhiệm cao cả, đó việc được góp phần thực hiện sứ mệnh nhân đạo của LHQ bảo vệ những người dân ở những quốc gia đang xảy ra xung đột.

Theo Theo An Ninh Thế Giới
MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.